Người dân nghèo trả nhà tái định cư

Dự án xây dựng khu tái định cư (TĐC) Ka Lu-Chân Rò, xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị triển khai với kinh phí 10 tỷ đồng do Ban Dân tộc miền núi tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư.

Dự án xây dựng khu tái định cư (TĐC) Ka Lu-Chân Rò, xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị triển khai với kinh phí 10 tỷ đồng do Ban Dân tộc miền núi tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư.

Dự án này hoàn thành vào năm 2011 gồm rất nhiều hạng mục, trong đó có hệ thống đường bê tông, 30 ngôi nhà gỗ, nhà văn hóa cộng đồng, trường học... với mục đích bố trí chỗ ở, ổn định cuộc sống cho 30 hộ đồng bào Pa Kô và Vân Kiều đang gặp khó khăn về nhà ở.

Song đến nay, toàn khu TĐC này mới chỉ có 20 hộ dân đến nhận nhà, còn 10 ngôi nhà khác trong tình trạng bỏ hoang vì các hộ được xét cấp không chịu nhận nhà do khu TĐC thiếu đất sản xuất.

Giải thích về vấn đề này, lãnh đạo UBND xã Đakrông cho biết, chủ trương ban đầu mỗi hộ dân diện TĐC được cấp một ngôi nhà gỗ diện tích khoảng 40m2, 2 sào đất sản xuất và được trợ cấp lương thực trong 6 tháng đầu. Nhưng tập quán bao đời của đồng bào nơi đây là giữa núi rừng trùng điệp, ai khai hoang, phát rẫy trước được quyền sở hữu đám đất đó lâu dài.

Và thực tế là hầu hết diện tích nương rẫy quy hoạch dự định cấp cho 30 hộ dân vào sinh sống tại khu TĐC Ka Lu-Chân Rò đều đã có chủ theo tập quán trên. Trong khi, 16 trong tổng số 70 dân được đưa vào sinh sống tại khu TĐC Pi Rao do UBND huyện Đakrông làm chủ đầu tư xây dựng tại xã A Ngo với kinh phí 9 tỷ đồng đã trả lại nhà ở tìm về nơi ở cũ.

Nguyên nhân do toàn bộ giếng nước ở đây bị nhiễm phèn nên bà con hàng ngày phải lội bộ lên khe suối cách nhà hơn 1km cõng nước về phục vụ sinh hoạt. Ngoài ra, phụ huynh mỗi ngày phải đưa con về trung tâm xã cách nơi ở mới khoảng 4km để đi học (tại khu TĐC Pi Rao có trường học nhưng đóng cửa vì 50 học sinh ở đây đang theo học từ lớp 1 đến lớp 9 khiến trường học tại chỗ không đủ số lượng học sinh để mở lớp).

Một vấn đề nữa là khu TĐC Pi Rao chưa có bộ máy quản lý cấp thôn nên người dân chịu thiệt thòi trong việc thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội như trợ cấp lương thực, thực phẩm, giống cây trồng, vay vốn sản xuất...

Mục đích của các dự án TĐC là giải quyết chỗ ở và đất sản xuất cho người dân. Nhưng quá trình thực hiện có nhiều vấn đề như công tác khảo sát thực địa chưa đến nơi đến chốn đã để xảy ra những sự việc đáng tiếc kể trên.

Vì thế, việc hàng loạt gia đình trả lại hoặc từ chối nhận nhà ở được cấp tại các khu TĐC dành cho đồng bào vùng biên giới đặc biệt khó khăn ở Quảng Trị, gây lãng phí lớn cho nguồn lực xã hội, cần phải được chính quyền các cấp quan tâm, khắc phục dứt điểm.

Các tin khác