Nâng cấp ngôi trường cổ Lê Quý Đôn

(ĐTTCO) - Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM vừa có báo cáo trình UBND TP xem xét chấp thuận phương án cải tạo, nâng cấp, mở rộng một số hạng mục công trình tại ngôi trường cổ nhất TPHCM - Trường Lê Quý Đôn (đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, quận 3).

(ĐTTCO) - Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM vừa có báo cáo trình UBND TP xem xét chấp thuận phương án cải tạo, nâng cấp, mở rộng một số hạng mục công trình tại ngôi trường cổ nhất TPHCM - Trường Lê Quý Đôn (đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, quận 3).

Theo đó, khu căn-tin E sẽ tháo dỡ công trình hiện hữu để xây dựng mới với quy mô tối đa 2 tầng, mái ngói, chiều cao công trình không vượt quá chiều cao khu lớp học A, hình thức kiến trúc công trình và các chi tiết kiến trúc tương tự khu lớp học A, đảm bảo hài hòa giữa công trình mới và các công trình cũ, tạo thành quần thể kiến trúc đồng nhất. Khoảng lùi công trình xây dựng mới so với ranh lộ giới đường Nguyễn Thị Minh Khai tương đương khoảng lùi của nhà biệt F hoặc khu lớp học A. Khu lớp học B cũng tháo dỡ toàn bộ để xây dựng lại theo lối kiến trúc và quy mô ban đầu nhưng dựng thêm 1 tầng hầm nhằm tạo thành một thể thống nhất giữa 2 trường (trường THCS Lê Quý Đôn và THPT Lê Quý Đôn). Phần hành lang kết nối khu A - khu B nên áp sát công trình để hạn chế chiếm đất. Tầng hầm không bố trí chức năng thể dục thể thao, giáo dục thể chất.

Khu nhà biệt thự F không tháo dỡ mà được chuyển đổi công năng từ nhà biệt thự thành nhà truyền thống. Đảm bảo không xây dựng hay tháo dỡ tường, vách ngăn, hay toàn bộ khu này, không được thay đổi kết cấu, cơi nới tăng diện tích sử dụng, mật độ xây dựng, chỉ chấp thuận cải tạo sửa chữa nâng cấp công trình hiện hữu như sơn nước, lát gạch. Trong quá trình cải tạo cần bảo về hoặc phục dựng theo nguyên trạng các yếu tố gốc cấu thành di tích (chi tiết kiến trúc, mái ngói, cửa, lan can, cột, hoa văn).

Tương tự, khu lớp học A, D và khu hội trường C không tháo dỡ, không thay đổi kết cấu công trình. Chấp thuận bỏ vách ngăn mở rộng lối vào chính của khối A, và một số vách ngăn trong của các khối D, A, F để phù hợp với công năng sử dụng và quy chuẩn như lớp học, phòng truyền thống, phòng họp hội đồng giáo viên. Hình thức kiến trúc các cửa đi, cửa sổ và các chi tiết kiến trúc bên ngoài phải đảm bảo đồng nhất với khối A khi cải tạo, sửa chữa. Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đề xuất chấp thuận cải tạo cổng và hàng rào theo nguyên trạng, nếu có phần xây dựng mới phải đảm bảo thống nhất về hình thức giữa phần xây dựng mới và phần tường rào hiện hữu; xây dựng sân, đường không làm thay đổi cao độ và diện tích hiện hữu; giữ nguyên cây xanh hiện hữu, trồng mới và thay thế một số cây để tăng thêm các mảng xanh và bóng mát trong khuôn viên trường.

Trường Lê Quý Đôn sẽ được cải tạo, nâng cấp, mở rộng một số hạng mục. Ảnh:LONG THANH

Trường Lê Quý Đôn sẽ được cải tạo, nâng cấp, mở rộng một số hạng mục.

Ảnh:LONG THANH

Theo tìm hiểu, Trường THPT Lê Quý Đôn được khởi công xây dựng năm 1874 và hoàn thành năm 1877 với tên gọi là Collège Chasseloup-Laubat. Đây là ngôi trường trung học đầu tiên của Sài Gòn. Trường dạy từ tiểu học đến tú tài (chương trình Pháp), chia làm 2 khu: Khu dành riêng học trò người Pháp (Quartier Européen) và khu dành cho học trò Việt có học thêm giờ Tiếng Việt (Quartier indigène). Tất cả đều học chương trình Pháp và thi tú tài Pháp. Năm 1958, trường đổi tên là Lycée Jean - Jacques Rousseau - là tên một nhà trí thức Pháp trong phong trào "Ánh Sáng" thế kỷ XVIII. Năm 1967, trường được trả cho người Việt Nam và đổi tên là Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Sau năm 1975, trường được đổi tên thành trường THPT Lê Quý Đôn.

Trải qua 140 năm tồn tại, khá nhiều hạng mục của ngôi trường đã xuống cấp trầm trọng và đơn vị xây dựng của Pháp cũng đã thông báo khu A hết niên hạn sử dụng. Từ sau khi VietinBank và các hộ dân trả lại khu đất 112 Nguyễn Thị Minh Khai, lãnh đạo TP đã có hướng cải tạo, mở rộng khuôn viên trường để phục vụ việc học tập của học sinh. Theo website của trường, đây là trường trung học sớm nhất của Nam bộ nên thu hút được nhiều học sinh ưu tú mà sau này nhiều người đã thành đạt và nổi tiếng như: GS. Trần Văn Giàu, nhà văn hóa Vương Hồng Sển, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (nguyên Bộ trưởng Bộ Y Tế), nhân sĩ Cao Triều Phát, Phan Văn Chương, GS. Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà (Trưởng ban Việt kiều Trung ương), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn...

Các tin khác