PCCC chung cư, nhà cao tầng chưa hiệu quả

(ĐTTCO) - Theo thống kê từ năm 2012 cho đến tháng 9-2016, TPHCM đã xảy ra 34 vụ cháy tại các tòa nhà cao tầng. Năm 2017, các vụ cháy tòa nhà cao tầng làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỷ đồng. 
PCCC chung cư, nhà cao tầng chưa hiệu quả
Đặc biệt, ngày 23-3-2018, TPHCM đã xảy ra vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại tầng hầm chung cư Carina Plaza (phường 16, quận 8), làm chết 13 người và 51 người bị thương, gây tác động tâm lý bất an đối với người dân đang sinh sống trong các chung cư, nhà cao tầng.
Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy ở các tòa nhà cao tầng do một số chủ đầu tư đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm đảm bảo phòng cháy chữa cháy (PCCC), như thi công, lắp đặt thiết bị, vật tư không đúng thiết kế; sử dụng hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, dẫn đến hệ thống PCCC không kịp thời báo cháy hoặc báo cháy không đúng, không đáng tin cậy. Khi xảy ra cháy, hệ thống chữa cháy không hoạt động, hoặc hoạt động không đúng công suất thiết kế.
Nhiều ban quản trị chung cư, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư không thực hiện đầy đủ trách nhiệm đảm bảo PCCC. Lực lượng trực bảo vệ, trực PCCC tại chỗ không kịp thời phát hiện cháy và kỹ năng xử lý nguồn gây cháy không kịp thời, không hiệu quả; cư dân sống trong chung cư chưa tích cực tham gia các buổi hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng về công tác PCCC, kỹ năng thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ.
Lực lượng PCCC chuyên nghiệp chưa được tổ chức phù hợp, thiếu trang thiết bị hiện đại, nhất là phương tiện chữa cháy chung cư cao tầng, nhà cao tầng và thiếu trang bị bảo hộ lao động đặc biệt cho cán bộ, chiến sĩ PCCC…
Đối với hầu hết 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, không có hệ thống PCCC. Trong các khu căn hộ này, nhiều căn hộ chung cư bị cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm, nguy cơ cháy tiềm ẩn rất đáng quan ngại. Bên cạnh, không ít chung cư cao tầng mới lại được cấp phép xây dựng trong đường nhỏ hoặc trong hẻm, nên tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thoát hiểm cho cư dân khi xảy cháy.
Có trường hợp cơ quan chức năng duyệt quy hoạch tổng mặt bằng chung cư nhưng thiếu đường vào cho xe chữa cháy, hoặc có nhưng tải trọng mặt đường không đáp ứng theo quy định của Luật PCCC nên xe chữa cháy hạng nặng không thể vào được... 
Nhu cầu lựa chọn sống trong các căn hộ chung cư cao tầng đang là xu thế chủ đạo và gia tăng theo thời gian, nhất là loại chung cư bình dân (TPHCM hiện nay có hơn 1.000 chung cư đưa vào sử dụng). Hiện các quy định pháp luật về PCCC được đánh giá khá đầy đủ, nhưng cơ chế phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện chưa hiệu quả.
Do vậy, theo đề xuất của Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), để đảm bảo an toàn PCCC chung cư, nhà cao tầng, đối với Luật Nhà ở, cần sửa đổi, bổ sung quy định trách nhiệm chủ đầu tư dự án nhà chung cư phải thi công đường vào chữa cháy đúng thiết kế lòng đường và đạt tải trọng cho xe chữa cháy.
Các thành viên ban quản trị chung cư phải được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về quản lý, vận hành chung cư, trong đó phải có kiến thức, kỹ năng về PCCC. Phải công khai danh sách các chung cư không đảm bảo an toàn PCCC, hoặc không mua bảo hiểm bắt buộc để công luận giám sát.
Đối với Luật Kinh doanh BĐS, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định chủ đầu tư sau khi đã nghiệm thu công trình chung cư theo quy định của Luật Xây dựng phải thông báo cho Sở Xây dựng để kiểm tra. Nếu đạt chuẩn, Sở Xây dựng ban hành văn bản xác nhận công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng mới được phép bàn giao nhà cho dân vào ở.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần sớm ban hành "Quy chuẩn xây dựng Việt Nam: Tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng" (mới), và sửa đổi, bổ sung "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2010/BXD)" theo hướng nghiêm ngặt hơn, có tính đến thực tế ngày càng có nhiều chung cư trên 30 tầng hiện nay.

Các tin khác