Những công trình giảm kẹt xe

TPHCM đã đưa vào sử dụng hàng loạt công trình hạ tầng giao thông nhằm giải tỏa tình trạng quá tải về giao thông trên một số tuyến đường, khu vực. Nhiều công trình đã phát huy ngay tác dụng, điều đáng mừng là những công trình này thi công nhanh, suất đầu tư không lớn…

TPHCM đã đưa vào sử dụng hàng loạt công trình hạ tầng giao thông nhằm giải tỏa tình trạng quá tải về giao thông trên một số tuyến đường, khu vực. Nhiều công trình đã phát huy ngay tác dụng, điều đáng mừng là những công trình này thi công nhanh, suất đầu tư không lớn…

Phát huy tác dụng

Từ nhiều năm nay trục đường Cộng Hòa - Trường Chinh (thuộc các quận Tân Bình, Tân Phú và 12) luôn xảy ra tình trạng kẹt xe, nhất là vào những giờ cao điểm. Đường Trường Chinh (đoạn từ siêu thị BigC đến cầu Tham Lương) được mở rộng đến 60m nhưng có lúc toàn bộ lòng, lề đường người, xe chen chúc, nhích từng bước một.

Hạ tầng giao thông là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Giải tỏa được một “điểm đen” về kẹt xe là giảm thiểu về thiệt hại kinh tế, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường… Do đó TP sẽ tiếp tục đầu tư cho hạ tầng giao thông trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hữu Tín,
Phó Chủ tịch UBND TPHCM

Trục đường Trường Chinh - Cộng Hòa là cửa ngõ TP ở hướng Tây Bắc, nguyên nhân kẹt xe vì đây là con đường chủ yếu để cư dân các quận 12, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi và các tỉnh Tây Ninh, Long An và cả du khách từ Campuchia đi trung tâm TP.

Tuy nhiên, từ khi cầu vượt tại khu vực Lăng Cha Cả đưa vào sử dụng cuối tháng 4-2013 và cầu vượt giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám đưa vào sử dụng cuối tháng 8-2013, giao thông trên trục đường này thông thoáng hẳn. Vào giờ cao điểm không còn tình trạng kẹt xe, có chăng chỉ là ùn ứ với mật độ không cao lắm. Thời gian di chuyển qua trục đường này được rút ngắn xuống còn 1/3 so với trước đó.

Rõ ràng 2 chiếc cầu vượt nói trên đã phát huy tác dụng rất tốt, giải tỏa mối nghi ngờ của người dân về những bế tắc trong bài toán giao thông trên địa bàn TP.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia và người dân, tại cửa ngõ Tây Bắc TP nếu đầu tư xây dựng thêm một cầu vượt tại “mũi tàu” Cộng Hòa - Trường Chinh, tình trạng ùn ứ ra vào cửa ngõ này sẽ cơ bản được giải quyết. Điều làm người dân rất phấn khởi là hầu hết công trình cầu vượt bằng thép điều được thi công rất nhanh, mỗi công trình chỉ thi công trong thời gian khoảng 4 tháng, hạn chế rất thấp việc đền bù giải tỏa…

Những công trình tiếp theo

Đến thời điểm này, TPHCM đã có tất cả 6 cầu vượt bằng thép. Trong đó, các cầu vượt 3 Tháng 2, Hoàng Hoa Thám, Lăng Cha Cả, Hàng Xanh và ngã tư Thủ Đức đã được đưa vào sử dụng. Riêng cầu vượt tại vòng xoay Cây Gõ (điểm giao giữa quận 6 và quận 11) có hình chữ Y sẽ hoàn thành vào cuối tháng 9.

Các cầu vượt Hàng Xanh, Thủ Đức, 3 Tháng 2 - Lý Thái Tổ cũng phát huy tác dụng rất tốt tạo sự phấn khởi cho người dân. Ông Nguyễn Văn Lưu, Chủ tịch UBND quận 10, cho hay: “Khu vực 3 Tháng 2 - Lý Thái Tổ trước đây thường xuyên ùn ứ trong các giờ cao điểm, gây lãng phí cho xã hội và ô nhiễm môi trường. Ngay sau khi cầu vượt 3 Tháng 2 được đưa vào sử dụng, tình trạng trên không còn”.

Cầu vượt giao lộ 3 Tháng 2 - Nguyễn Tri Phương.

Cầu vượt giao lộ 3 Tháng 2 - Nguyễn Tri Phương.

Trong thời gian tới, nhiều công trình giao thông trên địa bàn TP tiếp tục được đầu tư, đưa vào sử dụng góp phần tạo thông thoáng cho giao thông. Dự kiến ngày 28-9, một đoạn 5,5km của dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài từ nút giao Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) đến cầu Bình Triệu (quận Thủ Đức) sẽ thông xe.

Một phần dự án này đưa vào sử dụng sẽ giải tỏa lượng xe từ sân bay Tân Sơn Nhất cũng như khu vực này đi qua một số tuyến đường trên địa bàn Tân Bình và Gò Vấp để đi các tỉnh Đông Nam bộ và miền Trung.

Theo tính toán, lộ trình mới này sẽ chia sẻ khoảng 40% lượng xe từ khu vực quận 12, Thủ Đức theo Quốc lộ 13 ra, vào nội thành. Như vậy, với việc hình thành một trục giao thông mới, tình trạng kẹt xe thường thấy ở đường Đinh Bộ Lĩnh, giao lộ Bạch Đằng - Đinh Bộ Lĩnh, đặc biệt khu vực trước bến xe Miền Đông, sẽ sớm được giải tỏa.

Ngoài ra, vành đai phía Đông thuộc vành đai 2 là tuyến đường có vai trò quan trọng, góp phần giải quyết ùn tắc cho nội đô cũng đã được khai thác một phần. TPHCM cũng đặt ra lộ trình hoàn tất các tuyến đường vành đai còn lại (vành đai 3, vành đai 4) trước năm 2020; đồng thời mở rộng, kéo dài các trục đường hướng tâm, xuyên tâm quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu lưu thông của người dân, giải quyết kẹt xe.

Trước mắt, trong năm 2014 sẽ hoàn tất tuyến trục hướng tâm cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, khởi công các đoạn còn lại của đường vành đai 2, mở rộng Quốc lộ 13 và Quốc lộ 50.

Các tin khác