Thận trọng dự án nhà thầu CSCEC

(ĐTTCO) - Theo sau làn sóng đầu tư BĐS của nhà đầu tư Trung Quốc, các doanh nghiệp xây dựng từ nước này cũng nhanh chóng đổ bộ vào TPHCM. 
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo người mua nhà cần thận trọng với tiến độ và chất lượng thi công của các dự án do nhà thầu này thi công.
Năm 2017, CSCEC còn trúng thầu thi công 3 tòa tháp trong dự án Sunwah Pearl của chủ đầu tư Sunwah Group. Sunwah Pearl tọa lạc tại số 90 đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, là khu tích hợp cao cấp bậc nhất, bao gồm căn hộ cao cấp, tòa nhà văn phòng và trung tâm thương mại. Dự án bao gồm 1 cao ốc 45 tầng và 2 cao ốc 50 tầng, với 1.342 căn hộ, diện tích 52-128m2 có 1-3 phòng ngủ, ngoài ra còn có các căn hộ sang trọng khác.
Thận trọng dự án nhà thầu CSCEC ảnh 1 Một dự án do nhà thầu Trung Quốc thi công. 
Nhà phát triển BĐS Alpha King, do ông chủ đến từ Trung Quốc là Tập đoàn SPG Land thành lập, cũng vừa công bố 2 dự án tòa nhà văn phòng Alpha Town và khu phức hợp Alpha City, bao gồm trung tâm mua sắm Alpha Mall và khu căn hộ Alpha Hill, dự kiến ra mắt vào tháng 9 tới.
Qua tìm hiểu được biết, Alpha Town tiền thân là dự án Momentum Tower tại số 289 đường Trần Hưng Đạo và 74 đường Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, quận 1. Dự án này hiện cũng do nhà thầu CSCEC thi công.
Trong khi đó, khu phức hợp Alpha City - tiền thân là dự án cao ốc phức hợp Ngân Bình (Golden Hill) tại số 87 Cống Quỳnh phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, có diện tích đất 8.320m2 - đã được UBND TPHCM cấp phép năm 2008, nhưng do chủ đầu tư cũ gặp khó khăn về tài chính nên tạm ngưng đến nay. Quy mô xây dựng gồm 2 khối tháp cao 35 tầng và 4 tầng hầm. Hiện tại cổng dự án Alpha City đã xuất hiện biển hiệu thông báo công trình của nhà thầu Shanghai Construction Group.
Với người dân TPHCM, tên CSCEC có lẽ không xa lạ, bởi đã trúng thầu gói dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè năm 2003 và được yêu cầu hoàn thành trong năm 2007. Nhưng sự yếu kém và chây ì của CSCEC khiến dự án bị chậm tiến độ đến 4 năm. Chính quyền TPHCM khi đó đã liên tục có văn bản hối thúc, xử phạt nhưng tất cả đều không khiến dự án nhúc nhích. Chỉ đến khi Ngân hàng Thế giới (WB), đơn vị tài trợ vốn ODA chính cho dự án, tuyên bố “cấm cửa” CSCEC, nhà thầu này mới chịu rời đi, bỏ lại hiện trường ngổn ngang với những hạng mục khó thi công.
Theo một bài viết trên Nhật báo Nikkei, hầu hết dự án của nhà thầu Trung Quốc tại Việt Nam đều gây quan ngại về chất lượng, tiến độ chậm trễ và đội chi phí quá mức. Nikkei cho rằng tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là thí dụ điển hình cho các dự án của nhà thầu Trung Quốc có vấn đề. Một chuyên gia địa ốc nhận định chất lượng công trình do các nhà thầu Trung Quốc thi công vẫn là dấu hỏi lớn cần kiểm chứng. Người mua nhà cần thận trọng với các dự án văn phòng hay chung cư do các nhà thầu này thi công.

Các tin khác