Nhiều đơn vị chưa tuân thủ luật đấu thầu

Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) vừa có kết luận kiểm tra về việc sử dụng hàng hóa, vật tư, thiết bị trong nước sản xuất được một số gói thầu cung cấp máy phát điện công nghiệp thuộc các dự án sử dụng vốn nhà nước. Qua đó, cơ quan kiểm tra đã phát hiện nhiều đơn vị không tuân thủ các quy định pháp luật đấu thầu, phân biệt đối xử với hàng hóa sản xuất trong nước.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) vừa có kết luận kiểm tra về việc sử dụng hàng hóa, vật tư, thiết bị trong nước sản xuất được một số gói thầu cung cấp máy phát điện công nghiệp thuộc các dự án sử dụng vốn nhà nước. Qua đó, cơ quan kiểm tra đã phát hiện nhiều đơn vị không tuân thủ các quy định pháp luật đấu thầu, phân biệt đối xử với hàng hóa sản xuất trong nước.

Nhiều sai sót trong thực hiện

Theo kết luận, qua kiểm tra các gói thầu cung cấp máy phát điện công nghiệp (của các chủ đầu tư Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, CTCP Chỉ sợi cao su V.R.G SA DO, CTCP Xây lắp điện 1...), cho thấy hầu hết chủ đầu tư không có chuyên môn về đấu thầu, quản lý dự án, nên đã thuê tư vấn quản lý dự án và tư vấn đấu thầu để thực hiện lựa chọn nhà thầu.

Tuy nhiên, hầu hết năng lực của các đơn vị tư vấn còn yếu, có dấu hiệu không tuân thủ quy định của pháp luật đấu thầu trong quá trình lựa chọn nhà thầu, không đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu.

Tại các gói thầu kiểm tra, hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu, đều đưa ra yêu cầu cụ thể về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đồng thời phân biệt đối xử với hàng hóa sản xuất, lắp ráp trong nước. Các yêu cầu này không những không ưu tiên đối với hàng hóa sản xuất trong nước, còn nêu tiêu chí ngăn cản hoặc làm giảm sự cạnh tranh của hàng hóa (như ưu tiên máy phát điện từ một số quốc gia, lãnh thổ cụ thể trên thế giới).

Bên cạnh đó, chính sách thuế nhập khẩu đối với linh kiện của máy phát điện, máy phát điện nguyên chiếc cũng là một trong những cản trở đối với các nhà sản xuất, lắp ráp máy phát điện trong nước. Các vấn đề nêu trên không phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị, không phù hợp với các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn về ưu tiên, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước.

Cơ quan chức năng đã chỉ ra những sai sót, tồn tại trong các gói thầu. Chẳng hạn, về việc áp dụng pháp luật gói thầu, tư vấn đấu thầu áp dụng không đúng quy định về đấu thầu tại thời điểm lựa chọn nhà thầu. Các gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu tại thời điểm Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014/NĐ-CP có hiệu lực, nhưng tư vấn đấu thầu không cập nhật các quy định này, dẫn đến các nội dung trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không phù hợp và việc đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không chính xác.

Về nội dung của hồ sơ mời thầu, hồ sơ đề xuất nêu yêu cầu về thương hiệu, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa không phù hợp với các quy định Nghị định 63, Nghị định 85 và Luật Đấu thầu. Cụ thể, yêu cầu nguồn gốc, xuất xứ được nhập khẩu từ các nước G7, EU, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc (Công ty Chỉ sợi, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Phát thanh truyền hình An Giang, HUD...); yêu cầu hãng sản xuất máy phát điện phải có thương hiệu và lâu đời (kinh nghiệm trên 45 năm) có định hướng đến một số nhà sản xuất cụ thể (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai); một số chủ đầu tư không biết thông tin về máy phát điện sản xuất trong nước, hoặc biết thông tin về sản phẩm này, nhưng tỏ ra nghi ngại về chất lượng và có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với sản phẩm, do có những phản ánh không tích cực về vấn đề kỹ thuật trong việc sử dụng và vận hành máy phát điện sản xuất trong nước.

Bất cập chính sách, quy định

Tại Quyết định 3695/QĐ-BCT ngày 6-6-2013 của Bộ Công Thương, tổ máy phát điện có công suất trên 75KVA đến 1100KVA đã được công nhận và được đưa vào danh mục máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được. Đồng thời, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã có giấy chứng nhận lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy phát điện công suất đến 2500KVA của CTCP Sáng Ban Mai phù hợp với tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008.

Theo đó, doanh nghiệp trong nước đã sản xuất, lắp ráp được máy phát điện có công suất lên đến 2500KVA. Theo báo cáo của Công ty Sáng Ban Mai, chi phí sản xuất trong nước đối với máy phát điện của công ty chiếm khoảng 28-36%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp máy phát điện trong nước đã thực hiện cung cấp nhiều máy phát điện cho người tiêu dùng cả khu vực nhà nước và tư nhân.

Không nên phân biệt đối xử hàng Việt trong các gói thầu sử dụng vốn ngân sách.

Không nên phân biệt đối xử hàng Việt trong các gói thầu sử dụng vốn ngân sách.

Cơ quan kiểm tra kết luận, về sản phẩm máy phát điện công nghiệp trong nước, tại thời điểm lựa chọn nhà thầu các gói thầu được kiểm tra, doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng được yêu cầu cung cấp máy phát triển công nghiệp có công suất lên đến 2500KVA của các gói thầu.

Do đó, việc yêu cầu máy phát điện phải nhập khẩu đồng bộ hoặc có xuất xứ cụ thể từ nước ngoài tại các gói thầu là hành vi phân biệt đối xử, không đảm bảo công bằng cạnh tranh đối với máy phát điện sản xuất trong nước. Chính sách thuế nhập khẩu linh kiện của máy phát điện chưa tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, lắp ráp máy phát điện trong nước, làm giảm sức cạnh tranh so với máy phát điện nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc công khai, quảng bá rộng rãi đối với sản phẩm máy phát điện trong nước sản xuất được còn hạn chế, một số chủ đầu tư không có thông tin về sản phẩm trong nước để có sự lựa chọn.

Bộ KH-ĐT kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát các quy định liên quan đến nhập khẩu nguyên chiếc và nhập khẩu linh kiện máy phát điện để sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi và thúc đẩy sản xuất, lắp ráp máy phát điện trong nước. Bộ Công Thương phối hợp Bộ KH-ĐT cập nhật kịp thời các máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được để đưa vào danh mục thuộc các thông tư, quyết định do Bộ KH-ĐT ban hành, đồng thời đẩy mạnh thực hiện công khai thông tin rộng rãi về danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được.

Các tin khác