“Sóng ngầm” quanh dự án sân bay quốc tế Long Thành

(ĐTTCO)-Chỉ trong vòng 1 năm qua, từ khi dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (DASB) được khởi động trở lại, giá đất khu vực quanh sân bay Long Thành đã tan băng và tăng nhanh chóng. 
 
Đất cao su xung quanh dự án đang được rao bán ồ ạt Ảnh: XUÂN TRUNG
Đất cao su xung quanh dự án đang được rao bán ồ ạt Ảnh: XUÂN TRUNG
Tình trạng nhiều “cò” môi giới bất động sản (BĐS) liên tục khuấy động thị trường, đẩy giá đất nền lên cao, tạo nên những cơn “sóng ngầm” về đất quanh DASB...
Giá đất tăng chóng mặt

Từ quốc lộ 51 rẽ vào đường Đinh Bộ Lĩnh, đi thêm vài kilômét là gặp tuyến đường ĐT 769 chạy ven các xã có DASB với hàng trăm bảng hiệu quảng cáo bán đất đủ loại diện tích, đủ loại giá, từ hơn 300 triệu đến vài tỷ đồng. Ông Bùi Xuân Lĩnh (xã Lộc An, huyện Long Thành) cho biết: mới tháng 5, mảnh đất 100m² gần lô cao su của gia đình được bán với giá 350 triệu, nhưng đến nay khi qua tay nhiều người, giá đã lên gần 800 triệu đồng (tăng hơn 100%). Đại diện UBND xã Bình Sơn xác nhận, giá đất hiện đã tăng gấp đôi so với cách đây hơn 1 năm.

Đất nền với diện tích 100 - 300m², chỉ cách vị trí làm sân bay khoảng 2km, được Công ty BĐS Bắc Trung Nam rao bán với giá 7,5 - 8 triệu đồng/m² , trong khi trước đó 2 tháng, giá chỉ 4 - 4,5 triệu đồng/m². Nhân viên môi giới hối thúc chúng tôi đặt cọc ngay 30 triệu đồng vì “giá đất có thể lại tăng trong một vài ngày tới”.
Các khu đất được quảng cáo đối diện sân bay quốc tế với bạt ngàn cao su nhưng cũng được rao bán giá 4 - 5 triệu đồng/m², được cho là đã tăng khoảng 70% so với cách đây 3 tháng, khi DASB đang còn được Quốc hội thảo luận. Mặc dù đội ngũ môi giới, tư vấn đông đảo với đủ chiêu trò lôi kéo khách hàng nhưng người mua đất rất ít. 

Bà Nguyễn Thị Thu (phường 12, TP Vũng Tàu) được nhân viên Công ty Asia Land tư vấn tham quan dự án Khu đô thị Airport Golden Gate với “sổ đỏ riêng từng nền, gần trung tâm hành chính huyện Long Thành, chỉ cách sân bay 5 phút đi xe máy” nhưng với giá 7,5 triệu đồng/m², chưa làm đường nội bộ cùng các tiện ích khác. 

Quanh các xã Bình Sơn, Cẩm Đường, Long An hiện đang có hàng chục dự án phân lô đất nền được mở bán, trong đó có nhiều dự án mới chỉ đốn hạ cao su và thuê máy xúc san bằng. Nhiều người dân quanh khu vực DASB cho rằng, giá đất tăng nhiều trong thời gian ngắn chủ yếu do các công ty BĐS, thậm chí nhiều “cò” đầu cơ mua đi bán lại, đẩy giá lên cao nhằm tạo cơn sốt đất ảo để kiếm lời.
Nhưng theo một công ty BĐS ở Long Thành, giá đất càng tăng cao càng khiến người dân có tâm lý thận trọng nên số lượt giao dịch thành công rất ít. Và thị trường BĐS tại Long Thành là một trong các điểm nóng về giao dịch, với mức giá có thể thay đổi từng ngày nhưng lại không phụ thuộc vào tiến độ xây dựng sân bay. 

Ngăn “sốt” đất ảo

Xã Bình Sơn có tổng diện tích khoảng 4.400ha đất, trong đó diện tích đất thu hồi làm sân bay là 1.900ha, chủ yếu ở ấp 7 và ấp 11. Với diện tích đất trong quy hoạch, năm 2015 xã đã phát hiện có 2 trường hợp bán đất thông qua hình thức ủy quyền và đưa đi công chứng với tổng diện tích 17.000m2, trong đó người được ủy quyền có đầy đủ các quyền của một chủ đất như quyền sở hữu tài sản trên đất, quyền cho tặng, quyền nhận tiền đền bù… 

Tương tự, tại xã Suối Trầu có diện tích 1.448ha gần như nằm trọn trong quy hoạch xây dựng sân bay. UBND xã thừa nhận có việc mua bán đất thông qua hình thức ủy quyền công chứng và lý giải việc này là do đời sống hơn 6.000 hộ dân của xã còn khó khăn, bấp bênh nên người dân bán đất để trang trải cuộc sống.
Khoảng hơn 10 năm qua, bà con rất lo lắng, không dám đầu tư cơ sở hạ tầng, cây giống để sản xuất vì không biết bao giờ dự án sẽ triển khai; việc xây dựng cũng hạn chế, chỉ nhà nào hư hỏng quá nặng mới cho sửa chữa để ở. Trong năm 2016, tại diện tích vùng ven quy hoạch có 94 trường hợp tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong đó có 54 thửa cho người thân trong gia đình, còn lại là phân lô để bán. 

Ông Hoàng Văn Bảy (ấp 1, xã Suối Trầu) cho biết, gia đình có hơn 2.000m² đất trồng cây cao su và đất ở, nhiều năm qua không thể thay thế vườn cây cằn cỗi nên cuối năm 2016 đã ủy quyền cho một chủ đầu tư tại TP Biên Hòa có toàn quyền sử dụng và nhận tiền đền bù sau này.

Ông Ngô Thế Ân, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, cũng thừa nhận, giá đất ở Long Thành thời gian qua (cả trong diện tích 5.000ha làm sân bay và vùng xung quanh) đều tăng do hiệu ứng của DASB ngay sau khi có quyết tâm của Chính phủ về đầu tư dự án.
Nhưng ông Ân cũng không rõ hiện giá trên thị trường chênh lệch bao nhiêu so với giá đền bù vì hiện dự án chưa được phê duyệt giá bồi thường chính thức. UBND huyện Long Thành được tỉnh giao quản lý, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các đối tượng phân lô bán nền trả lại hiện trạng đất trong diện tích 5.000ha quy hoạch khi chưa được sự cho phép của các cơ quan chức năng. 

Ngay từ đầu, huyện Long Thành đã kiến nghị nên thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng 1 lần, cùng một khung chế độ chính sách, để thuận lợi cho việc triển khai. Ông Ân tâm sự: “Nếu so với thống kê xã hội học năm 2015, chắc chắn số hộ bị ảnh hưởng đã thay đổi theo hướng tăng lên. Hiện tại, huyện cũng chưa lường được những vấn đề phát sinh. Huyện đã chỉ đạo các xã quản lý chặt chẽ về mặt xây dựng, tất cả đang chờ chỉ đạo của tỉnh, nhưng mong mỏi của người dân vùng dự án là dự án sớm được triển khai để ổn định cuộc sống”.
Thực tế cho thấy, nếu để lâu giá đất cứ tăng như hiện nay sẽ phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực, gây khó khăn cho các cấp quản lý.
 Dự án sân bay quốc tế Long Thành cách TPHCM khoảng 40km về phía Đông, trên địa phận 6 xã thuộc huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) gồm Suối Trầu, Bình Sơn, Cẩm Đường, Bàu Cạn, Long An và Long Phước với tổng diện tích quy hoạch 5.000ha. Theo số liệu điều tra tính đến ngày 10-3-2015, qua khảo sát trên diện tích 4.701ha/5.000ha (chiếm 94%), đất của gia đình, cá nhân sử dụng là 2.671ha, đất của tổ chức sử dụng là 1.923ha. Có 4.730 hộ với 14.994 nhân khẩu nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án bị thu hồi một phần hoặc toàn bộ diện tích. 

Các tin khác