Quận 9-Nỗi lo đại công trường xây dựng K2): Dự án nhà ở bỏ xa hạ tầng

(ĐTTCO) - Hiện nay, hạ tầng quận 9 (TPHCM) ở trong thế rượt đuổi không cân sức với các dự án nhà ở thương mại đang phát triển ồ ạt trên địa bàn.

Hiện nay, hạ tầng quận 9 (TPHCM) ở trong thế rượt đuổi không cân sức với các dự án nhà ở thương mại đang phát triển ồ ạt trên địa bàn. Nếu TP không có kế hoạch thực hiện quy hoạch với lộ trình rõ ràng, xác định nguồn lực để đầu tư các tuyến đường, cầu kết nối theo thứ tự ưu tiên, hạ tầng giao thông sẽ ngày càng bị bỏ xa so với tốc độ phát triển các dự án nhà ở.
Dày đặc dự án chung cư
Quận 9 với tiềm năng đất đai rộng lớn, cùng với vị trí cửa ngõ liên kết vùng Đông Nam bộ, nên đây là hướng phát triển chủ đạo của TPHCM với định hướng là vùng kinh tế đô thị hiện đại quy tụ các ngành công nghệ - kỹ thuật cao, thương mại - dịch vụ - vận tải…
Đặc biệt, khu vực này còn là đầu mối nhiều công trình giao thông trọng điểm, như tuyến metro, đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, đường Vành đai 2… Các đầu mối hạ tầng này là ưu điểm lớn để thu hút các nhà đầu tư cũng như dân cư đổ về đây đón đầu các tiện ích.
 Nằm trong tổng thể kết nối giao thông khu vực cảng Cát Lái, việc đầu tư nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh sẽ góp phần kéo giảm ùn tắc trong khu vực; kết nối thông suốt cụm cảng - khu công nghiệp với các trục đường chính; góp phần giải quyết, kéo giảm ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía Đông của TPHCM, cũng như kết nối đồng bộ giao thông liên vùng.
Ông BÙI XUÂN CƯỜNG
Giám đốc Sở GTVT TPHCM
Thời gian qua, TPHCM đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng nâng cấp mở rộng các trục giao thông chính như Nguyễn Xiển, Lò Lu, Đỗ Xuân Hợp, cầu Phú Hữu, cầu Tăng Long, cầu nối Long Thành (Đồng Nai)… góp phần giảm áp lực giao thông cho khu vực, giúp hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, chỉ phần nhỏ trong danh mục đầu tư hạ tầng này được hoàn thiện.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TPHCM, hiện tại khu Đông TP các dự án phát triển đô thị đi nhanh hơn hạ tầng, nên mới có chuyện nhà xây lên nhưng không có đường, không có cầu. Cứ chỗ nào có đất trống là có dự án nhà ở, trong khi hạ tầng hầu như chưa có gì. Có thể điểm qua hàng loạt dự án nhà ở đã được triển khai thi công tại quận 9, như căn hộ Flora Fuji của Nam Long; khu căn hộ The Art của Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà Gia Hòa; khu đô thị Dragon Village do CTCP địa ốc Phú Long…
Những cảnh báo về nguy cơ quá tải hạ tầng ở khu Đông đang dần trở thành hiện thực khi hàng loạt dự án bất động sản hình thành, đưa vào sử dụng, dân số không ngừng gia tăng.
Đơn cử như trục đường Đỗ Xuân Hợp có nhiều dự án bất động sản đang thi công, lượng phương tiện giao thông ngày càng gia tăng, gồm xe cá nhân, xe chở vật liệu ra vào công trình. Thế nhưng việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường này lên 30m vẫn chưa được triển khai, hệ thống thoát nước cũng chưa được đầu tư đồng bộ.
Hay như trên tuyến đường Nguyễn Duy Trinh chỉ rộng khoảng 7m san sát các dãy chung cư cao tầng đã hình thành và đang xây dựng dở dang. Đây là con đường xuyên tâm, huyết mạch tại quận 9, vào giờ cao điểm thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng, ảnh hưởng dây chuyền đến lưu thông của đường Vành đai 2 ra vào cảng Cát Lái, Xa lộ Hà Nội phía quận 2, và đường Võ Chí Công, qua cầu Phú Mỹ về quận 7.
Quận 9-Nỗi lo đại công trường xây dựng K2): Dự án nhà ở bỏ xa hạ tầng ảnh 1 Các dự án chung cư cao tầng mọc dày hai bên đường Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: Đ.TRUNG 
Kỳ vọng khởi động sớm các dự án giao thông
Trước những bức bách về hạ tầng giao thông ở quận 9, UBND TPHCM vừa duyệt đề xuất dự án nạo vét tuyến sông Tắc và xây dựng mới cầu Trường Phước (thay thế cầu cũ trên đường Long Thuận) theo hình thức đối tác công tư.
Dự án này sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông của TP kết nối mạng lưới giao thông đường thủy, phục vụ công tác vận tải hàng hóa, giảm áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ đang quá tải; nâng cao năng lực giao thông thủy, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa; rút ngắn lộ trình vận chuyển hàng hóa từ khu vực phía Đông TPHCM về Đồng Nai và ngược lại. Ngoài ra, dự án cũng sẽ tạo khả năng liên kết giao thông trực tiếp giữa Đồng Nai và TPHCM, giảm bớt mật độ chạy tàu trên sông Sài Gòn và rút ngắn được hành trình, tiết kiệm chi phí vận tải và tận dụng lợi thế của các tuyến đường thủy. Dự án xây cầu Trường Phước và nạo vét sông có tổng vốn đầu tư khoảng 1.174 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2018 đến 2019.
Trong khi đó, dự án giao thông quan trọng bậc nhất trên địa bàn quận 9 vừa được khai thông. Cụ thể, Sở GTVT TPHCM vừa có văn bản đề xuất UBND TP thực hiện thí điểm quy trình triển khai đầu tư dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đối với tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, kéo dài từ quận 9 đến quận 2. Đây là tuyến đường chính dẫn vào cảng Phú Hữu, hiện mặt đường rất hẹp, chỉ đủ cho 2 làn xe ô tô lưu thông. Vào giờ cao điểm, cửa ngõ cảng Phú Hữu thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Đơn vị chủ quản cảng Phú Hữu từng kiến nghị TP khẩn trương khép kín đường Vành đai 2, hỗ trợ cảng xây dựng tuyến đường từ cầu Bà Cua đến đường vào cảng Phú Hữu và mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh để hàng hóa dễ dàng thông qua cảng Phú Hữu, chia tải cho cảng Cát Lái. TP cũng đã phê duyệt dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 30m với chiều dài hơn 1,6km, nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai được.
Thực tế, cảng Phú Hữu là một trong những cảng có vai trò quan trọng ở khu Đông, được xem là một phần của cảng Cát Lái mở rộng. Đây là cảng có quy mô, thiết bị cảng biển hiện đại và cũng là cảng đầu tiên tại khu vực phía Nam áp dụng mô hình hải quan điện tử thành công. Cảng Phú Hữu nằm trong quy hoạch của nhóm cảng biển số 5, thuộc khu bến cảng trên sông Đồng Nai.
Với vị trí đặc thù, cảng có kết nối tốt với đường bộ: kết nối đường Vành đai 2 và cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây thông qua đường Nguyễn Duy Trinh và đường Nguyễn Thị Định (qua cảng Cát Lái), cũng như kết nối tốt bằng đường thủy nội địa với các cảng nước sâu và hệ thống cảng thủy, ICD trong vùng.
Nhận biết tầm quan trọng của cung đường này, trong tháng 3 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã có buổi khảo sát tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ vòng xoay đường Vành đai 2 đến đường 990. Tại buổi thực địa, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở GTVT rà soát lại dự án, báo cáo UBND TP để xin ý kiến của Thành ủy.
Bởi trước đó, Thường trực Thành ủy đã chủ trương tạm dừng dự án đầu tư theo hình thức BT để rà soát quy trình, đảm bảo tính chặt chẽ, công khai, minh bạch, không để thất thoát tài sản nhà nước. Trong những trường hợp đặc biệt, thực sự cần thiết như dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, UBND TPHCM có thể đề xuất với Thành ủy, lấy dự án này làm thí điểm quy trình thực hiện dự án BT, sau đó áp dụng đại trà đối với các dự án khác.
Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư (Sở GTVT TPHCM), cho biết dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ vòng xoay Vành đai 2 đến đường 990) đã có nhà đầu tư nghiên cứu thực hiện theo hình thức hợp đồng BT và đã được TP phê duyệt.
Nhà đầu tư đang lập, hoàn thiện đề án khả thi theo trình tự thủ tục quy định, trong đó có việc xác định nguồn đất hoán đổi. Sau khi dự án khả thi được duyệt mới thực hiện các bước tiếp theo. Tuy nhiên thời gian hoàn thành dự án khi nào vẫn chưa được thông tin chính thức.

Các tin khác