Phú Quốc dư thừa khách sạn?

(ĐTTCO) - Việc định hướng phát triển Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế với trụ cột chính là ngành công nghiệp giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng, đã kéo theo làn sóng đầu tư mạnh vào huyện đảo này.

 Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay lượng khách đến Phú Quốc vẫn chưa đáp ứng với việc phát triển quá nóng hệ thống lưu trú thời gian gần đây, đã tạo ra khoảng cách chênh lệch lớn về cung - cầu.

Đầu tư ồ ạt đón đầu
Phú Quốc đang nhận một nguồn vốn đầu tư khổng lồ chảy vào lĩnh vực BĐS, đặc biệt là các dự án du lịch nghỉ dưỡng. Giới chuyên gia nhận định khi Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế, các nhà đầu tư sẽ giải ngân vốn mạnh mẽ hơn nữa.
Trao đổi với ĐTTC, ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch huyện Phú Quốc, cho biết nhà đầu tư tìm đến Phú Quốc ngày càng nhiều do nhận thấy môi trường đầu tư tiềm năng. Với mục tiêu xây dựng mô hình kinh tế mở, Phú Quốc hút nhà đầu tư nhờ các cơ chế, chính sách ưu đãi mang tính đột phá trong việc phát triển ngành công nghiệp giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng...
Lượng khách đến Phú Quốc khá èo uột trong khi số lượng khách sạn tăng cao đột biến, đang đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp cũng như ngành du lịch địa phương. 
Cụ thể, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào Phú Quốc đã thông thoáng hơn như hưởng thuế thu nhập 10% so với mức chung cả nước là 22%; thuế thu nhập cá nhân được giảm 50%; doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất trong 4 năm đầu tiên và giảm 50% trong vòng 9 năm tiếp theo.
Hệ thống hạ tầng - dịch vụ trong lĩnh vực giao thông tại Phú Quốc cũng được đầu tư mạnh mẽ, như đầu tư 2.000 tỷ đồng nâng cấp công suất vận chuyển hành khách bằng đường hàng không lên 5 triệu hành khách/năm; 1.600 tỷ đồng xây dựng cảng hành khách quốc tế; 5.500 tỷ đồng xây dựng trục đường Bắc - Nam và đường vòng quanh đảo.
Cũng theo ông Huỳnh Quang Hưng, tính đến nay đảo ngọc Phú Quốc thu hút 271 dự án đầu tư về du lịch - dịch vụ - giải trí, với tổng nguồn vốn 370.000 tỷ đồng, tương đương 16,5 tỷ USD. Nhiều nhà đầu tư tiềm lực tài chính mạnh, tầm cỡ quốc gia, quốc tế trên lĩnh vực du lịch đã và đang đầu tư vào Phú Quốc trong vài năm trở lại đây. Điều này đã làm thay đổi đáng kể diện mạo du lịch, tạo đà cho ngành du lịch địa phương phát triển mạnh mẽ, nguồn thu ngân sách từ đó cải thiện đáng kể.
Tại Phú Quốc, hiện có 5 tập đoàn kinh tế lớn đầu tư rất hiệu quả như Vin Group, Sun Group, Bim Group, CEO Group, Thai Group. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng, khu vui chơi giải trí đẳng cấp đã được các tập đoàn này đầu tư, đưa vào hoạt động rất chất lượng, phục vụ du khách trong nước và quốc tế.
Phú Quốc dư thừa khách sạn? ảnh 1 Hàng loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp đang được đầu tư tại Phú Quốc.  Ảnh: M.TUẤN 
Nhiều khách sạn, resort hoạt động cầm cự?
Hiện đảo ngọc Phú Quốc có đến gần 500 cơ sở lưu trú với số lượng khoảng 15.000 phòng, trong đó có 6.000 phòng của 5 khách sạn 5 sao. Tại Bãi Khem (thuộc thị trấn An Thới), phía Nam đảo Phú Quốc, Tập đoàn Sun Group đã đưa vào vận hành khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay.
Đây là khu nghỉ dưỡng 5 sao ++ đầu tiên tại Phú Quốc, bao gồm 244 phòng, suite (loại phòng cao cấp nhất, được bố trí ở tầng cao nhất với những trang bị tiện nghi và dịch vụ đặc biệt), căn hộ và villas. Sun Group hiện đang tiếp tục đầu tư nhiều tổ hợp dự án khác như khu biệt thư Premier Village Phu Quoc Resort, khu căn hộ Premier Residences Phu Quoc Emeral Bay, hệ thống cáp treo và quần thể Khu vui chơi giải trí Hòn Thơm...
Tương tự, sau khi đưa vào vận hành khu nghỉ dưỡng Novotel Phu Quoc Resort với gần 400 phòng, CEO Group tiếp tục khai trương 96 căn biệt thự nghỉ dưỡng Novotel Villas với 350 phòng, trở thành doanh nghiệp lớn thứ 2 ở Phú Quốc xét về số phòng khách sạn 5 sao.
Vào tháng 5 vừa qua CEO Group động thổ dự án Best Western Premier Sonasea Phu Quoc, với 549 căn hộ khách sạn và 16 biệt thự. Đến lúc hoàn thành, CEO Group sẽ nâng tổng số phòng khách sạn thuộc quần thể Sonasea Villas & Resort lên 1.500 phòng. Để mở đường cho một cuộc đua và xác lập vị thế sắp tới, được biết tập đoàn này đã thực hiện thành công các thương vụ M&A, nâng quỹ đất tại Phú Quốc lên 450ha.
Ông Th., chủ một khu nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, cho biết thời gian qua rất nhiều nhà đầu tư rót vốn mạnh vào thị trường Phú Quốc để tranh thủ cơ hội, đón đầu đặc khu kinh tế. Làn sóng đầu tư tăng mạnh và được củng cố niềm tin đưa đảo ngọc trở thành điểm đến du lịch cao cấp của thế giới. Điểm thuận lợi là du khách quốc tế trực tiếp bay đến đảo được miễn visa trong vòng 30 ngày. Nếu đầu tư mạnh cho hàng không, Phú Quốc có thể tiếp cận một thị trường du lịch hàng tỷ dân.
Đặc biệt, đầu năm 2018, casino đầu tiên có khả năng thí điểm cho người Việt vào chơi sẽ chính thức hoạt động. Tuy viễn cảnh là rất sáng sủa, nhưng ông Th., thừa nhận: “Khách đến Phú Quốc phần lớn là nhà đầu tư BĐS, trong khi khách du lịch thuần túy còn thấp nên nhiều khách sạn, resrort hoạt động mang tính cầm cự”.
Thực trạng này cho thấy hạn chế của Phú Quốc trong nghiên cứu thị trường và dự báo cung, cầu du lịch; thiếu các đường bay trực tiếp để đưa nguồn khách lớn đến đảo; chưa thực hiện được chiến dịch quảng bá để đưa Phú Quốc trở thành điểm du lịch nổi bật của Việt Nam và khu vực; thiếu sự phối hợp và cơ chế thống nhất hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ để tạo nguồn lực lớn, cùng nhiều tồn tại về quản lý môi trường… cần khắc phục sớm.

Các tin khác