Mua KĐT Thanh Hà: Mường Thanh phải đàm phán lại

(ĐTTCO)-Cuối tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Mường Thanh đã bỏ ra 1.500 tỷ đồng mua lại 95% cổ phần CTCP Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land), nắm quyền sở hữu dự án Đô thị Thanh Hà. Đây là dự án hoàn vốn đường trục phía Nam Hà Nội (Hà Tây cũ) theo hình thức BT. Nhưng khi thương vụ mua bán doanh nghiệp dự án này được công bố, Cienco 5 với tư cách là nhà đầu tư dự án BT bất ngờ có văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), đề nghị rà soát lại quá trình triển khai dự án đường trục phía Nam Hà Nội và các dự án hoàn vốn, quá trình thay đổi và chuyển nhượng vốn điều lệ tại Cienco 5 Land.

(ĐTTCO)-Cuối tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Mường Thanh đã bỏ ra 1.500 tỷ đồng mua lại 95% cổ phần CTCP Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land), nắm quyền sở hữu dự án Đô thị Thanh Hà. Đây là dự án hoàn vốn đường trục phía Nam Hà Nội (Hà Tây cũ) theo hình thức BT. Nhưng khi thương vụ mua bán doanh nghiệp dự án này được công bố, Cienco 5 với tư cách là nhà đầu tư dự án BT bất ngờ có văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), đề nghị rà soát lại quá trình triển khai dự án đường trục phía Nam Hà Nội và các dự án hoàn vốn, quá trình thay đổi và chuyển nhượng vốn điều lệ tại Cienco 5 Land.

Cienco 5 phản pháo

Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Cienco 5 khẳng định là chủ thể duy nhất có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến dự án BT và các dự án liên quan, bất kỳ giao dịch nào được thực hiện không thông qua Cienco 5 đều vô hiệu. Trước đó, Cienco 5 đã tổ chức họp đại hội cổ đông (ĐHCĐ) và thông qua nghị quyết ĐHCĐ về giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thay đổi vốn điều lệ Cienco 5 Land và dự án đường trục phía Nam Hà Nội. Với lý do lo ngại thất thoát vốn nhà nước trong quá trình chuyển nhượng vốn điều lệ tại Cienco 5 Land, Cienco 5 đã hủy bỏ toàn bộ các nội dung ủy quyền mà hội đồng quản trị (HĐQT) Cienco 5 đã ủy quyền cho Cienco 5 Land liên quan tới dự án đường trục phía Nam Hà Nội và các dự án hoàn vốn như khu đô thị Thanh Hà, khu đô thị Mỹ Hưng.

 Một góc khu đô thị Thanh Hà đang xây dựng dở dang.

Một góc khu đô thị Thanh Hà đang xây dựng dở dang. 

Đồng thời, Cienco 5 gửi văn bản đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo tổng công ty, doanh nghiệp dự án rà soát lại toàn bộ tình hình triển khai thực hiện dự án BT và các dự án hoàn vốn, rà soát quá trình hoạt động của doanh nghiệp dự án, quá trình thay đổi và chuyển nhượng vốn điều lệ tại Cienco 5 Land. Cienco 5 cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cienco 5 Land dừng tất cả các vấn đề liên quan tới việc chuyển nhượng dự án, chuyển chủ đầu tư/nhà đầu tư đối với dự án BT và các dự án hoàn vốn, dừng việc thay đổi chuyển nhượng vốn điều lệ tại doanh nghiệp dự án.

Đáng lưu ý hơn, Cienco 5 đã  gửi Văn bản 646/TCT5 - HĐQT đến Cienco 5 Land về việc chấm dứt ủy quyền nhà đầu tư cho doanh nghiệp dự án kể từ ngày 25-4-2016. Trong văn bản này, Cienco 5 nhấn mạnh, tất cả các nội dung ủy quyền trước đây của Cienco 5 cho Cienco 5 Land liên quan đến dự án đường trục phía Nam Hà Nội và các dự án hoàn vốn khác được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào đều không còn hiệu lực và giá trị pháp lý. Cienco 5 là chủ thể duy nhất có toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến dự án BT và các dự án khác. Tất cả các vấn đề liên quan đến việc triển khai dự án BT và dự án hoàn vốn phải được sự chấp thuận của Cienco 5. Bất kỳ giao dịch nào được thực hiện không thông qua Cienco 5 đều được xem là vô hiệu.  Mọi thay đổi liên quan đến vấn đề quản lý, điều hành, vốn doanh nghiệp dự án đều phải được sự chấp thuận trước bằng văn bản của Cienco 5.

Rạn nứt lợi ích giữa mẹ và con

Mối quan hệ giữa Cienco 5 và Cienco 5 Land được bắt đầu từ năm 2007, Cienco 5 tham gia thành lập Cienco 5 Land theo hình thức công ty cổ phần. Khi đó, Cienco 5 nắm giữ 49% cổ phần (tương ứng 24,5 tỷ đồng) tại Cienco 5 Land. Mục đích thành lập Cienco 5 Land là để thực hiện dự án BT đường trục phía Nam Hà Nội. Tuy nhiên, đến năm 2015 tỷ lệ vốn của Cienco 5 Land đã tăng lên 600 tỷ đồng và tỷ lệ cổ phần Cienco 5 nắm giữ giảm xuống còn 3,3%. Việc không nắm cổ phần chi phối khiến Cienco 5 không kiểm soát được hoạt động chuyển nhượng cổ phần tại Cienco 5 Land. Đây là nguyên nhân dẫn đến những bất đồng giữa Cienco 5 và Cienco 5 Land thời gian qua.

Dường như lợi ích của Cienco 5 trong thương vụ mua bán doanh nghiệp dự án trên chưa được thỏa mãn. Bởi dù không kiểm soát về vốn, nhưng với vai trò là nhà đầu tư Cienco 5 vẫn có quyền và nghĩa vụ tại doanh nghiệp dự án. Theo hợp đồng BT 02/HĐBT và Phụ lục hợp đồng đã ký kết giữa Cienco 5 với Sở GTVT Hà Tây cũ và Sở GTVT Hà Nội sau này, doanh nghiệp dự án có nghĩa vụ thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng, hoàn toàn chịu trách nhiệm trước nhà đầu tư và phải liên đới cùng với nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước Bên A và pháp luật về các công việc do doanh nghiệp dự án thực hiện. Trong mọi trường hợp, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Bên A và pháp luật về công việc do Bên B nói chung và doanh nghiệp dự án nói riêng thực hiện hợp đồng này.

Điều này đồng nghĩa, với tư cách là nhà đầu tư ký kết hợp đồng, Cienco 5 có quyền chấm dứt hoạt động Cienco 5 Land và các dự án hoàn vốn theo quy định. Nếu trường hợp này xảy ra, thương vụ mua bán doanh nghiệp dự án của Tập đoàn Mường Thanh sẽ phát sinh nhiều rắc rối, muốn sở hữu Khu đô thị Thanh Hà tập đoàn này buộc phải ngồi lại đàm phán một lần nữa với Cienco 5.

Đô thị Thanh Hà nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội, gồm 2 khu Thanh Hà A, Thanh Hà B, quy mô diện tích 388ha. Theo quy hoạch, khu đô thị được xây dựng theo chuẩn đô thị sinh thái với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng. Nhưng theo người đại diện Tập đoàn Mường Thanh, sau khi mua lại dự án Đô thị Thanh Hà, sẽ triển khai xây dựng sản phẩm nhà giá rẻ ở tất cả các phân khúc chung cư, biệt thự, nhà liền kề. Những năm qua, Tập đoàn Mường Thanh từng rất thành công khi phát triển phân khúc nhà giá rẻ tại Hà Nội.

Các tin khác