Siết khai thác nước ngầm

(ĐTTCO) - Thói quen sử dụng nước ngầm thông qua hệ thống máy bơm để sinh hoạt, nấu ăn… hàng ngày khiến người dân “bỏ quên” hệ thống nước máy đã được ngành nước đầu tư kéo đến từng hộ gia đình. Tình trạng này khiến việc khai thác nước ngầm ở mức báo động, không đảm bảo vệ sinh, gây lãng phí việc đầu tư hệ thống nước sạch.
 
Có nước máy vẫn khoan giếng
Không chỉ ở các quận, huyện ngoại thành, ngay cả nhiều quận nội thành người dân vẫn có thói quen sử dụng nguồn nước từ giếng khoan. Nhiều hộ gia đình sử dụng một phần nước bơm từ giếng cho giặt giũ, vệ sinh, tắm rửa… còn nước cho nấu ăn, nước uống hàng ngày sử dụng nước thủy cục.
Báo cáo mới đây của một số công ty cấp nước, cho thấy nhiều quận huyện tỷ lệ hộ dân sử dụng nước thủy cục chiếm tỷ lệ rất thấp dù đã được gắn đồng hồ cấp nước. Khoan giếng tràn lan, nguồn nước không được giám sát về chất lượng, đang là nỗi lo đối với các cơ quan chức năng TP.
 Bên cạnh việc vận động người dân không sử dụng nguồn nước từ giếng khoan, ngành nước TP cũng phải đảm bảo nước sạch cho người dân sử dụng.
Ông Lê Văn Khoa
Phó Chủ tịch UBND TPHCM
Thạc sĩ Nguyễn Phát Minh, nguyên Trưởng bộ môn địa chất thủy văn - địa chất công trình - địa chất môi trường (Đại học Khoa học tư nhiên), cho biết việc khoan giếng tràn lan, kỹ thuật khoan giếng, cách sử dụng giếng nước gần như không được giám sát chặt chẽ, đã góp phần làm  nguồn nước giếng ô nhiễm. Có giếng khoan sơ sài nằm cạnh nhà vệ sinh.
Quá trình giám sát nước giếng tại các hộ dân từ năm 2014 đến nay cho thấy chất lượng nước nhiều nơi không đạt yêu cầu. Trong đó đáng lo ngại là vi khuẩn Ecoli, Coliform và chất nitrat, nitrit có trong nước mà một số công đoạn lắng lọc bình thường không loại bỏ được, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Trao đổi với ĐTTC, nhiều hộ dân cho biết nước giếng khoan rất trong, còn nước thủy cục có lúc lại bị đục nên họ ít sử dụng. Ông Nguyễn Văn Bứa, một người dân ở phường Thạnh Xuân, quận 12, cho biết việc sử dụng nước bơm từ giếng khoan ngoài tiết kiệm được tiền còn do thói quen lâu nay. Chính vì vậy muốn bỏ được thói quen này cần phải có thời gian.
Anh Trần Kim Thành, chủ một cửa hàng khoan giếng trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, cho biết trước kia khu vực Thủ Đức như các phường Linh Đông, Hiệp Bình Phước… độ sâu của giếng bơm khoảng 60m là đạt được mẫu nước an toàn. Nhưng những năm gây đây phải khoan thêm 10-15m nữa mới đạt được, nếu khoan thấp hơn chất lượng nước sẽ không đạt (theo cảm nhận) hoặc mực nước dễ bị tụt, nhất là mùa khô. 

Cần chấn chỉnh kịp thời
Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) vừa trình  UBND TPHCM quy chế khai thác nước ngầm trên địa bàn. Việc ban hành quy chế này nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn việc khai thác nước ngầm tràn lan hiện nay. Một chuyên gia về môi trường cho biết việc khai thác nước ngầm không kiểm soát thời gian qua đã để lại hệ quả rất lớn. Nhiều khu vực bị sụt lún, mực nước ngầm năm sau tụt thấp hơn năm trước, gây ô nhiễm nguồn nước…
Ngoài việc ban hành quy chế khai thác nước ngầm, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết TP đặt mục tiêu giảm trữ lượng khai thác hiện nay từ 716.000 m3/ngày còn khoảng 330.000m3/ngày vào năm 2019 và còn 100.000m3/ngày vào năm 2025. Khi kế hoạch được ban hành, sẽ có những cơ chế chính sách kèm theo để hỗ trợ kinh phí cho các trường hợp trám lấp giếng trong các hộ dân. 
Siết khai thác nước ngầm ảnh 1 Khoan giếng khai thác nước ngầm của 1 hộ dân ở TPHCM. 
Theo ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng giám đốc Sawaco, hiện vẫn còn hơn 40.000 hộ dùng nước sạch bằng các phương pháp như đồng hồ tổng, bồn nước tập trung. Trong năm 2018, Sawaco sẽ hoàn thành việc gắn đồng hồ nước đến từng hộ dân. Ngoài ra, Sawaco đã có nhiều chính sách để vận động người dân chuyển từ dùng nước giếng sang sử dụng nước máy. Sawaco cũng thí điểm giá nước linh hoạt cho các khu công nghiệp - khu chế xuất.
Theo đó, các đơn vị trong khu công nghiệp giảm lượng khai thác nước giếng sẽ được giảm giá nước sạch tương ứng cho số lượng nước giếng đã giảm.
Nhiều ý kiến đề xuất nên tập trung đầu tư cấp nước sạch những khu, cụm dân cư nơi nguồn nước ngầm ô nhiễm. Những địa bàn rộng lớn, chất lượng nước ngầm còn tốt nên để dân dùng nhưng có giải pháp giám sát kỹ thuật khoan giếng, cách bảo quản sử dụng. Các cơ quan chức năng cần ban hành khu vực nào nước ngầm bị ô nhiễm, khu nào nước ngầm bị hụt...
Sawaco phải đầu tư hệ thống cấp nước sạch, những nơi nước ngầm còn tốt Sawaco phân kỳ đầu tư, như vậy việc đầu tư cấp nước sạch đạt hiệu quả hơn. 
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cho rằng việc siết chặt khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm bên cạnh vấn đề kiểm soát nguồn nước, đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân khi sử dụng, về lâu dài còn để đảm bảo nguồn nước dự trữ cho TP. Nếu khai thác tràn lan nguồn nước sẽ cạn kiệt, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn tác động không nhỏ đến hàng loạt vấn đề khác liên quan đến đô thị. 

Các tin khác