Ngổn ngang công trình hạ tầng

(ĐTTCO) - Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều dự án xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai ở TPHCM, nhưng việc thi công hết sức chậm chạp, nhiều dự án triển khai cả chục năm chưa biết đến bao giờ hoàn thành.
Từ cầu đường, bến xe…
Dự án đường vành đai 2, theo quy hoạch tuyến đường này nằm toàn bộ trên địa phận TPHCM, có nhiều cung đoạn bọc quanh TP, đi qua hầu hết quận, huyện. Nhiệm vụ của đường vành đai 2 là giúp các phương tiện lưu thông từ khu vực này tới khu vực khác, không phải đi xuyên qua khu vực trung tâm TP. Tuy nhiên, dù đã có quy hoạch hơn chục năm nhưng đến nay tuyến vành đai 2 vẫn chưa liền mạch. Nhiều đoạn vẫn bị gián đoạn khiến các phương tiện giao thông lưu thông rất khó khăn.
 Tới đây TP sẽ áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội để xây dựng dự án đường Vành đai 3. Theo quy định, tuyến Vành đai 3 do đi qua nhiều tỉnh, TP nên thuộc trách nhiệm đầu tư của Trung ương. Tuy nhiên, để giải quyết nhu cầu cấp bách của địa phương, TPHCM sẽ ứng vốn ngân sách và tạm ứng các nguồn lực khác để triển khai thực hiện. Vấn đề của TP bây giờ là tập trung lên kế hoạch vốn, để trình HĐND xin chủ trương thực hiện.
Ông BÙI XUÂN CƯỜNG, 
Giám đốc Sở GTVT TPHCM
Ngoài tuyến vành đai 2, tuyến vành đai 3 và vành đai 4 có mục đích kết nối TPHCM và các tỉnh lân cận, cũng chỉ hoàn thành rời rạc một số cung đoạn ngắn. Dự án đường vành đai 3 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011, điều chỉnh năm 2013. Theo quy hoạch được duyệt, đường vành đai 3 đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai, TPHCM, Long An và Bình Dương, với chiều dài gần 90km.
Đối với tuyến vành đai 3, khu vực các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã xây dựng được khá nhiều, trong khi các cung đoạn ở TPHCM vẫn chủ yếu nằm trên giấy hoặc chưa được xây dựng. Nguyên nhân do việc bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) ở TPHCM rất khó khăn. Giá đất liên tục tăng khiến việc GPMB ở các khu vực này nằm ngoài khả năng của dự án.
Tuy không phải dự án cầu, đường nhưng nhiều năm qua việc chưa hoàn thành dự án Bến xe miền Đông (quận 9) và Bến xe miền Tây (huyện Bình Chánh), đã góp phần khiến tình hình giao thông ở TPHCM thêm phức tạp. Đây là 2 dự án đều do Tổng Công ty Samco thực hiện. Trong đó, dự án Bến xe miền Đông khởi công vào tháng 4-2017, dự kiến đưa vào sử dụng dịp Tết Nguyên đán 2018 vừa qua, nhưng đến nay vẫn ngổn ngang.
Thậm chí, ngay cả phương án giải tỏa mặt bằng cũng chưa xong. Với tổng vốn đầu tư lên đến 4.000 tỷ đồng (gồm 2 giai đoạn), dự án này không chỉ có nhiệm vụ thay thế Bến xe miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh), còn hứa hẹn là trung tâm giao thông quan trọng ở cửa ngõ phía Đông Bắc TP.
Chủ đầu tư dự án cho biết với tình hình hiện tại, Bến xe miền Đông mới dự kiến đến tháng 1-2019 mới đưa vào hoạt động. Việc chưa hoàn thành 2 dự án này khiến 2 Bến xe miền Đông, miền Tây vẫn nằm sâu trong TP, là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều điểm đen kẹt xe, ùn tắc.
Ngổn ngang công trình hạ tầng ảnh 1 Một số hạng mục chính bến xe Miền Đông mới chỉ mới đổ xong trụ bê tông, phần còn lại rất ngổn ngang. Ảnh: HỮU TÍN 
Đến dự án chống ngập cũng dang dở
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng - gọi tắt là Dự án chống ngập) do Trung Nam Group làm chủ đầu tư (theo hình thức BT) gần đây cũng gây nhiều điều tiếng về tiến độ thi công. Đến nay dự án đã hoàn thành 72% khối lượng và tạm dừng thi công từ ngày 27-4-2018. 
Mới đây, chủ đầu tư dự án chống ngập đã tổ chức buổi gặp gỡ với báo chí để thông tin về việc thi công bị đình trệ gần 5 tháng. Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam Group, cho hay tại nhiều văn bản, chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM và hướng dẫn của Bộ Xây dựng, đã nêu rất rõ các bên tham gia dự án phải tuân thủ theo kết quả thẩm định của Sở NN-PTNT TP. Căn cứ nội dung các văn bản trên, cho thấy tư vấn giám sát hợp đồng đã không tuân thủ chỉ đạo của UBND TPHCM và hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan. 
Ông Nguyễn Tâm Tiến cho rằng dự án không thiếu vốn, nhà đầu tư không có lỗi trong việc tạm dừng dự án này. Thực tế, nguồn vốn dành cho dự án đầy đủ và luôn có sẵn để giải ngân theo Quyết định 2240 của Ngân hàng Nhà nước. Sở dĩ dự án bị ngừng triển khai do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Nam Sài Gòn đã dừng giải ngân cho dự án, xuất phát từ việc UBND TPHCM chưa ký xác nhận đầy đủ của các kỳ báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn.
Đến tháng 8-2018, UBND TP đã ký xác nhận báo cáo đối với các kỳ còn lại, tuy nhiên dự án vẫn phải tiếp tục tạm dừng để chờ chính quyền giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh trong quá trình tạm dừng. Hiện nay, dự án này tạm dừng khi khối lượng thi công đã đạt 72%, tương đương với tổng giá trị hoàn thành 5.690 tỷ đồng.
Trong khi đó, đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng chỉ xác nhận 3.503 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đã chi 803 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng công việc đã hoàn thành nhưng chưa được giải ngân lên tới 1.384 tỷ đồng, gây khó khăn cho nhà thầu, làm ảnh hưởng đến đời sống của đội ngũ các chuyên gia, kỹ sư và công nhân thi công trên công trường. 
Theo Sở GTVT, trong giai đoạn 2016-2020, TP có tổng cộng 172 dự án giao thông được thực hiện với mức đầu tư 320.000 tỷ đồng. Do thiếu vốn, cộng với các phương án thu hút đầu tư thực hiện chưa tốt, đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoàn thành chỉ tiêu về chiều dài đường và số cây cầu làm mới, mật độ đường giao thông và tỷ lệ đất dành cho giao thông. Việc tạm dừng xem xét, đề xuất các dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP) trong hơn 10 tháng qua tại TPHCM cũng khiến nhiều dự án bị ảnh hưởng.

Các tin khác