Phạt 1 tỷ đồng, sẽ chấm dứt nợ sổ đỏ?

Kể từ sau ngày 25-12, với mức phạt lên tới 1 tỷ đồng cho việc chậm trễ cấp giấy chứng nhận  quyền sử dụng đất (sổ đỏ), nhiều người kỳ vọng tình trạng người dân phải “ở trọ” trong chính ngôi nhà của mình do chủ đầu tư nợ sổ đỏ sẽ nhanh chóng chấm dứt.

Kể từ sau ngày 25-12, với mức phạt lên tới 1 tỷ đồng cho việc chậm trễ cấp giấy chứng nhận  quyền sử dụng đất (sổ đỏ), nhiều người kỳ vọng tình trạng người dân phải “ở trọ” trong chính ngôi nhà của mình do chủ đầu tư nợ sổ đỏ sẽ nhanh chóng chấm dứt.

Chính phủ vừa ban hành nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo nghị định, tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán, nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở nhưng chậm làm thủ tục kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở, tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

Trong đó, mức phạt cao nhất 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng được áp dụng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên từ trên 12 tháng. Cũng với số hộ dân này nhưng nếu chậm làm sổ đỏ trong khoảng thời gian trên 9-12 tháng, mức phạt từ trên 300-500 triệu đồng. Trường hợp chậm làm thủ tục cho dưới 30 hộ gia đình, cá nhân trong khoảng thời gian từ trên 9-12 tháng sẽ bị phạt tiền từ trên 50-100 triệu đồng; từ trên 30 cho đến dưới 100 hộ gia đình, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ trên 100-300 triệu đồng…

Đây được xem là một trong những điểm mấu chốt để khắc phục tình trạng chủ đầu tư chây ì việc làm sổ đỏ cho các hộ dân nhiều năm qua. Một báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Hà Nội vào cuối tháng 8 vừa qua cho thấy hàng loạt chủ đầu tư lớn trên thị trường BĐS đang nợ sổ đỏ của dân, thậm chí có chủ đầu tư nợ 5-7 năm vẫn chưa trả.

Có thể kể đến Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà - Đô thị HUD với hàng loạt dự án như khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, khu nhà ở D22 Bộ Tư lệnh Biên phòng, khu nhà ở Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm), tòa nhà hỗn hợp chung cư cao tầng New Sky Line… Hay Tổng công ty Đầu tư - Phát triển nhà Hà Nội (Handico) tại dự án khu nhà ở để bán Sài Đồng; Vinaconex với dự án khu đô thị mới Splendora; Viglacera với dự án tổ hợp văn phòng thương mại khách sạn và nhà ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy...

Thống kê khác của Sở TN-MT cũng cho thấy năm 2014, Hà Nội phấn đấu cấp gần 40.000 sổ cho các hộ gia đình, cá nhân tại các dự án phát triển nhà ở thương mại. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 8 vẫn còn 76.040 căn đang trong tình trạng nợ sổ đỏ kéo dài nhiều năm.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, luật đã quy định rõ trách nhiệm chủ đầu tư phải nộp hồ sơ để cấp sổ đỏ cho người dân, nhưng vì nhiều lý do các chủ đầu tư không làm, dẫn tới tình trạng nợ đọng nhiều sổ đỏ. TP Hà Nội cũng đã đề xuất việc phong tỏa tài khoản tại ngân hàng đối với chủ đầu tư; thu hồi đất hoặc thu hồi đối với quỹ nhà chưa bán; không giao đất để thực hiện dự án khác trên địa bàn TP nếu như chủ đầu tư không tiến hành nộp hồ sơ để làm sổ đỏ cho dân.

Chế tài nghiêm khắc kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng chủ đầu tư chây ỳ giao sổ đỏ cho khách hàng.

Chế tài nghiêm khắc kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng chủ đầu tư chây ỳ
giao sổ đỏ cho khách hàng.

Theo các chuyên gia, ngoài tác dụng răn đe các chủ đầu tư, nghị định mới sẽ khắc phục được một phần quy định còn chưa chặt của Luật Nhà ở, giúp người mua nhà có căn cứ để giải quyết vụ việc trước pháp luật. Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định trong 30 ngày, kể từ ngày bàn giao nhà cho người mua, chủ đầu tư phải làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ đỏ cho người mua nhà. Song, luật chưa đưa ra chế tài xử phạt, quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư nếu trong vòng 1 tháng không hoàn thành việc cấp sổ đỏ cho người dân.

Trao đổi với ĐTTC, một chuyên gia BĐS cho rằng việc xử phạt các chủ đầu tư chậm trễ cấp sổ đỏ là nên làm, nhưng ở góc độ khác cần khơi thông tối đa các thủ tục hành chính và giải quyết triệt để khâu con người ở các bộ phận cấp sổ đỏ, bởi tình trạng nhũng nhiễu hay phải mất phí bôi trơn khi xin cấp sổ đỏ vẫn còn rất tràn lan, như chính Bộ trưởng Bộ TN-MT đã từng thừa nhận. 

- Trường hợp chậm làm thủ tục cho dưới 30 hộ gia đình cá nhân, chậm từ 3-6 tháng bị phạt 10-30 triệu đồng; trên 6-9 tháng phạt từ trên 30-50 triệu đồng; trên 9-12 tháng phạt từ trên 50-100 triệu đồng.

- Trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 30 đến dưới 100 hộ gia đình cá nhân: chậm 3-6 tháng phạt 30-50 triệu đồng; chậm trên 6-9 tháng phạt từ trên 50-100 triệu đồng; phạt 100-300 triệu đồng khi chậm từ trên 9-12 tháng.

- Trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên: chậm 3-6 tháng phạt từ trên 50-100 triệu đồng; trên 6-9 tháng phạt trên 100-300 triệu đồng; chậm trên 9-12 tháng phạt 300-500 triệu đồng và phạt 1 tỷ đồng nếu chậm trên 12 tháng.

Các tin khác