Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị

Sau khi ĐTTC số ra ngày 27-10 trong mục Chủ điểm sự kiện có bài viết “Hạ tầng đô thị TPHCM: Loay hoay bài toán quá tải”, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc và các chuyên gia tâm huyết về vấn đề này. Để có thêm góc nhìn mới về việc giải bài toán quy hoạch hạ tầng đô thị TPHCM, ĐTTC đăng ý kiến một số nhà chuyên môn về quy hoạch - quản lý quy hoạch TPHCM.

Sau khi ĐTTC số ra ngày 27-10 trong mục Chủ điểm sự kiện có bài viết “Hạ tầng đô thị TPHCM: Loay hoay bài toán quá tải”, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc và các chuyên gia tâm huyết về vấn đề này. Để có thêm góc nhìn mới về việc giải bài toán quy hoạch hạ tầng đô thị TPHCM, ĐTTC đăng ý kiến một số nhà chuyên môn về quy hoạch - quản lý quy hoạch TPHCM.

Đừng để biến dạng cấu trúc đô thị

VŨ ĐỨC THẮNG, Phó Chủ tịch Hội Tư vấn KHCN và quản lý TPHCM

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phố xá là một phần quan trọng của cấu trúc đô thị. Nhưng hiện nay tại các con phố đủ loại phương tiện xe cộ chen nhau lưu thông. Với nhu cầu chạy nhanh cho mau thoát cảnh kẹt xe, người tham gia giao thông trở nên thờ ơ trước các cửa hàng, quán xá trang hoàng rực rỡ, dửng dưng với các công trình công viên, cơ sở văn hóa - lịch sử hoành tráng hai bên đường phố.

Không ít phố xá ở các đô thị lớn đã bị biến thành đường giao thông ào ạt, quay cuồng hỗn độn. Và cứ đà này, phố xá mất đi nhanh chóng, biến thành đường cái quan, làm đảo lộn quy hoạch, đây sẽ là mối nguy cho sự phát triển bền vững đô thị.

Trước cảnh phần lõi của nhiều đô thị đang trở thành những luồng giao thông thuần túy, nhiều người đã than tiếc là mất hết linh hồn phố cũ. Hà Nội đã có hàng chục năm bàn về giải pháp bảo tồn khu phố cổ. Tuy nhiên một trở ngại lớn khó khắc phục được là phố xưa đã bị biến thành đường giao thông chật hẹp.

TPHCM cũng có hơn 20 năm làm dự án bảo tồn di sản phố cổ thời Sài Gòn - Chợ Lớn. Đầu tiên là vùng thành cổ, chợ Bến Thành, cảnh trên bến - dưới thuyền của Chợ Lớn xưa. Nhưng rồi khó bảo tồn quá nên phải co lại chỉ trong tam giác Lê Lợi - Hàm Nghi - Nguyễn Huệ.

Những dự án như phố đi bộ, khôi phục cảnh quan ký ức một thời, vùng cấm xe cơ giới… đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Tình trạng nhiều phố xá trong đô thị biến thành đường cái quan làm cho các hoạt động giao lưu buôn bán dịch vụ vốn là động lực của đô thị giảm sút, tiềm ẩn nhiều thiệt hại. Bên cạnh đó cũng có diễn biến ngược lại: Ở các đô thị lớn, hễ ở đâu có đường giao thông là hai bên lề có cửa hàng quay ra đường để buôn bán, đường cái quan bị biến thành phố chợ.

Điển hình như đường dẫn vào trục đường cao tốc TPHCM - Trung Lương đã bị phố xá kẹp chặt hai bên lề. Lớn nhất là đường Xuyên Á đoạn qua Củ Chi - Hóc Môn đã bị biến thành đường phố buôn bán sầm uất kéo dài hàng chục cây số.

Các quốc lộ không được thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố nhưng thực tế mọi tuyến quốc lộ hay tỉnh lộ đi qua huyện, xã cứ luôn gặp phố xá dài dằng dặc. Cấu trúc lề đường giao thông bị biến thành nơi để hàng hóa, biển quảng cáo. Ban đêm đèn quảng cáo nhấp nháy lấn át cả đèn tín hiệu giao thông.

Đường cái quan bị băm nát từng khúc bởi các chốt đèn và hẻm nhỏ giao ngang nên xe cộ phải chạy với tốc độ chậm như ở đường nội thị. Để băng ngang cho nhanh, người ta không ngại đạp đổ từng đoạn dải phân cách cứng. Nhiều nơi, hàng trăm công nhân vác cả xe đạp trèo qua dải phân cách. Cầu vượt, hầm chui trở nên vô tác dụng.

Giải pháp được hy vọng nhiều nhất nhưng đòi hỏi chi phí tốn kém nhất là mở các vành đai - đường tránh vòng quanh đô thị để nâng cao năng lực giao thông, đảm bảo an toàn và nâng cao tốc độ vận hành, khắc phục tình trạng kẹt xe.

Hầu hết địa phương có quốc lộ đi qua trung tâm hay ven đô đã được Nhà nước chuẩn y cho mở tuyến tránh. Chẳng hạn, Quốc lộ 1A (đường huyết mạch của cả nước đi qua 30 tỉnh - thành, qua trên 100 khu đô thị dân cư lớn) nay đã được xây dựng các tuyến tránh tại 27 tỉnh, khiến tổng chiều dài tuyến đã tăng lên thêm hơn 300km.

TPHCM cũng thiết kế tuyến đường tránh để Quốc lộ 1A vòng ra xa hơn nữa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phố nhỏ, phố dài buôn bán sát Quốc lộ 1A, không có cách gì tránh được.

Điều đáng sợ là các tuyến vòng tránh đô thị cũng đang bị biến dần thành đường phố. Điều kiện an toàn chạy xe trên các tuyến này đang giảm sút nhanh chóng. Tuyến đường tránh đô thị vừa mới quy hoạch thì phố xá, nhà ở, cửa hiệu buôn bán đã mọc lên đón trước.

Thế là trên nhiều đoạn đường tránh hoặc vành đai vòng tránh buộc phải mọc lên nhiều cột hiệu đèn xanh đỏ vì xuất hiện các mối giao nối cắt ngang tự phát ngoài sự trù liệu của dự án thiết kế ban đầu. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cũng đã biết rõ thực trạng đô thị hiện nay.

Vấn đề đặt ra là sớm có những giải pháp căn cơ hơn để cấu trúc đô thị không tiếp tục bị méo mó, trả lại phố xá những gì vốn có của nó. Từ đó sẽ góp phần cho quy hoạch đô thị phù hợp với sự phát triển chung của một xã hội văn minh, hiện đại.

Cần tầm nhìn chiến lược và đồng bộ

KTS. LÊ GIANG, Trung tâm Quy hoạch Kiến trúc TPHCM

Chúng ta chưa có một quy hoạch tổng thể có tầm nhìn chiến lược dài hơi khiến hạ tầng đô thị TPHCM không đồng bộ, luôn quá tải. Về nguyên tắc, khi quy hoạch xây dựng khu đô thị mới, các chỉ tiêu về quy hoạch như chức năng, tiện ích đô thị, diện tích cây xanh, giao thông, công cộng, chỗ ở… cần được đảm bảo và tính toán cụ thể, chính xác, khoa học.

TPHCM đã phát triển nhiều khu đô thị mới nhưng do quy luật cung - cầu chưa hợp lý, đặc biệt những yếu tố về thời gian, kinh tế, xã hội, văn hóa, nên các thói quen sinh hoạt, thói quen sống của người dân vẫn chưa được đáp ứng.

Bởi muốn hình thành các khu đô thị mới không phải cứ xây dựng thật hiện đại, sang trọng tự khắc có người đến ở, mà cần đảm bảo tốt, tối ưu, đáp ứng nhu cầu sử dụng, sinh hoạt thiết yếu của người dân.

Các khu đô thị mới như Thủ Thiêm, Phú Mỹ Hưng… dù được nhìn nhận là hiện đại, đầy đủ tiện nghi nhưng việc đầu tư vẫn chưa đồng bộ, thiếu chức năng của khu đô thị hoàn chỉnh. Các khu đô thị này hầu hết phát triển hạ tầng, không gian ở là chính, phần còn lại của tổng thể quy hoạch vẫn chưa đồng bộ.

Muốn phát triển và hình thành thói quen mua bán, sinh hoạt, vui chơi, giải trí tại khu vực này cần có một lượng thời gian nhất định. So với bề dày phát triển của Sài Gòn 300 năm, các khu đô thị trên chỉ mới hình thành từ những năm 90 trở lại đây. Thời gian còn quá khiêm tốn để các thói quen có thể hình thành một cách chắc chắn, bền bỉ như các đô thị hiện hữu lâu đời.

Phong tục tập quán đã hình thành từ rất lâu, ăn sâu vào gốc rễ và đôi khi không thể nhận ra nếu không có điều kiện so sánh. Thí dụ như thói quen tạm bợ, gặp đâu mua đấy của người dân tạo điều kiện cho những chợ cóc tự phát phát triển ở khu nội ô. Nhưng nếu qua khu Phú Mỹ Hưng, sự quản lý chặt chẽ làm cho cách sống này không thể phát triển. Tự khắc người dân nơi đây sẽ điều chỉnh để hòa nhập với cách sống mới.

Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều người sinh sống ở Phú Mỹ Hưng cảm thấy không thật sự thoải mái vì thiếu những điều kiện về phong tục tập quán như trên nên thường vào nội đô sinh hoạt, giải trí. Điều này đang khiến một số trung tâm thương mại trên khu vực quận 7 luôn trong tình trạng dư thừa mặt bằng cho thuê, vắng khách tham quan, mua sắm.

Theo quy luật cung - cầu, mọi sinh hoạt vẫn tập trung tại các nội ô hiện hữu nên nhà đầu tư, người buôn bán bất động sản chỉ vẫn muốn đầu tư, phát triển cơ sở kinh doanh của mình tại khu vực nội ô. Những khu đô thị mới vẫn luôn bị đánh giá là có tiềm năng trong tương lai.

TPHCM đã quy hoạch những khu chức năng tập trung như làng đại học, khu công nghệ, khu công nghiệp nhưng dường như không có sự liên kết và thiếu các nhu cầu tiện ích người dân cần có nên việc quy hoạch này chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Bởi các phân khu chức năng theo dạng tập trung về mặt kinh tế nhằm tiết kiệm và tăng hiệu quả quản lý. Nhưng việc tập trung này về mặt xã hội lại không tạo được sự liên kết giữa các khu chức năng để tạo thế mạnh tương hỗ. Thí dụ, nguồn việc làm cho sinh viên vẫn tập trung ở khu trung tâm thành phố.

Việc dời sinh viên các trường đại học tập trung tại làng đại học sẽ gây khó khăn cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên ở tỉnh khi có nhu cầu vừa học vừa đi làm. Hoặc công nhân các khu công nghiệp luôn thiếu điểm vui chơi giải trí sau giờ tan ca.

Hoặc nếu tập trung văn phòng vào khu rộng lớn dẫn đến tình trạng “thành phố chết” sau khi các công ty hết giờ làm việc dễ nảy sinh tệ nạn xã hội.

Trong lý thuyết quy hoạch đô thị, biện pháp “push & pull” (đẩy và kéo) là chính sách nhằm kéo dãn hoặc thu hút người dân tự nguyện di dời đến một khu vực nào đó bằng các chính sách khuyến khích như miễn giảm thuế kinh doanh, miễn giảm thuế sử dụng đất, miễn tiền học phí cho những năm đầu…

TPHCM muốn dùng chính sách “push & pull” tại những khu đô thị mới hình thành phải tạo điểm nhấn như chất lượng giáo dục tối ưu, trung tâm y tế hiện đại, khu vui chơi giải trí quy mô…

Chính quyền địa phương hỗ trợ đối với các gia đình đến sinh sống trong khu vực này như mua nhà trả góp thời gian dài, hệ thống xe buýt tiện dụng đảm bảo dễ dàng đi lại, làm việc thuận lợi. Với các sơ sở kinh doanh muốn khuyến khích di dời về những khu đô thị mới phải có chính sách hỗ trợ miễn giảm thuế phù hợp.

Các tin khác