Rối bời đô thị

Thống kê của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2014, đã có tới hơn 1.000 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội. Con số ấn tượng này khiến không ít người phải suy nghĩ về thực trạng đô thị lộn xộn mà Hà Nội chưa thể khắc phục nổi dù đã quyết tâm rất nhiều lần.

Thống kê của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2014, đã có tới hơn 1.000 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội. Con số ấn tượng này khiến không ít người phải suy nghĩ về thực trạng đô thị lộn xộn mà Hà Nội chưa thể khắc phục nổi dù đã quyết tâm rất nhiều lần.

Từ đường đắt nhất hành tinh

Theo ông Phan Văn Bảo, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, trong 6 tháng vừa qua, các đội thanh tra xây dựng các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với UBND các cấp tiến hành kiểm tra đối với 7.653 công trình. Trong số này, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.162 trường hợp có vi phạm. Nổi bật nhất là xây dựng không phép với 642 trường hợp. 

Đặc biệt, số công trình sai nội dung giấy phép xây dựng tập trung chủ yếu tại các quận nội thành như Đống Đa, Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Ba Đình. Nguyên nhân chủ yếu do các chủ đầu tư thường tận dụng tối đa diện tích để thu lợi. Một thí dụ điển hình là đường Kim Liên-Ô Chợ Dừa. Đây có lẽ là con đường được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây tại Hà Nội. Không chỉ bởi mang danh “đắt nhất hành tinh”, ngót nghét gần 2.000 tỷ đồng cho 1,5km, hiện trạng của con đường này dường như không mấy đẹp đẽ với nhiều sai phạm đã được “điểm mặt chỉ tên”.

Tình trạng vỉa hè bong tróc dù mới làm, nhà siêu mỏng siêu méo tràn lan, đô thị nhếch nhác, lồi lõm đã không ít lần khiến lãnh đạo TP “nổi đóa”. Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, trong quy hoạch đô thị khi cải tạo lại đường như tuyến đường Kim Liên, Nhà nước chỉ lo làm đường trong khi đó đường mở đến đâu nhà dân san sát đến đó. Hiện nay tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo rất nhức đầu để giải quyết.

“Có ý kiến cho rằng Nhà nước nên thu hồi lại để làm công viên, cây xanh nhưng chỉ vài m2 đất, liệu làm được cái gì? Trong khi đó, số tiền ngân sách phải chi ra để bồi thường phải gấp 12 lần chi phí làm đường. Chính vì vậy, TP đã đưa ra quy định là cho tồn tại nhưng bắt buộc phải hợp khối. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn rất phức tạp bởi tại những khu vực này, tấc đất là tấc vàng” - ông Thảo cho biết.

Đến chung cư cũ ì ạch

Với hơn 1.000 chung cư cũ trên địa bàn với tình trạng nhếch nhác, xuống cấp trầm trọng, có thể nói bộ mặt của Hà Nội trở nên xấu xí hơn rất nhiều. Mới đây, Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội cũng đã phối hợp đi kiểm tra và tìm hướng giải quyết. Cũng từ đây, nhiều câu chuyện “trái ngang” khó nói giải thích vì sao việc cải tạo chung cư cũ trở nên ì ạch, chậm trễ đã được tiết lộ.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc phải có thỏa thuận đồng ý của 80% cư dân khiến việc di dời trở nên vô cùng khó khăn. Thí dụ 1 tòa nhà có 3 đơn nguyên nhưng chỉ có 1 đơn nguyên nguy hiểm phải di dời, 2 đơn nguyên còn lại vẫn ở được, vậy dù cho  tất cả đơn nguyên phải di dời đồng ý, tỷ lệ người dân vẫn chỉ là 1/3. Chưa kể với vị trí đắc địa, gần như không một người dân nào sống trong các chung cư cũ lại muốn chuyển nhà.

Lãnh đạo TP Hà Nội cũng chia sẻ, nhà kiên cố thì dân ở, đến khi mùa mưa bão đến, nếu sập chính quyền phải chịu trách nhiệm, thế nhưng khi chính quyền xuống gia cố tạm để “phòng xa” khi chưa thể cải tạo được, người dân lại vin vào đó làm cái cớ để khẳng định, tòa nhà có thể tiếp tục ở tiếp, đơn vị kiểm định của Sở Xây dựng mặc dù đã được công nhận nhưng người dân vẫn không tin còn tự đi kiểm định thì một số hộ dân lại cho rằng không có kinh phí. Mặt khác, việc doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, không có quỹ nhà tạm cư cũng trở thành một trở ngại lớn bởi nếu không thể tái định cư tạm thời, chắc chắn việc cải tạo chung cư cũ không thể thực hiện được.

Đường Kim Liên-Ô Chợ Dừa, con đường đắt nhất hành tinh.

Đường Kim Liên-Ô Chợ Dừa, con đường đắt nhất hành tinh.

Theo ông Nguyễn Thế Thảo, TP đã tìm đủ trăm phương nghìn kế và việc mới chỉ phá dỡ được 14 chung cư cũ là con số quá ít ỏi, tuy nhiên, nếu không thay đổi cơ chế, việc này sẽ không lối thoát. Ông Nguyễn Thế Thảo đề xuất cần thay đổi cơ chế, thay vì cơ chế thỏa thuận dằng dai như hiện nay, Nhà nước phải có quy định bắt buộc đối với việc cải tạo, nghĩa là khi đã đến mức di dời thì bắt buộc phải di dời, đồng thời với đó là quy định về phương thức di dời, không thể thả lỏng như hiện nay.

“Nhà nước phải có trách nhiệm, không thể chỉ trông cậy vào doanh nghiệp được nữa. Thậm chí là muốn nhanh, Nhà nước có thể dùng luôn các khu đô thị cho người dân vào ở, các khu chung cư cũ thu hồi để làm công viên, trồng cây xanh” - ông Thảo cho biết.

Theo nhiều chuyên gia đô thị, nếu được chấp thuận, đây có thể là một bước đột phá trong việc cải tạo chung cư cũ, bởi thực tế cho thấy với tình trạng đồng sở hữu, nếu trông chờ vào sự thỏa thuận của hàng trăm hộ dân cùng nỗ lực của doanh nghiệp, có lẽ để giải quyết xong hơn 1.000 chung cư cũ mà trong đó không ít chung cư đang ở trong tình trạng chờ sập, Hà Nội phải mất hàng trăm năm nữa.

Các tin khác