M&A vẫn âm thầm diễn ra

(ĐTTCO) - Không sôi động như trong năm 2015, nhưng hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) dự án BĐS tại TPHCM trong thời gian qua vẫn ghi nhận hàng loạt thương vụ thành công, giá trị giao dịch lên đến hàng trăm triệu USD.

(ĐTTCO) - Không sôi động như trong năm 2015, nhưng hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) dự án BĐS tại TPHCM trong thời gian qua vẫn ghi nhận hàng loạt thương vụ thành công, giá trị giao dịch lên đến hàng trăm triệu USD.

Đơn vị nghiên cứu độc lập Jones Lang LaSalle (JLL) cho biết hoạt động M&A BĐS quý III-2016 được ghi nhận ở 3 giao dịch đáng chú ý: CapitaLand tại TPHCM và VinaCapital, Mitsubushi tại Hà Nội. Trong 3 thương vụ này, đáng chú ý nhất là CapitaLand Holdings đã chi gần 52 triệu USD để thâu tóm toàn bộ dự án khu vực phường Cầu Kho (quận 1, TPHCM) có diện tích 0,5ha. Sau khi mua lại, CapitaLand sẽ tiếp tục phát triển dự án để cung cấp ra thị trường căn hộ bán và căn hộ dịch vụ cho thuê.

Tuy không có thương vụ thâu tóm của doanh nghiệp nội nào được nhắc đến, nhưng qua ghi nhận một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh và uy tín vẫn đang tích cực gia tăng số lượng dự án thông qua hoạt động này. Mới đây, Tập đoàn Novaland đã âm thầm thâu tóm hàng loạt khu đất lớn để phát triển sản phẩm đa dạng hơn như biệt thự, nhà vườn, nhà phố thương mại. Tại quận 8, Novaland hiện đã mua lại dự án Cảng sông Phú Định từ CTCP Cảng Phú Định để chuyển đổi thành khu đô thị Harbor City. Dự án này có quy mô khoảng 50ha, gồm 1.325 căn nhà phố, biệt thự và dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào đầu năm 2017. Trước đó tại quận 2, Novaland cũng đã mua lại khu đất dự án Thế kỷ 21 khi Quỹ VOF và Vinaland của VinaCapital. Dự án Thế kỷ 21 có diện tích lên đến 30ha, là một phần trong tổng thể khu dân cư rộng 90ha ở Nam Rạch Chiếc, phần còn lại (60ha) do Công ty Nam Rạch Chiếc và UBND quận 2 nắm giữ. Sau khi thâu tóm, Novaland đã đổi tên dự án thành Lakeview City, đồng thời chuyển đổi chung cư cao cấp thành loại hình nhà phố, biệt thự thấp tầng.

Từ một công ty thuần túy về môi giới, vài năm trở lại đây Hưng Thịnh được biết đến như một doanh nghiệp mua lại dự án BĐS năng nổ. Số lượng quỹ đất, dự án Hưng Thịnh nhận chuyển nhượng trong thời gian gần đây trên dưới 20 dự án ở những vị trí đắc địa tại khu vực Nam, khu Đông và khu Tây TP. Nhờ tích lũy quỹ đất sạch, pháp lý hoàn chỉnh, việc triển khai xây dựng, bán hàng của Hưng Thịnh rất nhanh chóng. Tại khu Đông với 3 dự án Lavita Garden, 9 View, Moonlight City, khu Nam có dự án Florita, Saigon Mia. Trong quý IV-2016, dự kiến Hưng Thịnh sẽ tiếp tục tung ra 2 dự án tại khu Đông và khu Tây.

Khách hàng tham quan dự án của Novaland. Ảnh: LONG THANH

Khách hàng tham quan dự án của Novaland. Ảnh: LONG THANH

Theo một chuyên gia BĐS, trên địa bàn TPHCM còn hơn 500 dự án BĐS đang ngưng triển khai do nhiều vấn đề về thiếu vốn, đền bù giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, từ đầu năm TP công bố đấu giá 23 lô “đất vàng” thuộc sở hữu nhà nước tại các quận/huyện 1, 5, 7, Bình Chánh và Thủ Đức. Tổng diện tích của những dự án này lên đến 137.700m2, phần lớn nằm ở vị trí đắc địa, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư. Với số lượng dự án cần rao bán phong phú và đa dạng như vậy, dự báo hoạt động M&A trong lĩnh vực BĐS trong thời gian tới sẽ hết sức sôi động.

Ông Phan Lê Hòa, Giám đốc thị trường vốn và quan hệ đầu tư của Novaland, cho biết từ tháng 7-2015 đến nay Novaland đã làm việc với khá nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, Singapore, Nhật Bản, Hồng Công, Thái Lan... Tính đến nay, Novaland đã huy động thêm hơn 60 triệu USD từ 2 nhà đầu tư đến từ Thụy Sĩ và Hồng Công. Với đà này, cộng với việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ sắp tới, mục tiêu đạt được con số 200 triệu USD là rất khả thi. “Chúng tôi tự tin với nguồn vốn mới này Novaland sẽ đủ tiềm lực tài chính để tiếp tục đầu tư vào các dự án, tiến hành M&A dự án BĐS trên thị trường; nguồn vốn này cũng sẽ giúp chúng tôi lành mạnh hóa cơ cấu tài chính, trích lập dự phòng, giảm nợ vay” - ông Hòa nói.

Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, chia sẻ hoạt động M&A các dự án BĐS sẽ góp phần thanh lọc và giải quyết được những ung nhọt trên thị trường. Những doanh nghiệp yếu kém sẽ phải chuyển giao cho doanh nghiệp mạnh để tái khởi động dự án, cơ cấu lại sản phẩm, giá thành sát với nhu cầu thực của thị trường.

Các tin khác