Thái Nguyên: Săn đất trang trại

Gần đây, giới đầu tư BĐS phía Bắc đang đổ về Thái Nguyên săn lùng đất trang trại, nhưng không phải để phát triển kinh tế nông nghiệp hay xây biệt thự, nhà vườn nghỉ dưỡng.

Gần đây, giới đầu tư BĐS phía Bắc đang đổ về Thái Nguyên săn lùng đất trang trại, nhưng không phải để phát triển kinh tế nông nghiệp hay xây biệt thự, nhà vườn nghỉ dưỡng.

Phần lớn đều mua đi bán lại, chờ tăng giá hay đợi đền bù.

Vỡ mộng lập trang trại

Năm 1999, ông bà Vượng ở đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội, mua 4ha đất trang trại tại xã Động Đạt, huyện Phú Lương, cách trung tâm TP Thái Nguyên chừng 25km về phía Bắc.

Khi quyết định rời Hà Nội, ông bà Vượng ấp ủ ước mơ xây dựng trang trại giống cây ăn quả, cùng nông dân vùng núi làm giàu. Vài năm sau, một vùng đồi núi hoang vu được họ cải tạo thành trang trại, được đầu tư khá đầy đủ công trình hạ tầng, nhưng kinh doanh thua lỗ liên tiếp. Họ đành phải rao bán với giá 600 triệu đồng.

Ông Vượng than: “Đâm lao phải theo lao, chứ số tiền ấy chưa bằng phân nửa vốn chúng tôi đã đầu tư cho trang trại này. Nhưng nếu không bán sẽ phải tiếp tục bỏ tiền ra nuôi trang trại, mỗi tháng thuê người trông coi mất vài triệu đồng, mà mỗi năm chỉ thu về chục cân vải, nhãn làm quà cho cháu”.

Không hiếm người Hà Nội về Thái Nguyên đầu tư làm trang trại đã phải vỡ mộng. Nhiều chủ trang trại ở các huyện phía Bắc TP Thái Nguyên như Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa đang rao bán trang trại đã có hạ tầng với giá chỉ 150-200 triệu đồng/ha.

Có những trang trại ở huyện Đồng Hỷ chỉ cách trung tâm TP Thái Nguyên chừng 12km, cảnh quan đẹp, rao bán với giá 300 triệu đồng/ha nhưng không tìm được người mua.

Nguyên nhân chính là quỹ đất ở các huyện vùng núi còn rộng, những người dân địa phương có quỹ đất lớn sẵn sàng kiếm vốn bằng cách xẻ vài ha bán cho người có nhu cầu làm trang trại với giá rất rẻ, thậm chí có khu đất được rao bán chỉ 30-40 triệu đồng/ha.

Ngay các xã thuộc TP Thái Nguyên nằm trong vùng hồ Núi Cốc, nhiều người đã về đầu tư trang trại tại đây hàng chục năm, nay cũng rao bán rẻ vì khả năng sinh lời vẫn mù mịt.

Mua gom, làm giá

Trong khi người đầu tư đất làm trang trại thua lỗ, bỏ cuộc, giới đầu tư BĐS không bỏ qua cơ hội về Thái Nguyên đầu cơ kiếm lời.

Nhưng sự chú ý của họ chỉ đổ dồn về khu vực phía Nam Thái Nguyên, tiếp giáp với Hà Nội, địa bàn có đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã được khởi công và hàng loạt dự án khu đô thị, khu công nghiệp quy mô lớn đang hình thành.

Trước đây, giới đầu cơ đã đổ về khu vực này mua đất trang trại giá rẻ, rồi làm giá, thổi bùng cơn sốt đất để bán lại giá cao, khiến giá đất nông nghiệp vùng này tăng chóng mặt, có khu đất ở xã Phúc Thuận - Phổ Yên vừa tuần trước được rao bán với giá 200 triệu đồng/ha, tuần sau đã nâng lên gấp đôi.

Ở các xã có đường cao tốc đi qua, một số trang trại được "hét" tới giá 2,5 tỷ đồng/ha.

Trong những ngày cuối tuần, giới đầu cơ đất ở Hà Nội lại về săn lùng mua đất nên thị trường khá hỗn loạn. Nhiều trường hợp mua đất nông nghiệp phải nhờ người có hộ khẩu nông nghiệp đứng tên, nên đã phát sinh tranh chấp phức tạp.

Người mua đất bất chấp thực tế nhiều dự án mới chỉ là ý tưởng, khó thành hiện thực và trong thực tế tỉnh Thái Nguyên đang thu hồi giấy phép 22 dự án chậm tiến độ.

Khi đưa khách hàng đi xem đất tại xã Quân Chu (khu vực có dự án hầm đường bộ Tam Đảo đang được khảo sát), một chị "cò đất” giới thiệu những quả đồi hàng chục ha dọc đường đều thuộc sở hữu của mình. 2 năm trước, gia đình chị phất lên nhanh chóng nhờ mua đón đầu một lô đất 10ha, giá vài trăm triệu đồng, nhờ trúng vị trí dự án nên được đền bù tới hơn 10 tỷ đồng.

Chẳng rõ chuyện chị kể là thật hay để chiêu dụ khách hàng. Chị đang giới thiệu bán một quả đồi rộng chừng 5ha nằm giữa vùng hoang vu và cho hay chủ đất tuyên bố không chuyển nhượng dưới giá 2 tỷ đồng. Chị thuyết phục: "Đất khu vực này đang sắp có dự án vào rồi, đền bù 2 tỷ đồng/ha, siêu lợi nhuận đấy!".

Chưa biết người đầu tư mua đất trang trại ở Thái Nguyên chờ tăng giá hay đợi đền bù có thắng không, nhưng trước mắt giới đầu cơ đã kiếm siêu lợi nhuận, còn cuộc sống vùng nông thôn Thái Nguyên đang xáo trộn dữ dội, nông dân cũng bị cuốn vào cơn sốt giá đất, không còn thiết tha với chuyện cày xới, trồng trọt.

Các tin khác