“Mở cửa” cấp phép xây dựng tạm

Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Xây dựng TP có trách nhiệm ban hành quyết định quy định một số nội dung về cấp phép xây dựng (CPXD) tạm nhằm giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân lâu nay “sống treo” tại các khu quy hoạch “treo”.

Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Xây dựng TP có trách nhiệm ban hành quyết định quy định một số nội dung về cấp phép xây dựng (CPXD) tạm nhằm giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân lâu nay “sống treo” tại các khu quy hoạch “treo”.

Tạm ngưng dân vẫn yên tâm

Trong cuộc họp mới đây của UBND TPHCM với Sở Xây dựng về CPXD tạm cho các loại đất đang vướng quy hoạch, gồm nhà nằm trong lộ giới (lộ giới hoặc quy hoạch các tuyến đường, hẻm hiện hữu trong đô thị  đã được phê duyệt và công bố quy hoạch) nhưng chưa có quyết định thu hồi đất để thực hiện quy hoạch; nhà nằm trong quy hoạch và không phù hợp quy hoạch, nhưng TP hoặc quận, huyện chưa có kế hoạch triển khai quy hoạch; nhà trên đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư.

Đây là nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm giải quyết những bức xúc người dân liên quan đến dự án treo, quy hoạch treo hiện nay.

Theo quy định 5 năm phải rà soát quy hoạch, xem lại những cái nào làm được, chưa làm, khó khăn ở đâu, tiếp tục làm hay phải xóa quy hoạch… Nhưng trong các đồ án quy hoạch hiện nay chưa nêu cụ thể thời gian, kế hoạch, nguồn lực thực hiện… khiến người dân sống trong cảnh bất an.

Ông Nguyễn Thanh Toàn,
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM

Theo ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư, xây dựng không bị ách tắc và đảm bảo quyền lợi hợp pháp về xây dựng, sửa chữa nhà ở riêng lẻ của người dân, sở đã trình dự thảo quyết định một số nội dung về CPXD tạm lên UBND TP.

Theo đó quy mô công trình được CPXD tạm không quá 3 tầng. Đối với nhà ở riêng lẻ có một phần hoặc toàn bộ diện tích nằm trong phạm vi quy hoạch lộ giới nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, được xét CPXD tạm nhưng phải hài hòa với cảnh quan kiến trúc theo quy định của UBND quận, huyện.

Để thực hiện, UBND quận, huyện phải lập, phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc đô thị làm điều kiện để căn cứ cấp CPXD tạm; căn cứ khoảng thời gian công bố của quy hoạch chi tiết 1/2.000 để xác định thời hạn thực hiện lập, phê duyệt quy hoạch 1/500, làm cơ sở quy định thời hạn tồn tại của công trình được cấp phép.

Các trường hợp này, trong vòng 5 năm cơ quan chức năng chưa có kế hoạch thực hiện quy hoạch, thì sau 5 năm nếu thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phải đền bù cho người dân.

Thực tế nhiều năm qua, để giải quyết một số bất cập do quy hoạch không khả thi, người dân đã được cấp phép xây nhà tạm không quá 3 tầng trong phạm vi quy hoạch lộ giới các tuyến đường, hẻm chưa có kế hoạch thực hiện. Sau thời hạn 5 năm, Nhà nước tiến hành đầu tư xây dựng, chủ nhà phải tự tháo dỡ không điều kiện.

Tuy nhiên, chính điều này đang gây bất an cho người dân. Vì vậy, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành nghiên cứu thêm để giải quyết quyền lợi cho người dân nằm trong quy hoạch không khả thi, đặc biệt là những tuyến đường dự phóng lộ giới.

Thận trọng CPXD tạm trên đất lúa

Trong các loại đất vướng quy hoạch nằm trong diện xét CPXD tạm lần này, nội dung cấp phép trên đất nông nghiệp được người dân đặc biệt quan tâm. Bởi thực tế, đất khi vướng quy hoạch treo (công viên cây xanh, công trình công cộng…), đất nông nghiệp bị để hoang hóa, không canh tác, không thể chuyển mục đích sang đất ở.

Nhiều chuyên gia cho rằng đất lúa và đất rừng tại các quận, huyện vùng ven TPHCM (quận 12, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn…) không nên cho xây dựng nhà ở tràn lan. Ngoài ra, việc CPXD tạm trên đất nông nghiệp nếu không quản lý chặt sẽ gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Bởi khi đất nông nghiệp được xây nhà tạm, với nhu cầu bức thiết về nhà ở, đặc biệt là trong bối cảnh giá nhà đất còn cao, người dân sẽ xây nhà ồ ạt. Trong khi đó những khu vực này chưa có hạ tầng giao thông, điện, nước… nên chất lượng cuộc sống không đảm bảo.

Ông Trần Bình Yên (số 3/5 đường Nguyễn Văn Linh, ấp 2A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) trước ngôi nhà đã rách nát nhưng không được sửa sang, chuyển nhượng vì nằm trong quy hoạch treo. Ảnh: M.TUẤN

Ông Trần Bình Yên (số 3/5 đường Nguyễn Văn Linh, ấp 2A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh)
trước ngôi nhà đã rách nát nhưng không được sửa sang,
chuyển nhượng vì nằm trong quy hoạch treo. Ảnh: M.TUẤN

Theo Sở Xây dựng, CPXD tạm trên đất nông nghiệp vướng quy hoạch là không có cơ sở pháp lý vì luật quy định đất phải sử dụng đúng mục đích. Sở Xây dựng cũng lưu ý nếu cho phép đất nông nghiệp vướng quy hoạch được xây dựng tạm, cần giới hạn tầng cao công trình và chỉ cho xây khi đất đã có sẵn nhà.

Trao đổi với ĐTTC, ông Trà Đức An, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 10, cho biết nếu dự thảo của Sở Xây dựng được UBND TP thông qua, Quyết định 68 của UBND TP quy định về CPXD và quản lý xây dựng theo giấy phép trên địa bàn TPHCM sẽ không còn hiệu lực. Vì vậy hồ sơ đề nghị CPXD thuộc diện vướng quy hoạch phải chờ Sở Xây dựng TP ban hành quyết định thay thế.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp bức xúc về chỗ ở (nhà đất bị vướng quy hoạch dự án công trình công cộng, đường dự phóng…), UBND quận 10 đã kiến nghị TP, Sở Xây dựng và các ban, ngành liên quan cho cấp phép theo Quyết định 68.

Những đối tượng vướng quy hoạch khác phải chờ quyết định mới hoặc có văn bản hướng dẫn của TP. Đến nay những trường hợp nhà đất vướng quy hoạch, lộ giới, căn cứ vào Quyết định 68, quận đã cơ bản giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân, số lượng hồ sơ tồn đọng không nhiều.

Các tin khác