Sức bật vùng đất Tây Nam

(ĐTTCO) - So với các hướng phát triển, phía Tây Nam TPHCM được đánh giá rất có tiềm năng để phát triển đô thị, du lịch và nông nghiệp kỹ thuật cao. 

Vùng đất này có sức bật để vươn lên thay da đổi thịt, thế nhưng cần phải có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về hạ tầng cơ bản, thu hút được các nhà đầu tư có tâm, có tầm.

Nhiều lợi thế

Theo GS. Nguyễn Minh Hòa, vùng đất Tây Nam TPHCM có lợi thế lớn về hạ tầng kỹ thuật. Đó là hệ thống đường vành đai 2, 3 và 4 đã khép kín, thuận tiện cho việc lưu thông lên phía Tây Bắc, qua cửa khẩu Mộc Bài sang Campuchia bằng đường cao tốc TPHCM - Lộc Ninh; kết nối các đô thị ven biển miền Trung qua Quốc lộ 1A; lên Tây nguyên qua trục giao thông Long Thành - Dầu Dây; đi Bà Rịa - Vũng Tàu theo đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Hệ thống đường vành đai 2 và 3 còn kết nối với hạ tầng phía Nam TP, nơi có các trung tâm phát triển sầm uất như Phú Mỹ Hưng, các KCN Hiệp Phước 1 và 2. Đặc biệt, cửa ngõ phía Tây Nam kết nối thẳng với ĐBSCL qua Quốc lộ 1A và cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường bộ, đường vành đai kết nối trung tâm cũ (khu vực quận 1, quận 3) với các vùng phụ cận ngày càng hoàn thiện, đã giúp việc đi lại của các nhà đầu tư và người dân khu vực Tây Nam TP nhanh chóng và thuận tiện hơn. Tương lai, khi các tuyến metro số 3B, số 5 và số 6 hoàn thành sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ cho vùng đất Tây Nam trong việc cấu trúc lại cảnh quan và thiết kế đô thị theo hướng hiện đại, đồng bộ và tiện ích.

Chính nhờ hệ thống giao thông đa cấp, đa dạng kết nối tốt, các nhà đầu tư BĐS có uy tín đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến khu vực Tây Nam của TP. Hiện tại, vùng đất này ngoài những KCN lớn đã có như Tân Tạo, Vĩnh Lộc, Lê Minh Xuân, còn nhận được sự cộng hưởng từ các KCN giàu tiềm năng của các tỉnh lân cận, như  KCN Đức Hòa, Đức Huệ, Long Hiệp, Tân Phước, Long Hậu của Long An.
Đặc biệt, khoảng cách từ khu vực Tây Nam lên đô thị vệ tinh Tây Bắc của TPHCM chỉ khoảng 40km và tiếp nữa là Bình Dương, nơi được coi là vùng phát triển sôi động nhất Đông Nam bộ. GS. Nguyễn Minh Hòa nhận định hiếm vùng đất nào của TPHCM như Tây Nam có sự kết nối cùng lúc với chùm đô thị Phú Mỹ Hưng, cảng Hiệp Phước, cảng Cần Đước, đô thị sinh thái Cần Giờ… Chính chùm đô thị hướng biển này sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho cả vùng Tây Nam TP và liên vùng.
Sức bật vùng đất Tây Nam ảnh 1
 Chuyển động nhiều dự án giao thông 

Về hướng phát triển hành lang đô thị Tây Bắc, có thể thấy đây là vùng đất có địa hình cao, quỹ đất rộng lớn, nhiều tiềm năng để quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh kiểu mẫu, góp phần giãn dân vùng lõi cho TPHCM. Tuy nhiên, thời gian qua việc đầu tư cho hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chưa tương xứng nên còn nhiều dự án BĐS lớn ở khu vực này chưa thể cất cánh. Trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, chính quyền TP đang xúc tiến triển khai nhiều dự án đường hướng tâm, như Quốc lộ 22, đường Phan Văn Hớn, Tỉnh lộ 9, Tỉnh lộ 15…

Đầu năm 2017, Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 đã thi công hầm chui An Sương ở quận 12 nhằm giải quyết ùn tắc nút giao thông này. Dự án bao gồm 2 hầm chui, trong đó hầm N1 (hướng từ trung tâm TP đi Tây Ninh) phía đường Trường Chinh dài 140m, phía Quốc lộ 22 dài 180m. Hầm N2 phía Quốc lộ 22 dài 120m, phía đường Trường Chinh dài 140m. Mỗi hầm sẽ có 2 làn xe lưu thông, gồm 1 làn xe ô tô và 1 làn xe hỗn hợp.
Dự án hầm chui An Sương có tổng mức đầu tư 514 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 20 tháng thi công cho cả 2 giai đoạn. Việc xây dựng công trình này sẽ giúp thông thoáng trục đường huyết mạch từ TPHCM đi các tỉnh miền Đông, miền Tây và ngược lại, cũng như từ trung tâm TPHCM về huyện Củ Chi, tỉnh Tây Ninh...

Đối với dự án đầu tư, nâng cấp Tỉnh lộ 9, hiện Sở GTVT đã thẩm định và trình UBND TP phê duyệt. Chủ đầu tư là liên danh Công ty Fecon - Công ty Địa ốc R.C - Công ty Xây dựng Coteccons - Công ty Xây dựng BMT. Thời gian thi công 2 năm với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Công trình bắt đầu từ cầu Rạch Tra đến Tỉnh lộ 8 ở huyện Củ Chi với chiều dài 5,76km. Đây là công trình cấp 2, tốc độ thiết kế 60km/h, dự kiến thi công trong 2 năm.
Theo nhiều nhà đầu tư và chuyên gia, TP cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa để thúc đẩy phát triển hạ tầng cơ bản, trong đó chú trọng các tuyến đường cửa ngõ, đường vành đai, cũng như hệ thống phương tiện vận tải đường trên cao, metro, buýt nhanh. Hạ tầng giao thông đi trước sẽ tạo lực đẩy cho sự phát triển của các dự án nhà ở, các trung tâm mua sắm - giải trí, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Với làn sóng đầu tư mạnh mẽ cả về lượng và chất vào khu vực Tây Nam, kỳ vọng bộ mặt đô thị nơi đây sẽ phát triển đồng bộ, khang trang và hiện đại hơn trong tương lai gần.

Các tin khác