Thanh tra 4 dự án giao thông trọng điểm

Một "ổ voi" trên cao tốc TPHCM - Trung Lương. Ảnh: internet.
Một "ổ voi" trên cao tốc TPHCM - Trung Lương. Ảnh: internet.
Một "ổ voi" trên cao tốc TPHCM - Trung Lương. Ảnh: internet.

Cao tốc TPHCM - Trung Lương, Láng Hòa Lạc, cầu Thăng Long và Cầu Giẽ - Ninh Bình là 4 dự án giao thông trọng điểm đầu tiên bị Bộ GTVT thanh kiểm tra toàn diện.

Mục địch của đợt kiểm tra lần này nhằm làm rõ nguyên nhân dẫn tới hư hỏng và trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan.

Thông tin này do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng trao đổi với các phóng viên bên lề Hội nghị Triển khai công tác trật tự An toàn Giao thông hôm nay 28-11.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: “Trong quá trình làm rõ vi phạm ở các dự án, sẽ quy trách nhiệm của từng người và xử lý đúng tội, không chỉ cấp dưới mà cán bộ cấp trên vi phạm cũng sẽ xử lý thật nghiêm. Quan điểm của tôi là phải xử lý thật nặng, thật nghiêm những vi phạm của các cá nhân và đơn vị thực hiện Dự án, là việc làm cần thiết nhằm tạo lòng tin cho nhân dân”.

Đối với sự cố tại Dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay: “Tôi đã trực tiếp đến kiểm tra và xác định trách nhiệm của từng đơn vị về những hư hỏng trên tuyến cao tốc này, trong đó trách nhiệm số 1 thuộc Ban Quản lý Dự án, tiếp đó là tư vấn giám sát và cuối cùng trách nhiệm của đơn vị thi công.

Tuy nhiên, với những sự cố tại cao tốc TPHCM - Trung Lương thì quan trọng nhất là tư vấn giám sát và sắp tới sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm của đơn vị này. Lý do đây là đơn vị được ký hợp đồng tham gia dự án, tiền thì họ nhận nhưng khi xảy ra sự cố thì không chịu trách nhiệm, chỉ có nhà thầu chịu trách nhiệm là không được”.

Bộ trưởng Thăng yêu cầu khi thực hiện dự án trong thời gian tới, chất lượng kém thì nhà thầu thi công chịu 1 nửa, tư vấn giám sát chịu một nửa.

Liên quan đến chất lượng công trình giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã chính thức lên tiếng về sự cố hư hỏng mặt cầu Thăng Long (Hà Nội). Bộ trưởng Thăng cho biết đã giao cho Cục Quản lý chất lượng công trình kiểm tra làm rõ.

Tuy nhiên, mặc dù mặt cầu Thăng Long vừa làm xong đã hỏng và đã mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu nguyên nhân, khắc phục sự cố bằng cách trám vá, nhưng việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị thực hiện Dự án này, Bộ trưởng Thăng lại cho rằng phải thận trọng cân nhắc.

“Đây là một đề tài khoa học do Viện Khoa học & Công nghệ đề xuất, dự án thí điểm và sử dụng vật liệu ngoại nhập hoàn toàn mới, vì vậy nếu xét trách nhiệm để xử lý không có tình có lý thì sẽ dẫn đến hệ lụy là từ sau sẽ không ai dám đề xuất ý tưởng, không ai dám sáng tạo nữa.

Dự án sẽ được kiểm tra lại toàn diện để xác định nguyên nhân thực tế dẫn đến sự cố hư hỏng là do vật liệu, công nghệ hay thi công. Trường hợp không khắc phục được thì sẽ phải làm mới để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến cầu” - Bộ trưởng Thăng cho hay.

Trước ý kiến về việc số tiền ngót nghét 100 tỷ đồng bỏ ra để sửa chữa mặt cầu Thăng Long nhưng ngay sau đó đã bị hư hỏng, cho đến nay đơn vị chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân dẫn tới sự cố và khả năng sẽ phải rót thêm kinh phí để làm lại, như vậy thì có vẻ như khoản tiền đầu tư ban đầu đã bị đổ xuống song xuống biển, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: “Trường hợp bất khả kháng thì phải chấp nhận rót kinh phí mới, nhưng khi truy được trách nhiệm thuộc về ai thì sẽ xử lý theo đúng trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị thực hiện dự án này”.

“Quan điểm của tôi là không vuốt ve, phải xử lý đúng người đúng tội thì mới nâng cao được chất lượng công trình, đảm bảo an toàn giao thông và mang lại lòng tin cho nhân dân” - Bộ trưởng Thăng khẳng định.

Ngoài 4 Dự án trọng điểm nói trên, sự cố mặt cầu Thanh Trì (Hà Nội) đang bị lồi lõm, sụt lún, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết cũng sẽ kiểm tra cụ thể để làm rõ nguyên nhân và xử lý trách nhiệm.

Các tin khác