“Sóng ngầm” ở Côn Đảo: Khó xử lý cán bộ sai phạm?

(ĐTTCO)-Trong quá trình làm việc với người dân ở khu K, chúng tôi đã tiếp xúc với ông Trần Thanh Tâm - người bị lãnh đạo Bảo tàng Côn Đảo sa thải vì dám đứng ra kiện đòi quyền lợi cho bản thân và người dân khu K.
Trong quá trình làm việc với người dân ở khu K, chúng tôi đã tiếp xúc với ông Trần Thanh Tâm - người bị lãnh đạo Bảo tàng Côn Đảo sa thải vì dám đứng ra kiện đòi quyền lợi cho bản thân và người dân khu K.
Trong quá trình làm việc với người dân ở khu K, chúng tôi đã tiếp xúc với ông Trần Thanh Tâm - người bị lãnh đạo Bảo tàng Côn Đảo sa thải vì dám đứng ra kiện đòi quyền lợi cho bản thân và người dân khu K.
 Khu đất rợp bóng dừa là thành quả 20 năm khai hoang, làm lụng vất vả của ông Tâm cùng gia đình, đã bị từ chối không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi một số cán bộ lấn chiếm đất rừng phòng hộ di tích nhà tù thì vẫn được cấp sổ đỏ. 
Bị sa thải vì dám kiện
Quê ở Kiên Giang, ra Côn Đảo sinh sống từ tháng 5-1998, ban đầu ông Tâm xin làm bảo vệ di tích nhà tù, sau được tuyển vào làm chính thức ở Bảo tàng Côn Đảo. Nhận thấy đất bên cạnh di tích chuồng cọp của Pháp bị bỏ hoang, ông Tâm và vợ đã trồng các loại rau màu đem ra chợ bán lấy tiền nuôi con ăn học.
Ông Tâm nhớ lại: “Thời gian đầu ra đảo khổ trần ai, hai vợ chồng hì hục dọn cỏ lác, cây bình linh, mắc cỡ, làm dần dần từ trồng rau muống, đậu bắp, dưa leo, đậu que…, đến năm 2008 bắt đầu chuyển sang trồng dừa. Tổng cộng tới nay được 450 cây dừa và 160 cây xoài”. Hiện nay, khu đất hơn 4.600m2 ông Tâm đã rợp bóng dừa, tạo màu xanh làm dịu đi cái nắng của đảo.
Từ năm 2009, ông Tâm đã kê khai diện tích đất để được cấp số đỏ nhưng cơ quan chức năng trả lời, là đất lấn chiếm, khi thì là đất bỏ hoang một thời gian, và từ chối cấp sổ đỏ cho gia đình ông. Trong khi cơ quan công an và người dân địa phương đều xác nhận, đất gia đình ông sử dụng ổn định từ năm 1998 đến nay. 
Thời gian gần đây, quá bức xúc vì cũng thuộc quy hoạch khu vực 2 - vùng đệm di tích quốc gia đặc biệt nhà tù Côn Đảo - nhưng một số cán bộ như bà Loan, ông Chắc thì đã được cấp sổ từ lâu (dù tự ý phá rừng tràm phòng hộ bảo vệ di tích) nên ông Tâm đã làm đơn thưa kiện để đòi quyền lợi cho gia đình, cũng như một số người dân cùng cảnh ngộ.
Vì việc làm này, ông Tâm trở thành cái “gai” trong mắt chính quyền. Và Giám đốc Bảo tàng Côn Đảo đã cho ông Tâm nghỉ việc. Việc sa thải lúc đầu chỉ bằng miệng, sau đó lãnh đạo bảo tàng tổ chức họp để hợp thức hóa. Không chỉ vậy, cho nghỉ việc vào buổi sáng thì buổi chiều hôm đó, Giám đốc Bảo tàng Côn Đảo đã lấy lại căn tin cho ông Tâm thuê (từ ngày 1-1-2014). Ông Tâm khiếu nại lên Sở VH-TT-DL tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và sau đó ông được phục hồi việc làm; Bảo tàng Côn Đảo đã phải trả cho ông 5 tháng lương trong thời gian đi kiện. 
Tuy nhiên, dù được bố trí việc làm trở lại, nhưng nhận thấy môi trường làm việc khó mà bình thường như cũ, ông Tâm quyết định xin nghỉ việc để dành tâm sức cho cuộc hành trình đi tìm công lý.
Những sai phạm cần phải được xử lý
Cuối tháng 6-2018, chúng tôi đã đến gặp ông Nguyễn Hoàng Tùng - Bí thư Huyện ủy Côn Đảo. Khi chúng tôi hỏi ông Tùng “rút ra bài học gì về công tác xây dựng Đảng từ các sai phạm trong quản lý nhà nước và quản lý cán bộ liên quan đến đất đai?”, ông Tùng trả lời là do “chỉ vì quá tin anh em cán bộ cấp dưới”. Điều đó cũng không khó hiểu, bởi chính ông Tùng khi còn giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện, đã ký 20/22 trường hợp giao đất ở khu K, nên không thể “vác đá ghè chân mình”. 
Đó là người đứng đầu Đảng bộ huyện, còn phía chính quyền huyện đã  có biểu hiện né tránh khi chúng tôi liên hệ gặp. Ông Lê Văn Phong (Chủ tịch UBND huyện) lấy lý do bận họp hành để từ chối mỗi khi chúng tôi liên lạc. Quyền Trưởng phòng TN-MT huyện Côn Đảo Phạm Bảo Ân cũng thoái thác khi nghe chúng tôi muốn xác minh thêm về chuyện đất đai của một số cán bộ mà người dân có đơn tố cáo.
Mới đây, chúng tôi được nghe kể lại một chuyện đau lòng: Trong lần tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (có Bộ trưởng Bộ TN-MT, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu) tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội tổ chức vào ngày 23-6-2018, đích thân bà Ngân (vợ ông Tâm) đã phải đội đơn quỳ lạy kêu cứu về trường hợp nhà đất của mình. Điều đáng nói là, trong hội trường có sức chứa hơn 200 người, hôm đó chỉ có hơn hai mươi người dân, còn lại hầu hết là bộ đội biên phòng và quan chức địa phương!     
Qua những chuyến đi thực tế, làm việc với nhiều hộ dân và lãnh đạo huyện Côn Đảo, cho thấy việc xử lý cán bộ sai phạm về đất đai ở đây khó đến nơi đến chốn, do ít nhiều có quan hệ thân thiết hoặc có liên quan lợi ích với nhau. Các sai phạm này đã diễn ra trong một thời gian dài, rất cần được các cơ quan cấp trên vào cuộc xử lý thích đáng, để mảnh đất thiêng Côn Đảo luôn xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến cao đẹp của các anh hùng liệt sĩ, các cán bộ - chiến sĩ cách mạng.

Các tin khác