Những siêu dự án của Tập đoàn Thiên Thanh

Là một doanh nghiệp đầu tư kinh doanh chủ yếu ở lĩnh vực vật liệu xây dựng, BĐS nhưng không biết “hầu bao” cũng như mối quan hệ thế nào mà Tập đoàn Thiên Thanh đã xí phần nhiều khu đất vàng triển khai nhiều dự án BĐS tại nhiều tỉnh, thành, đặc biệt tại TPHCM và Đà Nẵng. Vì vậy, ngay sau khi nhiều lãnh đạo tập đoàn bị khởi tố, bắt tạm giam, nhiều nhà đầu tư lo ngại số phận của nhiều siêu dự án.

Là một doanh nghiệp đầu tư kinh doanh chủ yếu ở lĩnh vực vật liệu xây dựng, BĐS nhưng không biết “hầu bao” cũng như mối quan hệ thế nào mà Tập đoàn Thiên Thanh đã xí phần nhiều khu đất vàng triển khai nhiều dự án BĐS tại nhiều tỉnh, thành, đặc biệt tại TPHCM và Đà Nẵng. Vì vậy, ngay sau khi nhiều lãnh đạo tập đoàn bị khởi tố, bắt tạm giam, nhiều nhà đầu tư lo ngại số phận của nhiều siêu dự án.

TPHCM: Những khu đất vàng

Dự án Khu thương mại phức hợp Thiên Thanh - Saigon Plaza (quận 10) có diện tích gần 28.000m2, tọa lạc trên khu đất có đến 4 mặt tiền: đường Đồng Nai 264,8m, đường Thành Thái 268,5m, đường Tô Hiến Thành 102m và đường Tam Đảo 105m. Theo thông tin ĐTTC có được, tổng diện tích sàn xây dựng của dự án 500.000m2, trong đó các cao ốc có 4 tầng hầm, thân đế 5 tầng, chiều cao 60 tầng…

Dự án được chia làm 3 giai đoạn đầu tư, gồm: giai đoạn 1 (khu A) cao 45 tầng giáp đường Thành Thái, Tam Đảo và Đồng Nai, dự kiến hoàn thành vào quý I-2017; giai đoạn 2 (khu B) cao 60 tầng nằm giữa khu đất tiếp giáp với đường Đồng Nai và Thành Thái, dự kiến hoàn thành quý III-2018; giai đoạn 3 (khu C) cao 45 tầng giáp đường Tô Hiến Thành, Đồng Nai và Thành Thái, dự kiến hoàn thành quý IV-2019.

 Tiền thân của Tập đoàn Thiên Thanh là Hãng Gạch bông Hương Sơn thành lập năm 1964 tại Quảng Ngãi. Đến nay, ngoài trụ sở chính và các đơn vị tại TPHCM, tập đoàn có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc, công ty con tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Dương... với nhiều dự án quy mô lớn. Thiên Thanh hoạt động đa ngành nhưng chủ yếu là BĐS. Năm 2011 doanh thu của Thiên Thanh đạt 2.025 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 188 tỷ đồng, tổng tài sản 3.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.218 tỷ đồng.

Vào tháng 3-2014, trao đổi với ĐTTC về dự án này, ông Phạm Công Danh, lúc đó là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh, cho biết đây là nơi hội tụ của các công ty, tập đoàn kinh tế, ngân hàng… hàng đầu Việt Nam và nước ngoài, cùng với nhiều nhà hàng, nơi vui chơi giải trí có kiến trúc lịch lãm sang trọng để đón tiếp khách hàng và đối tác.

Tập đoàn đã đưa ra một số chính sách nhằm kêu gọi đầu tư vào dự án, như thời hạn hợp tác từ 10-45 năm kể từ khi dự án hoàn thành bằng hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, chuyển quyền sử dụng mặt bằng có thời hạn hoặc điều kiện ưu đãi, ưu tiên tiêu thụ hàng hóa, tham gia chuỗi liên kết 4 nhà của Thiên Thanh…

Chủ đầu tư cũng cho hay đến thời điểm hiện nay Thiên Thanh - Sài Gòn Plaza đã có nhiều đối tác đăng ký tham gia hợp tác kinh doanh với tổng diện tích gần 200.000m2, như Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, BigC, CTCP Hội nghị triển lãm AFC, Công ty Hoàng Gia Phát, CTCP Chi Lai, Công ty Taca, nhà hàng Thiên Á…

Ngoài ra, Tập đoàn Thiên Thanh còn sở hữu mặt bằng gần 30.000m2 tại 298 đường Tô Hiến Thành (quận 10); một khu đất vàng tại 816 Sư Vạn Hạnh (nối dài) với hàng chục ngàn m2 đang khai thác, trong đó có trụ sở Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam.

Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng đang triển khai một dự án có quy mô gần 50.000m2 là khu cao ốc - văn phòng - TTTM Thịnh Thanh tại số 2 đường Tây Thạnh (quận Tân Phú). Tuy nhiên, theo ghi nhận của ĐTTC, từ nhiều năm nay dự án này vẫn án binh bất động, hiện nay vẫn là những dãy nhà cũ kỹ đang được đơn vị khai thác tạm trong lúc chờ dự án triển khai.

Đà Nẵng: Mua trọn sân Chi Lăng

Tại Đà Nẵng, Tập đoàn Thiên Thanh sở hữu ít nhất 3 dự án đất vàng ngay tại trung tâm TP. Một trong những dự án khủng nhất và đình đám nhất là việc mua trọn sân vận động Chi Lăng có 4 mặt tiền là đường Lê Duẩn, Hùng Vương, Ngô Gia Tự và Chi Lăng vào năm 2010.

Chi Lăng là một trong ít sân vận động nổi tiếng nhất Việt Nam từng gắn bó với khán giả nồng nhiệt và đội bóng đá Quảng Nam - Đà Nẵng vô địch vào những năm 1990. Tháng 8-2010, TP Đà Nẵng có chủ trương giải tỏa 70 hộ dân và doanh nghiệp trên các tuyến đường xung quanh sân vận động Chi Lăng để giao 5,5ha đất cho Tập đoàn Thiên Thanh xây dựng khu phức hợp thương mại cao cấp.

Các hộ dân và doanh nghiệp nói trên đã đồng ý với mức đền bù 25,3 triệu đồng/m2, trong lúc đó giá đất thị trường tại khu vực này 80 triệu đồng/m2. Đổi lại, TP Đà Nẵng đã đập bỏ một phần Trường Phan Chu Trinh và Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng để bố trí tái định cư cho người dân trong vùng dự án bị giải tỏa. Ngoài ra, để xây dựng sân vận động mới 20.000 chỗ ngồi tại Hòa Xuân (thay thế sân Chi Lăng), TP Đà Nẵng bỏ ra 280 tỷ đồng, chưa kể tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Đến nay, sân vận động Hòa Xuân mới xong phần móng.

Dự án Khu phức hợp Thương mại-Dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng tại SVĐ Chi Lăng. Ảnh: PHI HẢI

Dự án Khu phức hợp Thương mại-Dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng
tại SVĐ Chi Lăng. Ảnh: PHI HẢI

Theo mô hình Thiên Thanh đưa ra, dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ trên nền sân vận động Chi Lăng của tập đoàn này chia làm 3 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, cung hội nghị; giai đoạn 2 xây dựng bệnh viện và trường học quốc tế và giai đoạn 3 xây dựng 6 block căn hộ cao cấp.

Tổng đầu tư cho dự án này của Tập đoàn Thiên Thanh là 1 tỷ USD và TP Đà Nẵng đồng ý sẽ bàn giao mặt bằng cho từng giai đoạn từ tháng 8-2014. Tuy nhiên, từ năm 2010 khi dự án này khởi động đến nay, đội bóng đá SHB Đà Nẵng phải tận dụng lại sân Chi Lăng để thi đấu dù nhiều hạng mục khác xuống cấp và bị bỏ hoang.

Được biết, chiều 3-8 trận bóng đá cuối cùng sẽ diễn ra trên sân Chi Lăng là trận SHB Đà Nẵng gặp Hà Nội T&T. Sau trận này, khán giả Đà Nẵng sẽ chia tay sân vận động Chi Lăng để giao cho Tập đoàn Thiên Thanh. Không biết sau khi lãnh đạo tập đoàn này bị bắt, sân Chi Lăng sẽ đi về đâu?

Các tin khác