Tạo điều kiện cho dân tạo lập chỗ ở

(ĐTTCO) - Sau hơn 1 năm đưa dự thảo thay thế Quyết định 33/QĐ-UBND ngày 15-10-2014 của UBND TPHCM quy định về diện tích tối thiểu đã được các sở ngành thống nhất để trình UBND TP thông qua.

 Đây là một quyết định được nhiều người dân mong đợi để tạo lập chỗ ở mới… ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN TOÀN THẮNG, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM xung quanh quyết định này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, chi tiết như thế nào để xem xét cho phép tách thửa?
Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG: - Việc quy định diện tích tối thiểu để tách thửa chia làm 3 khu vực, gồm khu vực 1 (quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú) thửa đất ở hình thành sau khi tách thửa 36m2 và chiều ngang mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 3m. Khu vực 2 (quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện) thửa đất ở hình thành sau khi tách thửa là 50m2 chiều ngang mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 4m.
Khu vực 3 (huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ - ngoại trừ thị trấn) thửa đất ở hình thành sau khi tách thửa có diện tích 80m2 và chiều ngang mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 5m. Đó là điều kiện về diện tích, chiều rộng thửa đất mới được hình thành sau khi tách thửa.
Tạo điều kiện cho dân tạo lập chỗ ở ảnh 1 Việc tách thửa theo quy định mới sẽ rõ ràng hơn với từng loại đất, khu vực. Ảnh: TR. GIANG 
 Ngoài ra, căn cứ để tách thửa đất ở thì quy hoạch chi tiết được duyệt, xác định thửa đất ở thuộc quy hoạch đất dân cư hiện hữu hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang. Trường hợp đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở) và có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm để thực hiện thu hồi đất, không được thách thửa.
Sau 3 năm kể từ ngày rà soát phê duyệt các quy hoạch này mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm, chưa có thông báo quyết định thu hồi đất thì người sử dụng đất được tách thửa đất. Đối với khu vực đất được quy hoạch để chỉnh trang hoặc xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư mới, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ động thu hồi đất và giao cho các chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định tại Điều 146 Luật Đất đai 2013.
Trường hợp tách thửa có một phần đất nông nghiệp thuộc hành lang công trình công cộng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Nhà nước chưa thu hồi, thì được tách thửa cùng với đất ở.
- Còn việc tách thửa đối với đất nông nghiệp cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Dự thảo Quyết định 33 sửa đổi cho phép tách thửa đất nông nghiệp. Theo đó, trường hợp đất thuộc khu vực quy hoạch để sản xuất nông nghiệp được phép tách thửa, thửa đất mới được hình thành và thửa đất còn lại phải đảm bảo diện tích tối thiểu 500m2 đối với đất trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp khác; 1.000m2 đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối.
Trường hợp thửa đất thuộc khu vực không phù hợp quy hoạch để sản xuất nông nghiệp và khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố, không được thách thửa. Trường hợp thửa đất thuộc khu vực không phù hợp để sản xuất nông nghiệp và không phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố, người sử dụng đất được thực hiện các quyền tại Điều 49 Luật Đất đai 2013.
Ngoài ra, nếu tách thửa có nhiều mục đích như sử dụng đất ở, vườn ao... UBND quận huyện căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xác định loại đất và diện  tích tương ứng. Sau khi đã xác định rõ loại đất, việc tách thửa tương ứng với loại đất theo quy định của Quyết định 33 sửa đổi.
- Ngoài những trường hợp trên, còn những trường hợp nào khác không được tách thửa, thưa ông?
- Đó là khu vực bảo tồn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt danh mục bảo tồn theo pháp luật; biệt thự thuộc sở hữu nhà nước; biệt thự thuộc nhóm 1 và 2 theo quy định tại Thông tư 19/2016/TT-BXD ngày 30-6-2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung của Luật Nhà ở; các khu vực hiện đang là biệt thự được tiếp tục quản lý theo quy hoạch; biệt thự thuộc dự án đã quy hoạch; đất thuộc các dự án nhà nước đã giao đất, cấp giấy chứng nhận cho từng nền theo quy hoạch 1/500 được duyệt; khu vực có quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt. Trường hợp này được cơ quan chức năng có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch, việc tách thửa phải đảm bảo đúng quy hoạch.
Ngoài ra, về việc tách thửa 25m2 cho các trường hợp đặc biệt khó khăn, những trường hợp đã nhận hồ sơ tách thửa trước ngày quyết định mới có hiệu lực thi hành mà chưa giải quyết tách thửa, thì UBND quận, huyện xem xét tách thửa theo Quyết định 33 để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Trường hợp người dân yêu cầu giải quyết theo quy định mới, UBND quận huyện căn cứ vào quy định mới để giải quyết. Theo đó, thành lập tổ liên ngành để xem xét tách thửa cho các hộ gia đình thuộc chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, diện tích thửa đất mới được hình thành có diện tích không nhò hơn 25m2, chiều ngang mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 3m đối với đất ở và không nhỏ hơn 300m2 đối với đất nông nghiệp.
Trường hợp khi tách thửa đất có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật, UBND các quận huyện có trách nhiệm rà soát các điều kiện về diện tích đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, căn cứ quy định pháp luật về quy hoạch… đảm bảo quy hoạch được duyệt, kết nối hạ tầng kỹ thuật…
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác