Tái diễn ô nhiễm kênh, rạch

(ĐTTCO)  Tình trạng rác thải sinh hoạt, phế phẩm công nghiệp được đổ thẳng xuống kênh, rạch khiến môi trường ở TPHCM bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đây cũng là một phần nguyên nhân gây nên tình trạng ngập úng cục bộ khi TP bước vào mùa mưa do dòng chảy bị bịt kín bởi rác thải.
Kênh mới cải tạo đầy rác thải
Ghi nhận tại một số tuyến kênh cho thấy, hiện kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé đang bị tái ô nhiễm nghiêm trọng. Rác thải sinh hoạt, phế phẩm công nghiệp và xác chết động vật trôi theo dòng nước, mặt nước đen ngòm, mùi hôi thối xộc lên khiến ai cũng cảm thấy khó chịu.
Ông Phước, một người dân sinh sống gần tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm, cho biết: “Dòng kênh này vừa được cải tạo, thông thoáng được một thời gian ngắn, chúng tôi phấn khởi chưa được bao lâu bây giờ lại phải chịu cảnh ô nhiễm, hôi thối”.
Theo quan sát, 2 bên bờ các tuyến kênh, rất nhiều điểm kinh doanh như rửa xe, sửa xe, nhà hàng ăn uống, quán cà phê, chợ dân sinh. Thậm chí một số kênh mương còn bị người dân lấn chiếm để xây dựng nhà… Tất cả đồ thừa thải, phế phẩm của các cơ sở kinh doanh, rác thải sinh hoạt đều được tuồn thẳng xuống kênh. Chính vì vậy, nước trên các dòng kênh này luôn có màu đen kịt, bốc mùi hôi khó chịu.
Bà Tám, ngụ tại phường 13, quận 8, bức xúc: “Chúng tôi đã chịu cảnh này lâu lắm rồi. Trời nắng còn đỡ, trời mưa nước bẩn và rác thải tràn cả lên đường, vào nhà. Gia đình lại có con nhỏ nên chúng tôi rất lo lắng”.
Tái diễn ô nhiễm kênh, rạch ảnh 1 Hôi, bẩn và mất mỹ quan là nguy cơ dẫn đến bệnh tật khi ở cạnh những dòng kênh ô nhiễm. 
Tương tự, kênh 19-5 đoạn chảy qua Khu công nghiệp Tân Bình cũng đang bị tái ô nhiễm nghiêm trọng. Dọc kênh này rất nhiều cống xả thải của các công ty, nhà máy ở khu vực này đổ thẳng ra kênh. Các bờ kè của kênh được xây khá đẹp, nhưng dòng kênh này đã bị đầu độc bởi nước xả thải công nghiệp, màu nước thay đổi theo từng giờ, lúc đỏ, lúc đen và bốc mùi hôi nồng nặc.
Tại các kênh chảy qua đường Bạch Đằng, đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), đường Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình)... cũng đang là điểm nóng về tình trạng ô nhiễm. Không chỉ hứng chịu nguồn nước thải của các cơ sở sản xuất, các con kênh này còn là nơi tập trung lượng lớn chất thải của người dân sống dọc theo hệ thống kênh. Không dừng lại ở đó, hệ thống cống thoát nước ra các kênh còn bị người dân lấp đầy bởi rác thải sinh hoạt.
Được biết, UBND TP đã ủy quyền cho Sở Tài nguyên - Môi trường hợp đồng với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 8 trong việc vớt lục bình, rong cỏ, rác thải trôi nổi trên các tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Kênh Đôi - Kênh Tẻ, Tàu Hủ - Bến Nghé, nhưng rác chỉ vừa mới vớt xong lại thấy rác khác trôi nổi trên mặt sông.
“Ngoài lượng rác sinh hoạt hàng ngày của người dân, chúng tôi còn vớt những loại rác có kích thước lớn như bàn, ghế sofa, thậm chí cả những tấm nệm. Có những lúc, chúng tôi phải sử dụng phương tiện cơ giới mới có thể trục vớt được các loại rác này” - anh H, công nhân vớt rác thuộc Công ty Công ích quận 8, chia sẻ.

Cần sự góp sức của cộng đồng
Hiện TPHCM có 5 hệ thống kênh, rạch chính là Sài Gòn - Đồng Nai, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé, Kênh Đôi - Kênh Tẻ, không chỉ đóng vai trò trong việc vận tải mà còn nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong việc điều tiết thoát nước và giảm ngập của TP.
Bài toán này luôn là vấn đề nhức nhối khiến các cơ quan chức năng phải trăn trở trong nhiều năm qua. TP đã tổ chức nhiều hội thảo, đưa ra nhiều phương án và hàng ngàn tỷ đồng được chi ra từ ngân sách cho việc bảo vệ và cải thiện môi trường nước trên các tuyến sông, kênh, rạch.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, tiền được chi ra nhưng ô nhiễm vẫn cứ ô nhiễm.
Giảm ô nhiễm môi trường là 1 trong 7 chương trình đột phá của TPHCM TPHCM giai đoạn 2015-2020. Trong đó, chỉ tiêu cụ thể đối với nước mặt là giảm 80% nguồn ô nhiễm mặt nước ở nội thành (5 hệ thống kênh, rạch chính là Sài Gòn - Đồng Nai, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé, Đôi - Tẻ) và 60% ở ngoại thành (2 hệ thống kênh Thầy Cai - Cần Giuộc và kênh Ba Bò).
Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay, để hoàn thành mục tiêu trên không hề dễ dàng. Nguyên nhân có nhiều, như quy hoạch các hệ thống cấp thoát nước cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa phù hợp. Quy hoạch thoát nước đô thị xây dựng từ năm 1998 nay đã lỗi thời. Kênh, rạch thoát nước hiện nay bị lấn chiếm, bị “khai tử” rất nhiều để xây dựng công trình, kể cả một số công trình phúc lợi xã hội, khiến chức năng tiêu thoát nước kém, phát sinh ao tù, nước đọng.
Tình trạng trên bao giờ chấm dứt và không tái vi phạm, tất cả phụ thuộc vào nhận thức của người dân, cũng như các giải pháp của các cơ quan chức năng trong việc nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm do rác thải, để TPHCM xứng đáng là TP xanh, sạch, đẹp.

Các tin khác