Nguy cơ không được vay mới ODA Nhật Bản

(ĐTTCO) - Tại cuộc họp báo sáng 18-10 tại Hà Nội, ông Fujita Yasuo, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đã bày tỏ lo ngại về tình trạng chậm thanh toán cho nhà thầu thi công các dự án đang sử dụng vốn ODA Nhật Bản.
 
Nếu tình trạng này nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến các quyết định cho vay mới từ phía Chính phủ Nhật Bản.
Quyết định cứng nhắc
 Việc chậm thanh toán cho các nhà thầu thực hiện dự án thời gian qua cũng được các DN FDI coi là một rủi ro trong kinh doanh, có thể khiến họ ngại đầu tư vào Việt Nam. Để khắc phục tình trạng này, hồi tháng 8 Chính phủ đã ban hành chỉ thị về cải thiện cơ chế thực hiện dự án ODA theo hướng đẩy nhanh việc thanh toán cho các dự án đang triển khai, đình chỉ, hoãn việc triển khai đối với  một số dự án có mức độ quan trọng thấp, dự án không hiệu quả. Nhưng xem ra đến nay sự đốc thúc này vẫn chưa tiến triển.
Tính đến hết 9 tháng năm 2017, tổng giá trị vốn vay ODA cam kết mới của Nhật Bản đạt 82,8 tỷ yên, số vốn giải ngân đạt 119,2 tỷ yên. Nhiều dự án hạ tầng lớn đang sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản như tuyến Đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội, đường cao tốc Bắc - Nam (Đà Nẵng  Quảng Ngãi…
Dù ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát nợ công và chi tiêu ngân sách sách những năm qua, nhưng vị đại diện cho JICA Việt Nam cũng thẳng thắn cho rằng các quyết định trong phân bổ sử dụng ODA thời gian qua quá cứng nhắc. Việc  quy định quá cứng giới hạn trần giải ngân cho từng dự án dẫn đến tình trạng một số dự án thiếu vốn không có tiền giải ngân, nhưng một số dự án thừa vốn vướng thủ tục cũng không thể giải ngân.
Thực trạng này nảy sinh do các bộ thực hiện phân bổ vốn vay đã dự báo, tính toán sai tiến độ giải ngân của các dự án.
Theo JICA, tình trạng chậm thanh toán tại các dự án ODA đã tăng lên do ảnh hưởng từ các quy định của Luật Ngân sách 2015, cũng như việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 được ban hành.
Đơn cử Luật Ngân sách 2015 quy định, Chính phủ phải đưa ra mức giới hạn vay vốn tối đa trong 1 năm, kết hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm theo hướng tăng cường kiểm soát nợ công ở mức cao hơn, đã dẫn đến tình trạng nhiều dự án đói vốn. Còn căn cứ theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, mức trần giải ngân ODA tối đa trong 5 năm khoảng 300.000 tỷ đồng, tương đương 1.400 tỷ yên. Và chính 2 khung chính sách này đã làm tình trạng chậm thanh toán cho các dự án vốn vay ODA, trong đó có các dự án sử dụng vốn vay Nhật Bản ngày càng trở lên trầm trọng hơn.
Số liệu của JICA cho thấy, đến cuối tháng 9 tổng số tiền nợ nhà thầu tại các dự án sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản khoảng 4 tỷ yên (tương đương 812 tỷ đồng). Trường hợp Chính phủ không tiến hành các biện pháp phân bổ thêm ngân sách cho các dự án, điều chỉnh lại ngân sách phân bổ cho từng dự án, đến cuối năm nay có khả năng tổng số tiền thanh toán chậm của tất cả các dự án vốn vay ODA Nhật Bản sẽ lên đến khoảng 20 tỷ yên, tương đương 4.060 tỷ đồng. Riêng dự án đường sắt đô thị số 1 TPHCM đã chậm thanh toán cho nhà thầu nửa năm.
Hầm ngầm tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang vào giai đoạn hoàn thành. Ảnh: VŨ PHƯỚC 

Thủ tục nhiêu khê
Trong khi đó, theo ông Fujita Yasuo, đến thời điểm hiện tại các khoản vay ODA đối với tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên hiện nay giải ngân đã đạt đến trần giới hạn. TPHCM đang đề nghị Chính phủ bổ sung thêm vốn cho tuyến đường sắt đô thị này, nhưng để hoàn tất thủ tục phân bổ thêm vốn cho dự án này sẽ mất rất nhiều thời gian. TPHCM đã sử dụng ngân sách TP để ứng trả trước cho nhà thầu, nhưng giải pháp tạm thời này cũng có giới hạn, bởi ngân sách địa phương không phải là vô hạn, chỉ đáp ứng đến mức nào đó.
Nên nếu như việc phê duyệt vốn ODA bổ sung không sớm được phê duyệt, rất có thể TP sẽ không còn vốn để ứng trước, không có có vốn thanh toán cho các nhà thầu, khiến dự án chậm tiến độ.
Ngược lại với dự án đường sắt đô thị TPHCM, tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội có tổng mức đầu tư khoảng 177,6 tỷ yên, tương đương 34.743 tỷ đồng, sử dụng nguồn vay ODA Nhật Bản dù đã ký thỏa thuận vay vốn cách đây 7 năm, thế nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. Tháng 3 năm nay, TP Hà Nội đã trình các bộ, ngành liên quan phê duyệt kế hoạch triển khai dự án và tổng mức đầu tư, nhưng kể từ khi TP Hà Nội trình 4 bộ đến khi 4 bộ ngồi họp bàn với nhau phải mất 5 tháng. Sự chậm trễ thủ tục triển khai dự án khiến lượng vốn đã bố trí cho dự án không giải ngân được. 
Thông thường một dự án ODA cần tới 3 bước triển khai, thứ nhất lập đề xuất dự án, sau đó lập báo cáo tiền khả thi, lập báo cáo khả thi dự án để trình các bộ, ngành phê duyệt. Sau khi dự án được phê duyệt rồi thì các bước phê duyệt hồ sơ thực hiện liên quan cũng rất phưc tạp, vì vậy nhiều dự án dù đã bố trí vốn cũng không thể giải ngân. JICA đang kiến nghị Chính phủ xem xét phân bổ lại vốn ODA, hoặc phân bổ bổ sung vốn để các dự án bảo đảm tiến độ.

Các tin khác