Sàn BĐS: Giao dịch mập mờ, sai quy định

Thời gian qua dư luận phản ánh rất nhiều sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội và TPHCM hoạt động sai quy định, giao dịch mập mờ và lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Chánh thanh tra bộ Xây dựng Phạm Gia Yên xác nhận, các cuộc thanh tra, kiểm tra gần đây của bộ phối hợp với cơ quan công an cho thấy, tình trạng trên là có thật.

Thời gian qua dư luận phản ánh rất nhiều sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội và TPHCM hoạt động sai quy định, giao dịch mập mờ và lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Chánh thanh tra bộ Xây dựng Phạm Gia Yên xác nhận, các cuộc thanh tra, kiểm tra gần đây của bộ phối hợp với cơ quan công an cho thấy, tình trạng trên là có thật.

50% sàn giao dịch vi phạm

Ảnh minh họa. (Nguồn internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

Kết quả các cuộc thanh tra, kiểm tra cho thấy có hàng loạt sai phạm từ chủ đầu tư kinh doanh bất động sản. Cụ thể, họ đã huy động vốn vượt quá 70% khi chưa xong phần móng, khai khống vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án và bán bất động sản không đủ điều kiện, không thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Qua kiểm tra 128 sàn bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM, đoàn kiểm tra đã lập 62 biên bản vi phạm hành chính với mức phạt từ 50 – 180 triệu đồng/sàn, tổng số tiền phạt là 1,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, số sàn vi phạm chấp hành quyết định xử phạt nghiêm túc mới chỉ đạt 50%.

Theo ông Phạm Gia Yên, mục tiêu của cuộc thanh tra là chấn chỉnh lại các sàn giao dịch bất động sản, buộc họ tuân thủ pháp luật nhằm công khai minh bạch trong việc mua bán bất động sản, góp phần đẩy lùi tình trạng đầu cơ bất động sản, tăng giá, sốt giá ảo. Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ đầu tư kinh doanh và sàn giao dịch bất động sản cố tình vi phạm.

Sẽ không dừng lại ở xử phạt hành chính

Theo các chuyên gia bất động sản, mức phạt của thanh tra bộ Xây dựng hiện nay còn quá nhẹ, không thấm tháp gì so với những vi phạm cố ý của các sàn bất động sản. Phó chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sĩ Liêm cho rằng các sàn giao dịch vẫn đang hoạt động theo kiểu “cò” bất động sản. Nhiều sàn thiếu chuyên nghiệp, chỉ mang tính hình thức, thậm chí trở thành công cụ hợp thức hoá vi phạm cho các chủ đầu tư. Vụ việc điển hình gần đây gây xôn xao dư luận là một số cán bộ, nhân viên công ty cổ phần đầu tư và quản lý bất động sản UDIC (Hà Nội) bị bắt quả tang đang nhận số tiền chênh lệch 30 tỉ đồng trong vụ mua bán căn hộ do UDIC làm chủ đầu tư khiến nhiều người băn khoăn về chuyện mua bán, giao dịch qua sàn bất động sản.

Theo cục trưởng cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Hà (bộ Xây dựng), chính sách về tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch bất động sản đã được quy định rất đầy đủ nhưng người dân chưa tìm hiểu cặn kẽ, rất dễ bị nhân viên của một số sàn bất động sản tung “hoả mù”. Nhiều chủ đầu tư, sàn giao dịch còn móc ngoặc với người bán để kiếm lời, gây thiệt thòi cho người mua.

Thống kê của bộ Xây dựng cũng cho thấy, trong tổng số 557 sàn bất động sản trên toàn quốc, mới chỉ có 15% sàn đủ điều kiện hoạt động và tương đối minh bạch. Sắp tới, bộ Xây dựng sẽ phối hợp với một số ngành chức năng rà soát các sàn bất động sản, sàn nào đủ điều kiện hoạt động và có tính chuyên nghiệp mới được tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản.

Theo ông Phạm Gia Yên, qua các đợt kiểm tra cũng cho thấy, một số điểm trong nghị định của Chính phủ và thông tư của bộ Xây dựng về lĩnh vực kinh doanh bất động sản chưa bám sát với thực tế. Hiện thanh tra bộ đã lập tờ trình lên cấp có thẩm quyền cho sửa đổi, bổ sung. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường việc kiểm tra đột xuất và thường xuyên tại những điểm nóng, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu không minh bạch sẽ chuyển cho cơ quan điều tra chứ không dừng lại ở việc nhắc nhở, chấn chỉnh bằng biện pháp xử phạt hành chính như đợt vừa qua!”, ông Yên khẳng định.

Các tin khác