Sau đỉnh cao là trái đắng

Dù đã được dự báo trước về khả năng bị ngừng giao dịch, nhưng thông tin cổ phiếu của CTCP Đầu tư Sông Đà (Sudico) bị buộc phải tạm ngừng giao dịch trên sàn TPHCM vẫn khiến nhiều người bất ngờ. Sự tuột dốc không phanh của Sông Đà Thăng Long 3 năm trở lại đây có thể coi là bài học đắt giá cho quy luật đào thải của thị trường.

Dù đã được dự báo trước về khả năng bị ngừng giao dịch, nhưng thông tin cổ phiếu của CTCP Đầu tư Sông Đà (Sudico) bị buộc phải tạm ngừng giao dịch trên sàn TPHCM vẫn khiến nhiều người bất ngờ. Sự tuột dốc không phanh của Sông Đà Thăng Long 3 năm trở lại đây có thể coi là bài học đắt giá cho quy luật đào thải của thị trường.

Về đâu?

3 năm trở lại đây, Sudico (SJS) - “người hùng” một thời trên thị trường BĐS - rơi vào tình thế tuột dốc không phanh: lục đục, tranh chấp nội bộ dẫn đến đình trệ kinh doanh từ năm 2011, gần như không có nguồn thu trong năm 2012, phải trích lập hàng trăm tỷ đồng cho các dự án dang dở và đang đối mặt với năm 2013 u ám.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất, SJS và các công ty con đã lỗ thuần 304,5 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh hợp nhất. Số lỗ lũy kế là 387,67 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2012, tổng dư nợ ngắn hạn của SJS và công ty con là 2.255 tỷ đồng, vượt 1.757 tỷ đồng so với tổng số dư tài sản ngắn hạn (không tính hàng tồn kho).

Với số nợ chất chồng này, ngay từ thời điểm cuối năm 2012, việc Sudico phải rời sàn giao dịch chứng khoán đã được cảnh báo, thậm chí đơn vị kiểm toán còn nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của SJS và các công ty con.

Cùng với việc “cõng” trên lưng hàng ngàn tỷ đồng tiền nợ cũng như kinh doanh liên tục thua lỗ, Sudico thực sự “bất lực” với những khu đô thị đang triển khai dở dang, như Usilk City hay Hòa Hải (Đà Nẵng). Mới đây, cùng với việc tiếp tục xin lùi thời hạn bàn giao căn hộ tại dự án Usilk City, Sudico một lần nữa khiến nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng tài chính của mình.

Trên thực tế, thị trường BĐS yếu kém, èo uột hiện nay là rào cản lớn nhất trong việc quay lại thời kỳ đỉnh cao của Sudico. Vay nợ nhiều trong khi hàng tồn kho hơn 4.300 tỷ đồng, trong đó dự án Nam An Khánh chiếm hơn một nửa (2.200 tỷ đồng), khu đô thị mới Hòa Hải (1.108 tỷ đồng), khu đô thị mới Văn La - Văn Khê (437 tỷ đồng), Mỹ Đình - Mễ Trì (hơn 164 tỷ)... đã khiến doanh nghiệp này rơi vào tình cảnh cực kỳ gian nan.

Phải chuyển nhượng được dự án Hòa Hải Đà Nẵng, bán được hàng tại dự án Nam An Khánh… Sudico mới có thể cầm cự được và thoát khỏi tương lai rời sàn chứng khoán trong cay đắng.

Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra tại một siêu dự án khác là Usilk City, điều quan trọng nhất hiện nay thị trường BĐS còn thiếu là lòng tin thì Sudico dường như cũng đã đánh mất. Và khi đã mất lòng tin của khách hàng, chặng đường tìm lại chính mình của Sudico sẽ nhọc nhằn gấp đôi.

Còn nhiều Sudico?

Trên thực tế, 3 năm thị trường BĐS đóng băng đã khiến hàng loạt doanh nghiệp khốn đốn vì đã trót lỡ bỏ vốn đầu tư tràn lan tại thời điểm thị trường sốt nóng. Dù không ầm ĩ trên công luận như Sudico, thực tế còn nhiều doanh nghiệp khác cũng đang “sa lầy” và phải tìm mọi cách để thoát thân, trong đó nổi bật nhất phải kể đến “ông lớn” Vinaconex.

Từ chỗ là cánh chim đầu đàn trên thị trường BĐS, với số nợ lên tới hàng ngàn tỷ đồng do kinh doanh thua lỗ, Vinaconex bắt buộc phải thoái vốn tại hàng loạt công ty con, dự án lớn nhỏ, trong đó có những dự án triệu đô đã từng mang lại tên tuổi như Park City, Bắc An Khánh và mới đây nhất là Xi măng Cẩm Phả (số lỗ lũy kế của dự án xi măng này đã lên đến 1.700 tỷ đồng và năm 2012, Vinaconex phải trả nợ thay cho doanh nghiệp này gần 489 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp BĐS khác cũng rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, làm ăn thua lỗ, nợ hàng trăm tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền vay vốn ngân hàng mất khả năng trả.

Tổng cục Thuế đã lập “danh sách đen” các doanh nghiệp nợ đọng tiền sử dụng đất lớn với số nợ lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng như CTCP Đầu tư phát triển Phú Mỹ, CTCP Đầu tư xây dựng Bình Chánh, Công ty TNHH Tấn Trường, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD)…

Thành phố Hà Nội cũng bất đắc dĩ trở thành “chủ nợ” lớn khi hàng loạt doanh nghiệp chây ì không chịu nộp tiền sử dụng đất như CTCP Kỹ thuật xây dựng nợ đọng hơn 40,6 tỷ đồng tiền sử dụng đất; Tập đoàn Hà Đô nợ gần 79 tỷ đồng tiền sử dụng đất dự án khách sạn 4 sao Mercure… Thống kê của NHNN cũng cho thấy, đến 30-11-2012 có 298 doanh nghiệp kinh doanh BĐS có dư nợ tại tổ chức tín dụng từ 100 tỷ đồng trở lên, với tổng dư nợ 125.141 tỷ đồng.

Sự sa cơ của Sudico hay việc kinh doanh đi xuống của Vinaconex, cùng tình trạng nợ nần của nhiều doanh nghiệp khác có thể coi là những thí dụ tiêu biểu cho quy luật khắc nghiệt trên thị trường BĐS. Đầu tư tràn lan, chạy theo phong trào… khi thị trường sốt nóng và lãnh hậu quả lúc thị trường đảo chiều, đó là bài học không phải doanh nghiệp nào cũng nhớ.

Theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp BĐS sẽ phải tập làm quen với một thị trường thực chất và ngày một khốc liệt hơn, bởi thời kỳ “ăn xổi” dường như đã chấm dứt.

Các tin khác