Siết quản lý nhà đất công

Đất đai do các cơ quan nhà nước sử dụng có diện tích rộng, phần lớn nằm tại những vị trí đắc địa, nhưng việc khai thác những lợi thế này để tạo ra nguồn lực tài chính lại không mấy hiệu quả, thậm chí lãng phí, sử dụng sai mục đích. Vì vậy, việc tăng cường công tác quản lý cũng như tìm ra các giải pháp để tối ưu hóa những tài sản này nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội luôn là vấn đề lớn đặt ra.

Đất đai do các cơ quan nhà nước sử dụng có diện tích rộng, phần lớn nằm tại những vị trí đắc địa, nhưng việc khai thác những lợi thế này để tạo ra nguồn lực tài chính lại không mấy hiệu quả, thậm chí lãng phí, sử dụng sai mục đích. Vì vậy, việc tăng cường công tác quản lý cũng như tìm ra các giải pháp để tối ưu hóa những tài sản này nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội luôn là vấn đề lớn đặt ra.

Nguồn lực lớn, hiệu quả nhỏ

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu quản lý tốt và có phương án thu ngân sách từ đất đai, mỗi năm có thể thu thêm được 4-5 tỷ USD cho ngân sách. Vì vậy Bộ Tài chính đã xây dựng "Đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020", bao gồm khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai; sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT); tài sản kết cấu hạ tầng.

Trong đó, nguyên tắc đầu tiên phải xác định giá đất theo thị trường để đảm bảo thu đúng, thu đủ cũng như phân chia lợi ích về đất đai giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng. Đặc biệt quỹ nhà, đất hiện do các TĐ, TCT đang quản lý, sử dụng có diện tích lớn, ở những vị trí đắc địa, có giá trị thương mại cao, song thực tế không sử dụng hết vào mục đích sản xuất, kinh doanh, gây lãng phí.

Bộ Tài chính sẽ tập trung vào việc hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện việc kê khai, lập và phê duyệt phương án xử lý nhà, đất để cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xử lý kịp thời trụ sở cũ của các cơ quan, đơn vị khi di dời sang địa điểm mới.

Ông Nguyễn Tân Thịnh,
Cục phó Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính

Theo kết quả thanh tra mới đây, Công ty Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội được giao quản lý 1.075 cơ sở nhà, đất với gần 189.000m2 nhà và 16,6ha đất, có đến 152 điểm bị sử dụng sai mục đích. Cụ thể, 46 điểm chuyển nhượng, cho thuê lại; 89 điểm chuyển thành nhà ở một phần hoặc toàn bộ; 17 điểm nợ đọng tiền thuê nhà, đất...

Công ty còn tự ý bố trí cho 14 doanh nghiệp được sử dụng hơn 4.000m2 của quỹ nhà kinh doanh dịch vụ tại khu chung cư tái định cư, khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Theo Cục Thuế Hà Nội, toàn bộ số tiền nợ đọng của đơn vị này lên tới gần 200 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, cơ chế, chính sách sắp xếp lại nhà, đất và huy động nguồn lực từ đất tương đối đầy đủ, nhưng việc triển khai thực hiện còn chậm và mang tính hình thức, đối phó ở một số cơ quan, đơn vị. Một số bộ, ngành, địa phương, TĐ, TCT nhà nước chưa quan tâm đúng mức đến việc sắp xếp xử lý nhà, đất nói riêng và việc khai thác, quản lý có hiệu quả nguồn lực tài sản là nhà, đất nói chung.

Đáng chú ý, cơ chế quản lý đất đai tại đơn vị sự nghiệp công lập chưa được khai thác hết nguồn lực. Chính vì vậy, cơ chế thu tiền thuê đất đối với diện tích đất đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vào mục đích cho thuê, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết… chưa thực hiện được, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Kỳ vọng Thông tư 41

Thông tư 41/2015 về sửa đổi Điều 9 Thông tư 39/2011 của Bộ Tài chính mới đây về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước được kỳ vọng không chỉ góp phần đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước, mà còn khai thác có hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực tài chính từ quỹ nhà, đất phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Khu đất thuộc dự án xây dựng, nâng cấp trụ sở TCT Hàng không đang được cho thuê làm nơi kinh doanh.
Khu đất thuộc dự án xây dựng, nâng cấp trụ sở TCT Hàng không
đang được cho thuê làm nơi kinh doanh.

Theo Bộ Tài chính, Thông tư quy định việc thanh toán số tiền hỗ trợ di dời các hộ gia đình, cá nhân đã bố trí làm nhà ở trong khuôn viên cơ sở nhà, đất khác (nếu có) của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức thuộc cùng phạm vi quản lý của các bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, còn quy định thời hạn các tổ chức, cá nhân phải nộp số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào tài khoản tạm giữ, thời hạn chủ tài khoản tạm giữ giải quyết hồ sơ và thực hiện chi tiền từ tài khoản tạm giữ, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Bên cạnh đó, Thông tư quy định rõ quy trình ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước đối với số tiền thu được từ việc sắp xếp lại nhà đất đã được sử dụng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng của địa phương và hỗ trợ di dời các hộ gia đình cá nhân.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với các quy định tại Thông tư 41, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức và công ty nhà nước có căn cứ pháp lý để thực hiện đầy đủ, đúng quy định giúp cho việc thanh toán các khoản chi phí được kịp thời. Đồng thời tăng cường trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chức năng được giao, tránh tình trạng bộ ngành, doanh nghiệp ôm trụ sở cũ như thời gian vừa qua.

Từ đó, đảm bảo việc quản lý, sử dụng có hiệu quả số tiền thu được từ sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước;  tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương, TĐ, TCT nhà nước trong việc triển khai thực hiện phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, góp phần đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước. 

Các tin khác