Phá dỡ Thuận Kiều Plaza bằng chất nổ?

Những ngày gần đây, thông tin khu cao ốc liên hợp nhà ở và thương mại Thuận Kiều Plaza (quận 5, TPHCM - ảnh) được Công ty An Đông thuộc Công ty Vạn Thịnh Phát mua lại (từ năm 2009-2014) tiến hành phá dỡ toàn bộ để xây dựng mới khiến dư luận xôn xao.

Những ngày gần đây, thông tin khu cao ốc liên hợp nhà ở và thương mại Thuận Kiều Plaza (quận 5, TPHCM - ảnh) được Công ty An Đông thuộc Công ty Vạn Thịnh Phát mua lại (từ năm 2009-2014) tiến hành phá dỡ toàn bộ để xây dựng mới khiến dư luận xôn xao.

Thuận Kiều Plaza tọa lạc tại 190 Hồng Bàng - một trong những khu vực có hoạt động kinh doanh mua bán sầm uất bậc nhất quận 5. Công trình được xây dựng trong 5 năm (1994-1999) với tổng kinh phí khoảng 60 triệu USD. Quy mô dự án có 3 tháp nhà tổng cộng gần 650 căn hộ và phần khối đế sử dụng kinh doanh thương mại, giải trí, nhà xe và các tiện ích.

Đây là dự án do Công ty Kings Harmony (Hồng Công) và Công ty Xây dựng Thương mại (XDTM) Sài Gòn 5 (Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn) làm chủ đầu tư. Thuận Kiều Plaza được Thủ tướng ký quyết định cho thuê đất vào năm 1996. Quyết định này ghi rõ thời hạn thuê đất 20 năm kể từ ngày cấp giấy phép kinh doanh (31-1-1994).

Những năm đầu mới đưa vào khai thác, Thuận Kiều Plaza là tâm điểm của sự chú ý và khao khát của nhiều người dân TPHCM. Căn hộ tại đây được chào bán vài tỷ đồng/căn, mặt bằng cho thuê kinh doanh 15-20USD/m2. Tuy nhiên, những năm 2006-2007, khi thị trường BĐS phát triển mạnh mẽ, nhiều cao ốc và trung tâm thương mại mọc lên (như An Đông Plaza, Hùng Vương Plaza) đã đặt Thuận Kiều Plaza vào thế cạnh tranh khốc liệt.

Những người mua căn hộ và thuê mặt bằng tại đây phần lớn đã chuyển nhượng lại hoặc cho thuê với giá rẻ và lần lượt ra đi, đã khiến Thuận Kiều Plaza ngày càng hoang vắng, xuống cấp. Theo ghi nhận vào ngày 28-10, gần như 100% tiểu thương kinh doanh tại khối đế thương mại đã dọn đi, để lại hiện trường đầy rác rưởi. Tất cả căn hộ của 3 tỏa tháp A, B và C đóng cửa kín mít. Phía trước cổng vào tòa nhà được bày cúng nhang đèn nghi ngút. Cả tòa nhà được bố trí rất nhiều bảo vệ canh gác, chốt ở những vị trí xung yếu để ngăn chặn người lạ đột nhập.

Thực ra, đến thời điểm 31-1-2014, hạn sử dụng đất thuê 20 năm của hợp doanh trên xem như đã hết. Gần 607 căn hộ đã được chủ đầu tư chuyển nhượng cho Công ty An Đông từ năm 2009-2014. Có tất cả 18 căn hộ đã được chủ đầu tư bán cho cá nhân, hộ gia đình và 23 căn chưa bán được.

Theo báo cáo của UBND TPHCM, hiện nay thời hạn liên doanh đã hết nên không thể yêu cầu nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất được.

Đồng thời, đây là dự án tồn tại đã lâu, nếu phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường như quy định hiện nay, chủ đầu tư và người mua căn hộ không thể thực hiện được, dẫn đến bế tắc trong việc cấp giấy cũng như việc giao dịch, kinh doanh tiếp theo của người nhận chuyển nhượng.

Được biết, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận người mua căn hộ, khu trung tâm thương mại có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất với Nhà nước.

Cụ thể, đối với 18 căn hộ đã chuyển nhượng cho các hộ gia đình, cá nhân trong giai đoạn năm 2000 người mua phải nộp tiền sử dụng đất theo giá đất ở tại Bảng giá đất do UBND TPHCM quy định và công bố tại thời điểm nhận chuyển nhượng.

Đối với 607 căn hộ và khu trung tâm thương mại đã chuyển nhượng cho CTCP Đầu tư An Đông (từ năm 2009 đến cuối tháng 1-2014), công ty này phải nộp tiền sử dụng đất theo giá đất tương ứng với mục đích sử dụng quy định tại bảng giá đất do UBND TPHCM quy định và công bố tại thời điểm nhận chuyển nhượng. Đối với 23 căn hộ còn lại, chưa bán tại dự án sẽ chuyển giao cho Nhà nước, không bồi hoàn.

Để mua lại dự án Thuận Kiều Plaza, một nguồn tin cho biết, Công ty An Đông đã bỏ ra hơn 600 tỷ đồng để trả cho liên doanh (Công ty Kings Harmony Int’LTD (Hồng Công) và Tổng công ty địa ốc Sài Gòn) và dự kiến đập bỏ để xây mới hoàn toàn.

Theo một chuyên gia về xây dựng, việc đập bỏ tòa nhà cao đồ sộ như Thuận Kiều Plaza từ trước đến nay chưa từng có. Hiện tại, những cao ốc cũ thấp tầng 5-10 tầng xây dựng từ thời Pháp khi phá dỡ thường bằng hình thức thủ công. Nếu làm theo hình thức này, thời gian phá dỡ Thuận Kiều Plaza tương đương với thời gian xây dựng, tức 5-6 năm.

Cũng theo vị chuyên gia này, với phương án đánh sập tòa nhà bằng hình thức đặt chất nổ như trên thế giới từng làm sẽ không thể được, vì nhà dân vây kín xung quanh cách 10-15m.

Trường hợp chọn giải pháp tháo dỡ nhanh bằng bom, mìn, chủ đầu tư phải bỏ ra kinh phí rất lớn để thuê những công ty phá dỡ nhà chuyên nghiệp, đồng thời phải có phương án bảo vệ an toàn và sơ tán người dân xung quanh.

Các tin khác