Nhà ở 40 năm không giấy chủ quyền!

(ĐTTCO) - Trường Đại học Bách khoa TPHCM (trước đó là Trường Kỹ thuật Phú Thọ) có 2 khu tập thể giáo viên được hình thành từ năm 1977. Vào thời kỳ mới thống nhất đất nước, cơ sở vật chất của các trường đại học còn rất nghèo nàn. Các cán bộ giảng dạy, quản lý từ các nguồn tụ về các trường đại học.

(ĐTTCO) - Trường Đại học Bách khoa TPHCM (trước đó là Trường Kỹ thuật Phú Thọ) có 2 khu tập thể giáo viên được hình thành từ năm 1977. Vào thời kỳ mới thống nhất đất nước, cơ sở vật chất của các trường đại học còn rất nghèo nàn. Các cán bộ giảng dạy, quản lý từ các nguồn tụ về các trường đại học.

 Những người có chức vụ, có hàm vị lần lượt được phân nhà rộng rãi ở các khu như Bắc Hải, Lữ Gia. Còn nhóm cán bộ giảng dạy trẻ mới tốt nghiệp từ các trường như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Tổng hợp TPHCM và nhân viên phục vụ được đưa đến ở 2 khu ngay sát trường Bách Khoa. Một khu ở địa chỉ ở 350 Tô Hiến Thành, phường 14, quận 10 (địa chỉ cũ là 142 bis) với diện tích khoảng 2.000m2, gồm 3 dãy nhà trệt chạy song song, có 36 phòng với diện tích mỗi phòng 16m2 dành cho 4 giáo viên trẻ ở chung giường tầng. Khu thứ hai là 268 bis, đường Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, có diện tích khoảng 2.500m2. Đây nguyên thủy là khu nhà ăn sinh viên xây dở dang có 1 trệt và một lầu, sau đó được phân thành phòng mỗi phòng 14-16m2 cho các cặp vợ chồng trẻ và một số hộ gia đình sống tạm. Hiện nay khu này có 53 hộ gia đình sinh sống.

Trải qua 40 năm, cả 2 khu này đã xuống cấp trầm trọng, nhà đã bị nghiêng, lún sụt, bong tróc, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như cấp, thoát nước, điện… đều đã hư hỏng nặng. Cho đến nay, những người sống ở đây không biết đất đai, nhà cửa thuộc về ai: Trường Đại học Bách khoa, quận 10 hay thuộc công sản của TP? Chỉ biết rằng mỗi khi sửa chữa, vá víu ngay lập tức có thanh tra đến cấm cản. Những thế hệ giảng viên đến đây ở từ ngày đầu tiên nay đã về hưu, rất nhiều người đã mất, nhưng cũng như cha mẹ mình, những thế hệ kế tiếp lớn lên trong những “ngôi nhà vô chủ”, những giáo viên, cán bộ già xót xa vì để lại cho con cái một tài sản “không chắc là của mình”, giấy tờ chẳng có gì ngoài một tờ giấy phân chỗ ở của ông trưởng phòng tổ chức đã ố vàng rách nát.

Bà Huệ, một cư dân ở đây, nguyên là một cán bộ phục vụ ngành giáo dục hơn 40 năm, nay đã gần 80 tuổi chỉ mong có tờ giấy sở sữu một diện tích ở khiêm tốn để yên tâm nếu có bề nào. Người dân rất bức xúc muốn chính quyền TP quan tâm đưa ra một giải pháp dứt điểm, không thể kéo dài thêm được. Ai cũng lo lắng, bất an, bởi nếu nhà đổ, người chết ai chịu trách nhiệm? Những người cả đời cống hiến cho giáo dục, chỉ được tạm cư trong diện tích vẻn vẹn 16m2 và suốt 40 năm chịu đựng tình cảnh cư trú “không chính danh”, xem ra có phần chưa được công bằng so với nhiều người cùng thời. Cả 2 khu tập thể này là những khu dân cư ổn định, không thuộc diện tranh chấp hay bị quy hoạch giải tỏa, do vậy bà con rất muốn được cấp giấy chủ quyền và sẵn sàng đóng các khoản phí, thuế để đóng góp vào ngân sách của TP.      

Nếu rà soát kỹ, ở TPHCM hiện nay vẫn còn một số khu tập thể của các trường, viện, các cơ quan nhà nước trong tình trạng như trên. 40 năm là thời gian quá dài so với một đời người, vậy còn phải đợi đến bao lâu nữa?

(TPHCM)

Các tin khác