Nhà ở cho công nhân KCN: Đích đến còn xa

Tại hội thảo quốc gia về nhà ở cho công nhân - Thực trạng và giải pháp vừa diễn ra tại tỉnh Bình Dương, Bộ Xây dựng đã thẳng thắn nhìn nhận việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, lao động các khu công nghiệp (KCN) vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và mục tiêu đề ra.

Tại hội thảo quốc gia về nhà ở cho công nhân - Thực trạng và giải pháp vừa diễn ra tại tỉnh Bình Dương, Bộ Xây dựng đã thẳng thắn nhìn nhận việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, lao động các khu công nghiệp (KCN) vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và mục tiêu đề ra.

Cơ chế chưa phù hợp

Hiện nay, tại các KCN chỉ có khoảng 20% số công nhân lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm, với giá từ 150.000-200.000 đồng/người/tháng. Các phòng trọ này hầu hết đều rất chật hẹp, diện tích sử dụng 2-3m2/người, điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo. Tình trạng đó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của công nhân, trật tự, an toàn xã hội tại nhiều KCN.

Bộ Xây dựng đánh giá, do thiếu sự tham gia, hỗ trợ của Nhà nước, công nhân, lao động các KCN gặp rất nhiều khó khăn về chỗ ở. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân chưa thật sự hiệu quả. Việc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ được thực hiện từ tháng 4 đến 12-2009 nên các doanh nghiệp rất khó tiếp cận. Việc cho vay vốn tín dụng ưu đãi hoặc bù lãi suất gần như không đáng kể.

Muốn vay vốn từ các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp gặp phải trở ngại lãi suất cao và các thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo bằng quyền sử dụng đất. Trong khi đó, các địa phương lại chưa quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động khi thực hiện thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp sử dụng lao động chưa thực sự có trách nhiệm và cùng chia sẻ việc giải quyết nhà ở cho công nhân như một giải pháp thu hút lao động, ổn định sản xuất.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Nhà nước còn rất khó khăn nên cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư. Để giải quyết được vấn đề này phải làm rõ vốn ngân sách trung ương và địa phương cần tập trung vào đâu, hạ tầng hay nhà ở, xã hội hoá đầu tư phần nào?. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của địa phương có KCN, trách nhiệm của doanh nghiệp sử dụng lao động về nhà ở cho công nhân, như xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai và kiểm điểm việc thực hiện mục tiêu.

Căn hộ giá rẻ - cho thuê rồi bán

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN đánh giá, về mặt luật pháp, Nhà nước đã rất quan tâm đến loại nhà ở công nhân KCN. Nhưng 5 năm mà lộ trình xã hội hóa nhà ở công nhân vẫn chưa như mong muốn. "Các công nhân độc thân rồi sẽ xây dựng gia đình, một số gia đình đó có nhu cầu sinh sống ổn định, đủ tiện nghi gần KCN, vì vậy cần có loại nhà ở như vậy thích hợp với khả năng chi trả của họ. Ngoài ra, các hộ công nhân còn cần có trường cho con đi học, có chợ để mua nhu yếu phẩm hàng ngày. Còn các công nhân trẻ cần đến các công trình văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí" - TS Liêm chia sẻ.

Cả nước đã có 27 dự án xây dựng nhà ở công nhân KCN được khởi công, tổng vốn đầu tư khoảng 3.015 tỷ đồng, diện tích sàn 866.600m2, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 139.800 công nhân. Hiện đã có 9 dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng (Hà Nội một dự án; TPHCM 8 dự án). Mới chỉ có 1 dự án nhà ở cho công nhân tại KCN Long An được Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét ký hợp đồng tín dụng cho vay vốn ưu đãi.
Từ thực tế trên có thể thấy, không thể chỉ xây dựng khu nhà ở công nhân với các tòa nhà xếp hàng đơn điệu như doanh trại, mà phải qui hoạch xây dựng một khu đô thị đa chức năng, gồm nhiều đường phố với nhà nhiều tầng có tầng trệt là cửa hàng, cửa hiệu còn các tầng trên là nhà ở. Ngoài ra còn có chợ, ngân hàng, trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan, sân vận động, vườn hoa công viên và quảng trường…

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định hiện chúng ta đang đi theo hướng phát triển chỗ ở cho công nhân lao động thuê. Tuy nhiên, công nhân trẻ phải lập gia đình, do vậy nên chăng tập trung phát triển các loại căn hộ giá rẻ để cho thuê ở tập thể, một thời gian sau sẽ bán cho các hộ gia đình công nhân hoặc cho thuê mua. Thời gian tới, nên thực hiện thí điểm mô hình này tại một số địa bàn trọng điểm.

Tìm giải pháp cho nhà ở cho công nhân, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng có chung quan điểm cần khuyến khích phát triển loại nhà ở này theo các phương thức, mô hình khác nhau như Nhà nước đầu tư, hợp tác công-tư (PPP) hoặc tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn, quản lý để nâng cao chất lượng đối với nhà ở của tư nhân cho công nhân thuê.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội:

Phải có chế tài bắt buộc chủ sử dụng lao động

Tại Hà Nội, các doanh nghiệp sử dụng lao động rất hạn chế tham gia xây dựng nhà ở. Việc tham gia của các doanh nghiệp vẫn chủ yếu là sự hảo tâm mà chưa có chế tài bắt buộc. Vì vậy, một trong những giải pháp để phát triển các dự án nhà ở cho công nhân tại các KCN-KCX là cần ban hành chế tài bắt buộc các chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm, nghĩa vụ về nơi ở với lao động của mình.

Ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng giám đốc CTCP Phát triển nhà ở Sơn An:

Giao chỉ tiêu cho các địa phương

Nhà nước nên giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương mỗi năm phải xây dựng bao nhiêu mét vuông nhà ở cho công nhân chứ cứ ra nghị định, thông tư rồi kêu gọi, rất khó thực hiện. Đồng thời, Nhà nước cũng phải khen thưởng kịp thời những doanh nghiệp làm tốt và có chính sách đa dạng nguồn vốn để tạo điều cho các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở cho công nhân.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành:

Xây dựng nhà giá thật rẻ

Cùng với việc đa dạng hóa các loại hình căn hộ, Nhà nước cũng cần quy hoạch các khu nhà ở công nhân ở ven thành phố, gần các KCN-KCX và qui hoạch thành từng cụm từ 10-100ha có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Nhà nước cũng phải tạo quĩ đất sạch, duyệt các thủ tục qui hoạch, kiến trúc và đấu thầu để chọn doanh nghiệp xây dựng căn hộ có giá thành thấp. Các căn hộ cũng chỉ 20-40m2 dành cho 1-2 người...

Các tin khác