Sở XD cấp phép 2 thương hiệu "Nam Tiến"!

CTCP DV-ĐT-XD BĐS Nam Tiến (trụ sở tại B5-B6 KDC Kim Sơn, đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TPHCM) vừa gửi đơn khiếu nại lên Sở Xây dựng TPHCM về việc Sàn giao dịch BĐS Nam Tiến, thuộc CTCP Nam Tiến (Natico, trụ sở tại 95 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TPHCM) đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu và tên thương mại “Nam Tiến”.

CTCP DV-ĐT-XD BĐS Nam Tiến (trụ sở tại B5-B6 KDC Kim Sơn, đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TPHCM) vừa gửi đơn khiếu nại lên Sở Xây dựng TPHCM về việc Sàn giao dịch BĐS Nam Tiến, thuộc CTCP Nam Tiến (Natico, trụ sở tại 95 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TPHCM) đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu và tên thương mại “Nam Tiến”.

Ông Trần Đức Phương, Tổng giám đốc CTCP DV-ĐT-XD BĐS Nam Tiến, cho biết: “Việc CTCP Nam Tiến lấy tên sàn giao dịch BĐS Nam Tiến là trùng tên với sàn giao dịch BĐS của CTCP DV-ĐT-XD BĐS Nam Tiến. Điều này gây ra sự nhầm lẫn cho khách hàng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu và tên thương mại, ảnh hưởng tiêu cực tới thương hiệu, hình ảnh và uy tín đối với công ty của tôi”.

Được biết, CTCP DV-ĐT-XD BĐS Nam Tiến được Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 4-9-2009. Ngành nghề hoạt động chính là tư vấn BĐS, vận tải hàng hóa bằng đường bộ. Sau đó, ngày 22-2-2010, Sàn giao dịch BĐS Nam Tiến đã được Sở Xây dựng TP cấp phép thành lập, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “CTCP DV-ĐT-XD BĐS Nam Tiến tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu 162968”.

Sáng 26-7, chúng tôi tìm đến sàn giao dịch BĐS Nam Tiến của CTCP Nam Tiến tìm hiểu. Bên ngoài cổng vẫn còn các lẵng hoa chúc mừng khai trương. Ông Mai Xuân Mỹ, Tổng giám đốc CTCP Nam Tiến, cho biết sàn giao dịch chỉ mới được khai trương cách đây 1 tuần (ngày 19-7) và hiện chưa tiến hành giao dịch nào; công ty vẫn đang tuyển nhân viên và giám đốc quản lý sàn.

Để chứng minh tính pháp lý của sàn giao dịch BĐS Nam Tiến, ông Mỹ khẳng định: “Sàn giao dịch BĐS thuộc CTCP Nam Tiến ra đời hợp pháp, đúng quy định của pháp luật trên cơ sở mở rộng lĩnh vực kinh doanh, đồng thời được Sở Xây dựng TPHCM cấp phép theo Thông báo 5341/SXD-PTN, ngày 15-7-2011”.

Sở Xây dựng TPHCM đã cấp phép cho cả 2 sàn giao dịch BĐS cùng mang tên "Nam Tiến". Ảnh: THANH VY - LÃ ANH

Sở Xây dựng TPHCM đã cấp phép cho cả 2 sàn giao dịch BĐS cùng
mang tên "Nam Tiến". Ảnh: THANH VY - LÃ ANH

Thực ra, CTCP Nam Tiến đã được thành lập từ tháng 6-2002, tiền thân là Công ty Vải sợi - May mặc Miền Nam (trực thuộc Bộ Thương mại), hiện là những đối tác quan trọng của Việt Tiến, Việt Thắng. Trong khi CTCP DV-ĐT-XD BĐS Nam Tiến chỉ mới hoạt động từ tháng 9-2009.

Đối chiếu những thông tin này, rõ ràng CTCP Nam Tiến sở hữu nhãn hiệu Nam Tiến trước CTCP DV-ĐT-XD BĐS Nam Tiến gần 7 năm nhưng lại đăng ký tên sàn giao dịch BĐS Nam Tiến sau. Vấn đề đặt ra là tại sao Sở Xây dựng TPHCM lại “vô ý” khi cấp phép cho cả 2 sàn giao dịch BĐS cùng mang tên “Nam Tiến”? Trong thời quản lý bằng công nghệ thông tin, việc rà soát để tránh cấp phép trùng thương hiệu là điều bắt buộc và thực hiện rất dễ dàng, lẽ ra không thể để xảy ra việc trùng thương hiệu như vậy.

Trả lời về việc vì sao sàn đã được cấp phép hoạt động nhưng vẫn chưa được cập nhật trên website của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), lãnh đạo CTCP Nam Tiến cho biết: “Chúng tôi đã liên hệ với Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS và được trả lời do 2 tuần qua cán bộ phụ trách đi công tác nên trong tuần này mới có thể cập nhật thông tin.

Sở Xây dựng TPHCM đã xếp lịch làm việc để giải quyết về việc tranh chấp tên thương hiệu “Nam Tiến”. Do thương hiệu Natico của đã giao dịch từ lâu, chúng tôi sẽ kiến nghị Sở Xây dựng cho lấy tên sàn là Sàn giao dịch BĐS Natiland để dễ nhận diện, tạo sự thuận lợi cho khách hàng khi giao dịch". Có lẽ đây sẽ là cách hòa giải nhanh chóng cho cuộc tranh chấp thương hiệu này.

Trên thị trường thời gian gần đây xuất hiện không ít trường hợp doanh nghiệp cùng hoặc khác lĩnh vực sản xuất - kinh doanh trùng tên hoặc mang tên gần giống. Ngoài nguyên nhân do cơ quan cấp phép không lưu ý rà soát tên doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động, còn có nguyên nhân do doanh nghiệp thành lập sau cố ý nhập nhèm gây sự ngộ nhận cho khách hàng để lợi dụng uy tín thương hiệu đã nổi tiếng. Đơn cử vụ một doanh nghiệp BĐS lấy tên Vincon khiến nhiều người tưởng là Vincom. Vincom đã kiện và Vincon đã bị xử phạt, không cho phép lấy tên Vincon. Mới đây, trên thị trường BĐS có một dự án BĐS được quảng cáo rầm rộ với tên “dự án Phú Long”, khiến khách hàng nhầm lẫn đây là dự án của CTCP Địa ốc Phú Long.

Các tin khác