Mở hướng cho quy hoạch treo

(ĐTTCO) - Ngoài việc được cấp giấy phép xây dựng (GPXD) có thời hạn cho công trình, nhà ở trong khu quy hoạch với quy mô không quá 3 tầng có thời hạn.
UBND TP cũng chấp thuận giao UBND các quận-huyện chủ động giải quyết cho các cá nhân, tổ chức được xây dựng các công trình phục vụ sinh hoạt cộng đồng ngoài trời và các công trình phụ trợ với quy mô 1 tầng trên đất trống không còn phù hợp với quy hoạch.
Cấp phép theo quy hoạch 1/500
 Chủ tịch UBND các quận-huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TPHCM về việc đảm bảo việc sử dụng đất hợp lý, không phát sinh các loại nhà hàng, ăn uống, kho, xưởng sản xuất và các loại hình kinh doanh khác không đúng chủ trương của TP.
Ông Trần Trọng Tuấn,
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM
Triển khai Quyết định 26/2017 (QĐ 26) của UBND TPHCM quy định về cấp giấy phép xây dựng (GPXD) có thời hạn, Sở Xây dựng TP cho biết nhà ở thuộc khu vực đã quy hoạch phân khu 1/2.000 được duyệt nhưng quy hoạch chưa thực hiện, chưa có quyết định thu hồi đất sẽ được cấp GPXD có thời hạn theo mục đích sử dụng trước đó. Quy mô công trình có thời hạn không quá 3 tầng.
Tuy nhiên, tại hội nghị triển khai các quyết định của UBND TPHCM, các quận-huyện cho biết trước đây đều căn cứ vào quy hoạch phân khu 1/2.000 để cấp GPXD, trong đó đất ở thuộc quy hoạch khu dân cư mới, quy hoạch đất ở hỗn hợp có nơi cấp GPXD chính thức, có nơi cấp GPXD có thời hạn, có nơi không cấp GPXD.
Ngoài ra, QĐ 26 chỉ quy định cấp GPXD có thời hạn đối với nhà, đất đã có quy hoạch phân khu 1/2.000, trong khi đó một số huyện như Bình Chánh, Củ Chi hiện có rất nhiều khu vực chỉ có quy hoạch phân khu 1/5.000 và một số quận như Bình Tân, Gò Vấp có các khu đất nằm trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới có được cấp GPXD có thời hạn hay không?
Ông Tống Đức Tiến, Trưởng phòng Cấp phép (Sở Xây dựng), cho biết những khu vực có quy hoạch phân khu 1/5.000, quy hoạch xây dựng nông thôn mới được coi như là quy hoạch phân khu nên các quận- huyện xem xét cấp GPXD có thời hạn cho người dân theo quy định tại QĐ 26. Đại diện quận Gò Vấp cho biết, theo QĐ 27/2014 trước đây, nhà, đất nằm trong khu quy hoạch đất ở hỗn hợp quận cấp GPXD chính thức như đất ở hiện hữu. Tuy nhiên QĐ 26 (thay thế QĐ 27/2014) lại không đề cập đến việc cấp GPXD có thời hạn hay chính thức nên đề nghị sở thống nhất để các quận cùng thực hiện. Ông Tống Đức Tiến,  cho biết nhà ở muốn được cấp GPXD chính thức phải có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc đô thị, quy chế quản lý quy hoạch để xem xét. Điều này đã được quy định rõ trong Luật Xây dựng. Như vậy, nhà nằm trong khu quy hoạch là đất hỗn hợp, nếu có quy hoạch chi tiết 1/500 quy định rõ khu vực nào là nhà ở, khu vực nào là thương mại, khu vực nào là cây xanh… thì được xem xét cấp GPXD chính thức. Còn quy hoạch đất ở hỗn hợp nhưng chỉ mới có quy hoạch phân khu 1/2.000 chỉ cấp GPXD có thời hạn.  Theo ông Tiến, hiện nay có rất nhiều trường hợp nhà ở lách luật như một khu đất chỉ xin GPXD một nhà, sau đó tách ra nhiều căn (nhà 3 chung) là do các quận-huyện chưa đẩy mạnh việc phủ kín quy hoạch chi tiết 1/500. Hiện quy định pháp luật đã giao cho các quận-huyện toàn quyền trong việc lập, duyệt quy hoạch 1/500 và các quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch, thiết kế đô thị nên địa phương cần nhanh chóng thực hiện. “Một khi quy hoạch rõ ràng và minh bạch, việc cấp GPXD sẽ dễ dàng hơn cho cả cơ quan quản lý và người dân” - ông Tiến nói. 
Mở hướng cho quy hoạch treo ảnh 1 Một khu đất hoang hóa vì quy hoạch treo tại quận 2 TPHCM. Ảnh: MINH TUẤN 
Linh động công trình cộng đồng
UBND TP đã có Văn bản 3818 ngày 20-6-2017 giải quyết việc xây dựng trên đất trống không phù hợp với quy hoạch cho người dân. Cụ thể, TP giao cho UBND các quận-huyện căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để giải quyết cho các cá nhân, tổ chức sử dụng đất được xây dựng các công trình nhằm phục vụ sinh hoạt cộng đồng ngoài trời, không có mái che (sân thể thao, sân chơi, lắp đặt các thiết bị phục vụ thể thao) và các công trình phụ trợ (nhà vệ sinh, căn tin, phòng thay đồ) với quy mô 1 tầng, mật độ xây dựng không quá 5% trên diện tích khu đất trống, không vi phạm hành lang an toàn kênh rạch, hành lang an toàn đường bộ, hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải cam kết tháo dỡ không điều kiện khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện theo quy hoạch.  Lý giải tại sao không đưa nội dung trên vào QĐ 26, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết Luật Xây dựng quy định UBND cấp tỉnh chỉ được quy định quy mô cấp GPXD có thời hạn. Trong khi đó trên thực tế, người dân tại TPHCM vẫn có nhu cầu được xây dựng một số công trình nhằm phục vụ sinh hoạt trên các khu đất trống, nên sở đã tham mưu để TP ban hành quy định trên nhằm đáp ứng nhu cầu cũng như đảm bảo quyền lợi của người dân.
“Các công trình trên không phải cấp GPXD có thời hạn mà quận-huyện căn cứ vào Văn bản 3818 của UBND TP để có giải quyết cho người dân” - ông Tuấn nhấn mạnh. 

Liên quan đến quy định này, đại diện Phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh băn khoăn: Hiện nay trên địa bàn huyện có những khu đất 2ha, nếu người dân xin xây dựng căn tin hoặc sân thể thao không mái che với mật độ 5% thì công trình này sẽ lên đến 1.000m2.
Trả lời thắc mắc này, ông Tống Đức Tiến cho rằng, TP quy định mật độ xây dựng không quá 5% chứ không phải công trình nào cũng được xây dựng 5%, mà UBND quận-huyện cần cân nhắc để cho phép xây dựng phù hợp với nhu cầu thực tế. Ông Trần Trọng Tuấn cũng nói thêm, TP ban hành văn bản này nhằm linh hoạt và tạo điều kiện tối đa để người dân được xây dựng khi bị vướng các dự án treo. 

Các tin khác