Thảm họa dự án muối

Quán Thẻ (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) từng là vùng quê trù phú, thế nhưng từ khi dự án khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ được triển khai, nơi đây đã biến thành vùng đất nhiễm mặn, sa mạc hóa, cuộc sống người dân khốn đốn. Hàng ngàn người dân đang sống trong cảnh đi không được, ở không xong.

Quán Thẻ (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) từng là vùng quê trù phú, thế nhưng từ khi dự án khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ được triển khai, nơi đây đã biến thành vùng đất nhiễm mặn, sa mạc hóa, cuộc sống người dân khốn đốn. Hàng ngàn người dân đang sống trong cảnh đi không được, ở không xong.

Làng quê tiêu điều

Để tăng nguồn cung muối cho thị trường trong nước, gần đây nhiều dự án sản xuất muối đã được triển khai. Trong đó, dự án khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ có quy mô lớn nhất nước, được triển khai từ năm 2000, do TCT Muối Việt Nam (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng diện tích 2.500ha, công suất 300.000 tấn muối công nghiệp/năm, 20.000 tấn thạch cao, gần 20.000 tấn nước ót. Sau nhiều chuyện lùm xùm, đến tháng 2-2008 dự án này được giao lại cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group). Tháng 7-2008, Thủ tướng Chính phủ đồng ý tăng quy mô diện tích dự án thêm 800ha. Đến ngày 16-8-2009 BIM Group đã xuất mẻ muối đầu tiên.

Khiếu nại của dân Phước Minh gửi lên các cơ quan chức năng của tỉnh ngày một dày. Nhưng trong phạm vi của tỉnh là vấn đề gần như quá tầm tay. Thấy dân phải đi mua từng can nước, sống chung với nước mặn... tỉnh cũng xót và lo lắm. Tuy nhiên địa phương không thể tự giải quyết dứt điểm vấn đề này, cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành mà đặc biệt là nhà đầu tư.

Ông Trần Xuân Hòa,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận

Trong số 3.300ha đất quy hoạch dự án, riêng xã Phước Minh có hơn 2.500ha. Trên 99% hộ dân toàn xã bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp và đất ở để xây dựng đồng muối Quán Thẻ.

Dù dự án chưa triển khai nhưng người dân không còn được phép canh tác trong vùng quy hoạch. Theo luận chứng kinh tế - xã hội, dự án này không chỉ cung ứng một sản lượng muối rất lớn cho cả nước và xuất khẩu, mà còn tạo ra hàng ngàn việc làm cho lao động địa phương.

Nhưng thực tế đến nay dự án này chỉ giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động địa phương. Hàng ngàn lao động nông nghiệp mất việc, mòn mỏi chờ BIM Group giải quyết việc làm nhưng không thấy đâu, nay phải tha phương mưu sinh.

Trước đây, thôn Quán Thẻ 1 là nông trường trồng bông Quán Thẻ, đa số người lao động đều là công nhân nông trường. Sau đó nông trường chuyển đi, công nhân lại trở thành nông dân bám trụ lại vùng đất này; tuy ban đầu có khó khăn, nhưng do đất đai được thiên nhiên ưu đãi rất màu mỡ, lại là vùng trũng nên chủ động được nguồn nước sản xuất.

Do đó sản xuất nông nghiệp rất thuận lợi. Nhưng từ khi có dự án muối Quán Thẻ, tất cả đã thay đổi, vùng quê trù phú này dần bị nước mặn biến thành sa mạc. Giờ đây, đi khắp làng, mỏi mắt tìm cũng chẳng thể thấy một luống rau xanh. Tất cả khoảnh vườn đều bị biến thành những bãi đất trống ngập nước mặn; cây cối chết sạch, trơ lại  cành khô.

Ngoài việc gây ra thiệt hại nông nghiệp rất lớn cho người dân xã Phước Minh, dự án muối Quán Thẻ đã phá hoại môi trường sống ở đây. Kết quả phân tích nước tại thôn Quán Thẻ 1 do Phòng Tài nguyên-Môi trường Thuận Nam phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường Ninh Thuận thực hiện cho thấy 2 mẫu nước tại ao có hàm lượng clorua cao gấp 12-30 lần mức cho phép, nước giếng của người dân hàm lượng clorua cao gấp 24-30 lần mức cho phép.

Vào thời điểm nắng hạn đỉnh điểm, hàm lượng muối còn cao hơn, đến nỗi muối kết tinh ngay trong vườn nhà dân, người dân như ngẹt thở vì sống chung với muối. Toàn xã có khoảng 600 giếng nước hỏng hoàn toàn, bình quân đầu tư 15 triệu đồng/giếng, tổng cộng cũng gần chục tỷ đồng, đó là chưa kể mỗi ngày người dân phải bỏ ra vài chục ngàn đồng mua nước sinh hoạt.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Quán Thẻ có đặc điểm khí hậu 9 tháng nắng nóng kéo dài mỗi năm, có đến 4 tháng nhiệt độ 38-40oC, nên việc quy hoạch thành cánh đồng muối là một chủ trương đúng đắn. Năm 1999, khi dự án muối Quán Thẻ đệ trình, Chính phủ phê duyệt ngay. Hàng trăm tỷ đồng được rót về để triển khai dự án.

Trong đó, việc tái định cư (TĐC), ổn định cuộc sống cho dân cũng như sớm di dời dân để có đất làm dự án là những việc làm cấp thiết nhất. Trong quá trình xây dựng khu sản xuất muối công nghiệp Quán Thẻ, TCT Muối Việt Nam đã xây dựng khu TĐC phía Tây thôn Quán Thẻ 2 để di dời gần 200 hộ dân trong thôn.

Tuy dự án đã có 10 năm nay, nhưng hiện chỉ có khoảng một nửa số hộ vào khu TĐC dựng nhà, số còn lại vẫn chưa chịu vào vì các hạng mục điện, đường, trường, trạm... vẫn còn trên giấy.  Từ khi khu TĐC dự án muối Quán Thẻ được triển khai đến nay, ngoài vài chục căn nhà mọc lên giữa bãi đất cằn cỗi, chẳng có gì đáng gọi là khu TĐC. Từ khi thay đổi chủ dự án, việc xây dựng khu TĐC này vẫn tiếp tục dở dang.

Đất nhiễm mặn, các loại cây có sức chịu đựng cao cũng chết sạch. Ảnh: VĂN NGỌC
Đất nhiễm mặn, các loại cây có sức chịu đựng cao cũng chết sạch.
Ảnh: VĂN NGỌC

Ông Trần Quốc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Phước Minh, cho biết: “Người dân địa phương đã phản kháng dữ lắm, có khi kéo ra trạm bơm của dự án để ngăn chặn việc bơm nước mặn vào hồ chứa, gây nhiễm mặn. Bên cạnh việc cần gấp rút bồi thường, hỗ trợ những hộ dân có đất nhiễm mặn sớm ổn định cuộc sống, việc cần làm trước mắt là ngừng tích nước mặn tại các hồ chứa trên diện tích hơn 90ha tại đồng muối phía Đông thôn Quán Thẻ 1 và Quán Thẻ 2.

Vì việc xây dựng các hồ chứa nước mặn chưa đúng kỹ thuật, gây nhiễm mặn nghiêm trọng. Về lâu dài, tốt nhất chủ đầu tư nên ngừng hoàn toàn việc sử dụng khoảng 90ha đất khu vực này”. Đó là điều hoàn toàn hợp lý, nhưng chỉ là ước muốn của chính quyền xã và nguyện vọng của dân, còn chủ đầu tư và các bộ, ngành có đồng ý hay không vẫn còn phải chờ.

Tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều lần họp bàn với công ty muối, yêu cầu chung tay tháo gỡ những khó khăn mà dân trong vùng quy hoạch phải chịu, trước mắt phải giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho dân, sau đó tính đến chuyện khắc phục nhiễm mặn. Đối với những diện tích đất nông nghiệp đã nhiễm mặn, tỉnh vận động dân chuyển đổi sang làm muối, liên kết với công ty muối để tiêu thụ sản phẩm làm ra.

Tất nhiên, Công ty Muối Quán Thẻ cần hỗ trợ cho dân kinh phí chuyển đổi, còn việc khắc phục nhiễm mặn trong vườn nhà dân, tỉnh và nhiều đơn vị liên quan đang cố gắng tìm các phương án khả thi. Tốt nhất là xử lý dứt điểm việc nước mặn thẩm thấu bằng cách đào các hệ thống kênh mương ngăn nước mặn chạy qua các vùng dân cư.

Đồng muối Quán Thẻ chỉ mới đưa vào sử dụng một phần rất nhỏ diện tích nằm trong quy mô dự án. Thế nhưng tác hại của nó đã để lại quá nặng nề. Khi dự án gần 3.000ha này đồng loạt được khởi động, mức độ ô nhiễm cho nhân dân vùng dự án sẽ rất khủng khiếp, trong lúc đó, người dân đang mòn mỏi từng ngày.

Các tin khác