Phát triển ven sông Sài Gòn phải hài hòa

(ĐTTCO) - Sông Sài Gòn là tài sản quý giá của TPHCM. Đặc biệt 2 bờ sông nếu quy hoạch tốt sẽ tạo nên những kiến trúc, cảnh quan không thua kém những đô thị bên sông nổi tiếng trên thế giới. 
Phát triển ven sông Sài Gòn phải hài hòa
Tuy nhiên, thời gian qua việc quy hoạch, đầu tư xây dựng 2 bên bờ sông manh mún đã phá nát cảnh quan dòng sông.
Hiện nay dọc 2 bên sông Sài Gòn là hàng loạt dự án đã và đang được đầu tư xây dựng, đặc biệt đoạn chạy qua địa phận các quận Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 2… Song sự phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát ven sông Sài Gòn trong thời gian qua, đã dẫn đến nhiều hệ lụy như quá tải về hạ tầng, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống xung quanh.
Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa bức xúc: “Không phải TP nào cũng có con sông đẹp như sông Sài Gòn ở TPHCM. Tuy nhiên, tôi thật sự lo lắng khi nó đang bị lấn chiếm hàng ngày, thậm chí phân lô bờ sông bị nhóm lợi ích chi phối”.  TPHCM từng phát động một cuộc thi về kiến trúc cho bờ sông Sài Gòn, nhưng kết quả cuộc thi này như thế nào đến nay cũng không ai biết. 
Trước đó, Hiệp hội BĐS TPHCM cũng có văn bản đề nghị TP xem xét cho các chủ đầu tư có dự án tiếp giáp với sông rạch được phép cải tạo luôn phần lộ giới an toàn hành lang sông, rạch… trong lúc chờ cơ quan chức năng đầu tư xây dựng. Tuy nhiên đề nghị này không được chấp nhận. Mới đây nhất, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất làm đường ven sông, bắt đầu từ đường Lê Lợi (quận 1) đến Bến Sắn (huyện Củ Chi), với chiều dài gần 70km. Tuy nhiên nhà đầu tư này muốn TP đổi quỹ đất tương đương 5% diện tích TP.
Tại buổi làm việc mới đây với UBND TPHCM và các sở ngành, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP rà soát lại việc giao đất dọc sông Sài Gòn, cũng như quy hoạch khu vực này từ năm 2006 đến nay, để TP có những giải pháp phù hợp sự phát triển, chấn chỉnh những bất cập trong thời gian qua.
Chuyên gia đô thị học Nguyễn Đỗ Dũng cho rằng, không có các nhà đầu tư vùng đất ven sông Sài Gòn vẫn chỉ là những cầu cảng và nhà xưởng. Nhưng không có vai trò của chính quyền và sự ủng hộ của người dân, tiềm năng của vùng đất này sẽ không bao giờ được khai phá trọn vẹn.
Thực tế, giá trị lớn lao dải đất ven sông Sài Gòn có được nhờ một phần những khoản đầu tư khổng lồ của Nhà nước bằng tiền thuế của dân vào hạ tầng nơi đây. Nếu chủ sở hữu cùng các nhà đầu tư hợp tác với chính quyền, để ước mơ có một dải công viên cảnh quan ven sông thành hiện thực, những dự án trên đất vàng không chỉ tăng thêm giá trị thị trường mà cả giá trị xã hội và trở thành thương hiệu thực sự trong lòng người dân.

Các tin khác