Rủi ro đầu tư ăn theo hạ tầng

(ĐTTCO) - Nhiều khu vực khi có quyết định mở đường hay một công trình giao thông nào đó mang tính chiến lược lập tức nhà cửa, đất đai khu vực lân cận tăng lên. Tuy nhiên, không ít trường hợp người mua sau cùng lãnh đủ do mãi chạy theo cơn sốt giá.

(ĐTTCO) - Nhiều khu vực khi có quyết định mở đường hay một công trình giao thông nào đó mang tính chiến lược lập tức nhà cửa, đất đai khu vực lân cận tăng lên. Tuy nhiên, không ít trường hợp người mua sau cùng lãnh đủ do mãi chạy theo cơn sốt giá.

Lấy đơn cử trước khi trục đường nối đường Phạm Văn Đồng với Quốc lộ 1A có chiều dài 2,7km (cắt ngang phường Linh Đông, Thủ Đức) được khởi công, giá đất khu vực này trên dưới 10 triệu đồng/m2. Tuy nhiên sau khi con đường được khởi công (tháng 10 vừa qua), lập tức đất khu vực này tăng thêm từ 4-5 triệu đồng/m2, riêng những khu đất con đường cắt ngang  (trở thành mặt tiền) tăng đến 10 triệu đồng/m2. Anh Tài, một người mua đất dự án khu vực này, cho biết nhiều người trước đó có ý định bán đất, nhưng khi nghe thông tin con đường được khởi công lập tức ghim lại đẩy giá lên. Người này đưa giá lên, người khác cũng đưa, chẳng mấy chốc tạo thành một cơn sốt trong khu vực. Tương tự, một dự án đất nền nhà phố trên trục đường Phạm Văn Đồng (thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương), của một doanh nghiệp khá tên tuổi trong lĩnh vực BĐS chuẩn bị đưa ra thị trường. Lấy lý do vì dự án bám trục đường lớn, số lượng nền đất có hạn nên dự kiến giá bán lên đến gần 30 triệu đồng/m2. Nghe giá bán dự kiến này không ít nhà đầu tư khá ngạc nhiên và cũng hồi hộp chờ đợi ngày bán chính thức.

Cách đây tròn 1 năm, giá đất khu vực 38ha thuộc phường Tân Thới Nhất (quận 12) - khu vực điểm cuối của dự án tuyến metro số 2 Bến Thành-Tham Lương - có giá khoảng 18 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, từ ngày Ban Quản lý đường sắt đô thị TP khởi công tòa nhà điều hành tại đây, giá đất tăng vù vù, sau đúng 1 năm đã tăng thêm khoảng 6 triệu đồng/m2. Mức tăng giá này khiến nhiều người không tin được, bởi dự án metro số 2 nhanh lắm cũng 5 năm nữa mới được đưa vào khai thác và không phải chỗ nào cũng có thể kinh doanh được. Vậy mà toàn bộ chủ đất khu vực này cứ đẩy giá lên, người bán sau luôn đẩy giá lên cao hơn người bán trước. Chị Phượng, một cò đất khu vực này, cho biết nhiều lô đất có vị trí đẹp được chọn mua giá cao, những lô đất khác thấy vậy cũng ăn theo, chứ thực tế không phải lô đất nào cũng được nhà đầu tư săn đón.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho biết đó là một hiện tượng tâm lý trong kinh doanh. Khi có cái mới xuất hiện, mà ở đây là các dự án hạ tầng, trung tâm thương mại hay khu vui chơi giải trí... là đất khu vực đó tăng lên. Tuy nhiên không phải ai đầu tư vào đó cũng hiệu quả, rủi ro thường rơi vào những người mua sau cùng. Thực tế những cơn sốt đất tại Ba Vì (Hà Nội) hay Phú Quốc (Kiên Giang) đã chứng minh điều đó. Vì vậy cần hết sức cẩn trọng khi đầu tư, đừng chạy mua theo đám đông.

Các tin khác