Sốt đất… nghĩa trang

Trong khi thị trường BĐS đang đóng băng, giao dịch trầm lắng, giá đất nghĩa trang trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, Long An… lại đang “sốt”. Nhiều nghĩa trang không còn đất để bán.

Trong khi thị trường BĐS đang đóng băng, giao dịch trầm lắng, giá đất nghĩa trang trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, Long An… lại đang “sốt”. Nhiều nghĩa trang không còn đất để bán.

Quỹ đất nghĩa trang khan hiếm

Nghĩa trang công viên Bình Dương được thiết kế theo kiến trúc công viên mở. Ảnh: THANH VY

Nghĩa trang công viên Bình Dương được thiết kế theo
kiến trúc công viên mở. Ảnh: THANH VY

Hiện nay giá trung bình đất nghĩa trang từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng/phần mộ. Giá đất nghĩa trang đã tăng vọt từ năm 2008 - khi UBND TPHCM có quyết định giải tỏa nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) - nghĩa trang lớn nhất TP. Việc giải tỏa nghĩa trang này nhằm mục đích chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, đặc biệt là hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Việc đưa vào khai thác nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh) được xem là liều thuốc kịp thời để giải nhiệt cho thị trường đất nghĩa trang. Song quy mô của nghĩa trang này chưa đủ đáp ứng yêu cầu đất an táng lên tới 40-50ha/năm tại TPHCM.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM (chủ đầu tư dự án nghĩa trang Đa Phước), cho biết nghĩa trang Đa Phước được quy hoạch và đầu tư xây dựng qua nhiều giai đoạn với tổng diện tích 67ha. Giai đoạn 1 đã đưa vào khai thác 7,5ha. Giai đoạn 2 với gần 11ha đang chờ Sở Tài chính phê duyệt đơn giá đất mộ.

Hiện tại, bình quân mỗi tháng nghĩa trang này nhận thêm 100 mộ, chỉ đáp ứng được rất hạn chế so với nhu cầu chôn cất. E ngại giá đất nghĩa trang ngày càng tăng cao do quỹ đất càng khan hiếm, một số người đã lo xa, đến nghĩa trang Đa Phước liên hệ hỏi mua sẵn phần mộ cho người thân cao tuổi, nhưng Ban quản lý nghĩa trang Đa Phước không thể đáp ứng, vì điều kiện để mua đất là phải có giấy phép mai táng của địa phương hoặc giấy khai tử.

Thực tế giá đất và xây mộ tại nghĩa trang Đa Phước đã cao, những gia đình có thu nhập thấp khó lòng với tới. Với phần mộ diện tích 1,2 x 2,2m2 tại khu mộ phổ thông, giá bao gồm tiền đất, xây kim tĩnh gạch men tổng cộng 31 triệu đồng. Nếu phần mộ kim tĩnh đá hoa cương 55 triệu đồng, kim tĩnh đá ruby đỏ 62,5 triệu đồng, kim tĩnh đá đen 76 triệu đồng. Riêng khu nhà mồ hiện vẫn chưa được phê duyệt giá, nhưng không dưới 100 triệu đồng/phần mộ.

Trong khi đó, giá đất tại các nghĩa trang tư nhân tự phát, xen lẫn trong khu dân cư còn bị đẩy lên cao chót vót, không theo một mặt bằng giá nào. Khuôn viên phía sau chùa Phong Linh (phường Tăng Nhơn Phú, quận 9) được tận dụng kinh doanh đất nghĩa trang, với phần mộ diện tích 1,6 x 2,8m2 giá đến 80 triệu đồng (bao gồm chi phí xây kim tĩnh). Ông Ngà - một cò đất nghĩa trang tại quận 9 - còn hét giá cao hơn: “Ở quận 9, phần mộ diện tích 1,5 x 2,5m2, riêng giá đất đã là 80 triệu đồng, thêm tiền xây kim tĩnh 30 triệu đồng nữa. Ngoài ra, khâu thiết kế và xây dựng mộ phải mướn chúng tôi thầu”.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, giá đất mộ tại TPHCM và các tỉnh lân cận không thể thấp hơn, bởi chi phí đền bù giải tỏa và vật liệu xây dựng tăng. TPHCM đang khuyến khích hỏa táng để tiết kiệm đất đai, cho nên mặt bằng giá đất nghĩa trang khá cao. Hiện nay, tại TPHCM và vùng lân cận tỷ lệ hỏa táng đã chiếm trên 55% số lượng người qua đời hàng năm. Định hướng đến năm 2020 tỷ lệ hỏa táng sẽ đạt khoảng 75%.

Công viên nghĩa trang

Ban quản lý nghĩa trang Đa Phước dự kiến quý III-2011 sẽ đưa giai đoạn 2 vào hoạt động theo tiêu chuẩn công viên nghĩa trang với tỷ lệ cây xanh và công trình phục vụ chiếm hơn 50% diện tích khuôn viên. Việc quy hoạch khu chôn và mộ xây theo hướng vừa hiện đại vừa phù hợp phong tục tập quán của người Việt (có thể chọn hướng chôn, có các khu mộ gia đình...).

Công viên nghĩa trang không phải là mô hình mới, hiện nay nghĩa trang công viên Bình Dương đã thực hiện và đang hút khách. Tại đây, khách hàng có thể mua phần mộ để dành với sự đa dạng về mức giá, vị trí, diện tích và có thể… chuyển nhượng, mở ra nhiều lựa chọn khi mua đất nghĩa trang. Nghĩa trang công viên Bình Dương được thiết kế theo kiến trúc công viên mở, trồng khoảng 100 loài cây, 400 loài hoa và xây dựng hàng chục công trình văn hóa đồ sộ như Vĩnh Hằng môn, Vĩnh Hằng đài, hồ Thủy Long, vườn Thiên Địa Nhân… Mọi người có thể đến đây viếng mộ, cắm trại, đi dạo và cả chụp ảnh cưới. Trong khuôn viên, có trên 200 nhân viên thường trực chăm sóc mộ, cây kiểng, hướng dẫn khách. Mỗi khu đều rợp bóng cây, có 3-4 nhà nghỉ để trú nắng mưa, có căng tin và nhà vệ sinh ngầm sạch sẽ.

Ông Bùi Quang Hán, Tổng giám đốc CTCP ĐT-XD Chánh Phú Hòa (chủ đầu tư nghĩa trang công viên Bình Dương), cho biết nghĩa trang này có quy mô 190ha, được đầu tư trên 370 tỷ đồng, hiện nay hệ thống hạ tầng, đường sá, công trình văn hóa, dịch vụ công cộng… đã xong 70%. Trong khuôn viên chia làm 9 khu, chỉ mới khai thác khoảng 7% đất địa táng. Dự kiến diện tích đất địa táng dành cho tỉnh Bình Dương khoảng 60%, còn lại dành cho TPHCM và các tỉnh lân cận.

Do có cảnh quan đẹp và các dịch vụ như một khu du lịch hiện đại, giá đất ở nghĩa trang công viên Bình Dương không rẻ. Hiện khu I (khu mộ phổ thông), diện tích phần mộ 5,63m2 giá từ 12-22 triệu đồng. Khu B, diện tích phần mộ 13m2 giá từ 60-192 triệu đồng. Khu K (được xây dựng tối đa 8 mộ) với diện tích 81m2 giá từ 330-408 triệu đồng. Chi phí xây dựng đã tăng cao hơn, trước đây chi phí xây kim tĩnh 4,5 triệu đồng, nay điều chỉnh lên 8 triệu đồng, chi phí xây mộ cũng tăng từ 10-12%.

Các tin khác