Phát triển xe buýt sử dụng CNG

Xe buýt là phương tiện vận tải hành khách công cộng có vai trò quan trọng tại các đô thị lớn. TPHCM và Bình Dương đang nỗ lực phát triển xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) thay thế cho dòng xe buýt thông thường nhằm tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường.

Xe buýt là phương tiện vận tải hành khách công cộng có vai trò quan trọng tại các đô thị lớn. TPHCM và Bình Dương đang nỗ lực phát triển xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) thay thế cho dòng xe buýt thông thường nhằm tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường.

TPHCM sắp có 300 xe buýt CNG

Tại TPHCM, xe buýt từ lâu đã được đưa vào khai thác nhằm nâng cao năng lực vận chuyển hành khách, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và kiềm chế phát triển phương tiện xe gắn máy. Song, chất lượng và dịch vụ xe buýt sử dụng xăng, dầu được đầu tư hàng chục năm nay đã xuống cấp, không còn phù hợp với xu hướng phát triển mới.

PHCM bắt đầu chú ý đưa loại xe buýt sử dụng CNG vào thay thế loại xe buýt thông thường với số lượng chưa nhiều, thế nhưng loại xe buýt mới đã thể hiện những ưu điểm vượt trội về tính an toàn, hiệu quả kinh tế, thân thiện môi trường và được người dân đón nhận rất tốt.

Theo thống kê của Viện Chiến lược và phát triển Giao thông-Vận tải (TTDSI), hiện trên địa bàn TPHCM đang có 28 xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG gồm: 7 CNG buýt trên 2 tuyến phố trung tâm và 21 CNG buýt trên tuyến buýt xanh. Việc sử dụng giúp giảm phát thải 20% khí CO2, 75% khí NOx , gần 65% khí CO và hơn 60% khí HC ra môi trường, đồng thời tiết kiệm từ 30-40% chi phí nhiên liệu.

Trong kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2020, TPHCM xác định rõ việc ưu tiên phát triển giao thông xanh để bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, đáng chú ý là việc TP giao Samco sản xuất 300 xe buýt sử dụng khí CNG.

Việc sản xuất xe buýt sử dụng khí CNG hiện nay vẫn còn mang tính chất thử nghiệm. Để có thể sản xuất loại xe buýt này với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu sử dụng đại trà ở thị trường nội địa, Samco đang cần những cơ chế chính sách hỗ trợ và ưu đãi nhất định về nhập khẩu các phụ tùng, linh kiện.

Nỗ lực của Bình Dương

Không riêng TPHCM, hiện tỉnh Bình Dương cũng đang khẩn trương phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng khí CNG.  Mới đây, tỉnh Bình Dương đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị miễn thuế nhập khẩu xe buýt chạy khí CNG để phục vụ việc triển khai “Đề án giao thông công cộng TP mới Bình Dương”.

Theo tìm hiểu, Đề án phát triển xe buýt sử dụng khí CNG được tỉnh Bình Dương chấp thuận cho Công ty TNHH Becamex Tokyu chủ trì, phối hợp cùng Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) và Công ty Tokyu Corporation (Nhật Bản) triển khai xây dựng tại TP mới Bình Dương.

Xe buýt CNG ở TPHCM.

Xe buýt CNG ở TPHCM.

Becamex Tokyu sẽ nghiên cứu xây dựng 3 tuyến xe buýt hiện đại theo công nghệ Nhật Bản (sử dụng xe chạy bằng khí CNG), thân thiện với môi trường nhằm kết nối TP mới Bình Dương với các trung tâm đô thị như TP Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An và TPHCM.

Cụ thể, tuyến TP mới Bình Dương - Thủ Dầu Một (tuyến Shuttle) có 7 xe chính và 2 xe dự bị, cự ly vận chuyển 20,7km. Thời gian dự kiến triển khai vào quý II-2014. Tuyến tuần hoàn trong TP mới Bình Dương với 4 xe phục vụ chính và 2 xe dự bị, cự ly vận chuyển 16,6km. Thời gian dự kiến triển khai vào năm 2015. Tuyến xe buýt nhanh (BRT) TP mới Bình Dương - Suối Tiên có 18 xe phục vụ liên kết với 3 xe dự bị, cự ly vận chuyển 33,5km. Thời gian dự kiến triển khai vào năm 2015.

Theo yêu cầu của phương thức thực hiện đề án, UBND tỉnh Bình Dương xem xét hỗ trợ đầu tư 15 xe buýt ban đầu từ nguồn vốn ngân sách để phục vụ đề án; kiến nghị Chính phủ xem xét miễn thuế nhập khẩu xe toàn bộ các xe buýt sử dụng CNG theo đề án; có chính sách hỗ trợ mua khoảng 3.000 vé Free Pass (vé tháng) hàng năm cho các đối tượng là cán bộ công chức, học sinh, sinh viên… trong 5 năm đầu triển khai.

Về phía nhà đầu tư, Becamex IDC sẽ hỗ trợ về đất khu vực đầu bến, cuối bến và đất dành cho trạm bơm khí CNG (bao gồm phí san lấp); hàng năm hỗ trợ mua vé Free Pass (vé tháng) dành cho khoảng 500 nhân viên của tổng công ty trong 5 năm đầu. Công ty TNHH Tokyu Corporaton (Nhật Bản) hỗ trợ chi phí chuyên gia điều từ Nhật Bản sang nhằm huấn luyện, đào tạo và chuyển giao trong 5 năm đầu triển khai thực hiện đề án; làm việc với Chính phủ Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong vấn đề đàm phán nguồn vốn ODA để triển khai.

Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết loại hình vận tải hành khách bằng xe buýt tương đối mới với tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung, nên bước đầu triển khai còn nhiều khó khăn, nhất là suất đầu tư lớn, các năm đầu tiên triển khai doanh nghiệp không có lợi nhuận.

Tuy nhiên, đây là một bước đi cần thiết nhằm từng bước chuyển đổi từ xã hội đi xe máy sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hướng tới xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại.

Ông Cung nói: “Để góp phần giảm chi phí đầu tư ban đầu, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện đề án, tỉnh mong Thủ tướng và Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận miễn thuế nhập khẩu đối với toàn bộ số xe buýt (36 xe) chạy khí CNG nêu trên”.

Các tin khác