Thị trường BĐS: Sẽ qua thời “nằm im thở khẽ”

Những thay đổi tích cực như giảm lãi suất cho vay tại các hệ thống ngân hàng hay chỉ số giá tiêu dùng những tháng vừa qua có xu hướng giảm... là dấu hiệu hạ nhiệt của lạm phát. Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, điều này đồng nghĩa với việc thị trường BĐS sẽ hồi phục trở lại, chậm nhất cũng chỉ đầu năm 2012.

Những thay đổi tích cực như giảm lãi suất cho vay tại các hệ thống ngân hàng hay chỉ số giá tiêu dùng những tháng vừa qua có xu hướng giảm... là dấu hiệu hạ nhiệt của lạm phát. Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, điều này đồng nghĩa với việc thị trường BĐS sẽ hồi phục trở lại, chậm nhất cũng chỉ đầu năm 2012.

Giao dịch bắt đầu "ấm” dần

Khảo sát một số điểm trên địa bàn Hà Nội cho thấy, chừng một tháng trở lại đây, nhiều dự án BĐS, căn hộ chung cư sau một thời gian dài "ngắc ngoải” nay bỗng "ấm” trở lại. Chị Lê Thị Bình - một chủ đầu tư BĐS, cho biết chị có một căn hộ 80m2 ở khu chung cư N4 (Trung Hòa, Nhân Chính) sau nhiều tháng ròng rao bán với giá 33 triệu đồng/m2 chẳng ai hỏi thăm, nay chị nhận được liên tiếp những lời đề nghị "nóng sốt” sẵn sàng mua căn hộ của chị với giá 37 triệu đồng/m2.

Anh Nguyễn Minh Tuấn, ở phố Giảng Võ, Hà Nội, sau một thời gian dài "nằm im thở khẽ” vì lo thị trường đóng băng không thể hồi phục lại, nay đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi cho biết, căn hộ anh định bán ở khu tập thể Giảng Võ gần đây có khá nhiều người tới hỏi thăm, trong khi trước đó, anh lo sốt vó vì rao giá trên mạng mấy tháng trời không có ai đoái hoài.

Cùng với đó, một loạt các "đại gia” BĐS cũng bắt đầu le lói tín hiệu trở lại với thị trường. Savills Việt Nam vừa chính thức được bổ nhiệm làm Đại lý tư vấn tiếp thị và Đại diện Bán độc quyền cho dự án Hòa Bình Green City do CTCP nông sản Agrexim và Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư. Savills cho biết sẽ đưa ra thị trường dự án nói trên ngay trong tháng 10. Tương tự, Công ty TNHH Phát triển Công nghệ (CFTD) cũng vừa công bố sẽ chào bán chính thức căn hộ dự án Star Tower vào ngày 7-10 tới.

Không chỉ có vậy, thị trường này còn đón nhận sự thăm viếng của một số tập đoàn, quỹ đầu tư lớn của Hoa Kỳ và châu Á khi họ vừa sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một số lĩnh vực, trong đó có BĐS. Những động thái mới mẻ trên của thị trường BĐS cho thấy sự "ấm” dần lên, giao dịch bắt đầu tăng trở lại, đặc biệt các phân khúc bình dân. Theo một chuyên gia, những giao dịch hầu như tập trung vào những người có nhu cầu nhà ở thực sự, còn phân khúc biệt thự, dòng vốn đầu tư vào các phân khúc cao cấp chiếm tỷ lệ thấp.

Kỳ vọng cởi bỏ nút thắt của chính sách

Nhiều chuyên gia từng nói rằng thị trường BĐS không thể đóng băng mãi. Bởi trên thực tế, với đà tăng dân số như hiện nay, quỹ đất hẹp dần trong khi nhu cầu nhà ở của người dân chưa bao giờ "giảm nhiệt”. Nói như Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: "Nhu cầu và nguyện vọng có nhà ở phù hợp của người dân rất lớn. BĐS vẫn luôn là thị trường thu hút sự quan tâm đầu tư hàng đầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Không thể không nhắc đến những tín hiệu khả quan từ việc nới lỏng chính sách trên thị trường tiền tệ, cụ thể là lãi suất cho vay đã dần hạ nhiệt kể từ đầu tháng 9. TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá: "Cùng với việc lãi suất hạ nhiệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những tháng vừa qua cũng có xu hướng giảm. Đây là 2 yếu tố cho thấy có hy vọng lạm phát giảm. Nếu lạm phát được đẩy lùi, từ đầu năm 2012, thị trường địa ốc sẽ dần hồi phục”.

Tuy nhiên, để thị trường này thực sự hồi phục, phần lớn các chuyên gia trong ngành cho rằng Chính phủ không nên siết quá chặt lĩnh vực này như thời gian vừa qua, sự thắt nút ấy vô hình trung đã khiến các lĩnh vực khác cũng bị "bóp nghẹt”, như vật liệu xây dựng, nội thất, giải quyết công ăn việc làm cho khá nhiều lao động nông nhàn... Bởi vậy, nhiều chuyên gia đề xuất các phân khúc như nhà thu nhập thấp, nhà ở cán bộ, tái định cư... cần được tiếp tục cho vay vì đây là những lĩnh vực gắn liền với an sinh, xã hội hiện nay.

Nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam Cao Sỹ Kiêm cũng ủng hộ mở tín dụng đối với dự án nhà thu nhập thấp, bởi theo ông: "Không thể cào bằng các dự án nhà cho người thu nhập thấp với chứng khoán hay dự án BĐS khác. Tuy nhiên, cũng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, rõ ràng và công khai để dân kiểm soát vì nếu "mở” quá chắc chắn tác động không tốt tới lạm phát”.

Các tin khác