Luật hở, cơ quan chức năng bó tay

(ĐTTCO) - Thời gian qua, cơ quan chức năng TPHCM làm đủ mọi cách (từ việc cắm biển cấm dừng đậu theo giờ đến tuần tra, xử phạt) để dẹp các bến xe trá hình đón trả khách trên nhiều tuyến đường cửa ngõ TP. Thế nhưng, tất cả đều không làm tình hình khả quan hơn mà trái lại nhiều bến lậu vẫn sống khỏe, trong khi luật quy định còn nhiều sơ hở để các doanh nghiệp vận tải hành khách (DNVTHK) lợi dụng.

(ĐTTCO) - Thời gian qua, cơ quan chức năng TPHCM làm đủ mọi cách (từ việc cắm biển cấm dừng đậu theo giờ đến tuần tra, xử phạt) để dẹp các bến xe trá hình đón trả khách trên nhiều tuyến đường cửa ngõ TP. Thế nhưng, tất cả đều không làm tình hình khả quan hơn mà trái lại nhiều bến lậu vẫn sống khỏe, trong khi luật quy định còn nhiều sơ hở để các doanh nghiệp vận tải hành khách (DNVTHK) lợi dụng.

Bến lậu hoành hành

Mặc dù Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) TPHCM triển khai cắm biển cấm tất cả phương tiện ô tô trên 9 chỗ không được phép đỗ, dừng đón khách trên tuyến đường Mai Chí Thọ (quận 2) vào khung giờ cao điểm, nhưng tình trạng đậu đón khách nơi đây vẫn diễn ra công khai. Thậm chí, tại điểm đầu hầm vượt sông Sài Gòn (phía quận 2) con đường kết nối trong khu đô thị mới Thủ Thiêm đang dần hình thành, đã bị một số nhà xe như Toàn Thắng, Hoa Mai, Thiên Phú (chạy tuyến Bà Rịa - Vũng Tàu - TPHCM và ngược lại) biến thành “bến xe cóc” khi cho xe đậu hàng giờ để đưa đón khách, gây mất trật tự, an toàn giao thông. Điều đáng nói, dù địa điểm này không hề được cấp phép làm bãi đậu xe nhưng không hiểu sao lực lượng chức năng vẫn để nó ngang nhiên hoạt động. Tương tự, tại địa chỉ số 24B đường Nguyễn Thị Định (quận 2) mới mọc lên một “bến cóc” hàng ngày cũng có hàng chục chuyến xe của hãng xe Hoa Mai vô tư ra vào đón trả khách, ảnh hưởng không nhỏ đến người dân khi đi qua khu vực này.

Tại địa chỉ số 419 Lê Hồng Phong (có 1 cổng ra vào tại địa chỉ số 1 Vĩnh Viễn, phường 2, quận 10), theo ghi nhận thực tế, hàng ngày cũng có hàng chục chuyến xe của hãng xe Thành Bưởi ra vào đậu đón khách khu vực này. Điều đáng nói, đây là khu đất được hãng xe Thành Bưởi thuê và được cấp phép chỉ với chức năng là đậu xe, tuy nhiên, hãng xe Thành Bưởi biến thành nơi đưa đón hành khách ngay trong khu đất này. Chưa hết, tại khu vực gần cầu Bình Triệu (quận Thủ Đức), một bến xe tự phát của hãng xe Hoàng Long cũng mọc lên ngay Quốc lộ 13 hướng ra ngoại thành để đón khách trái quy định. Đáng nói hơn, nhiều năm nay, tại địa điểm số 391 và 397 đường Đinh Bộ Lĩnh (đối diện Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh), dù chỉ được cấp phép với chức năng giữ xe ô tô, nhưng tại 2 nơi này thường xuyên diễn ra hoạt động đưa rước khách. Hàng ngày, tại đây có đến hàng trăm lượt xe khách liên tỉnh ầm ầm ra vào đón trả khách, chủ yếu ở khu vực Tây nguyên, miền Trung và miền Bắc. Thực tế, chính quyền địa phương và sở, ngành liên quan đã nhiều lần lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý, nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc cưỡng chế các khu đất tự ý cơi nới. Trong khi việc xử lý về hành vi đón trả khách sai quy định cơ quan chức năng dường như vẫn bó tay.

Kẽ hở trong quy định

Nói về thực trạng trên, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết hiện trong nội đô đang tồn tại 2 hình thức vận tải hành khách (VTHK), gồm xe chạy tuyến cố định và xe du lịch. Theo quy định của Nghị định 86, khi xe chở khách phải có hợp đồng và ghi rõ các điểm xe được quyền đón trả khách. Đồng thời, các đơn vị này phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước là Sở GTVT hợp đồng đó. Như vậy, xét về luật, 2 hình thức này đều được phép đón trả khách theo đúng cam kết ghi trong hợp đồng. Tuy nhiên, khi chúng tôi nêu thắc mắc về tình trạng xe hợp đồng lữ hành du lịch và xe khách tuyến cố định thường lợi dụng vin theo hợp đồng để đón trả khách tại một vị trí cố định, liệu về lâu dài vị trí này sẽ mặc nhiên biến thành “bến cóc” trái phép, ông Minh thừa nhận nhiều quy định trong luật hiện nay vẫn có nhiều kẽ hở, từ đó các doanh nghiệp VTHK thường lợi dụng để thực hiện. Vì vậy, Sở GTVT TP đang cùng các doanh nghiệp VTHK, Bộ GTVT… nghiên cứu, sửa đổi một số điểm bất cập trong quy định cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Các hãng xe lớn chạy tuyến TPHCM đi các tỉnh lân cận vẫn vô tư đón trả khách tại các tuyến đường cấm ở trung tâm TP.

Các hãng xe lớn chạy tuyến TPHCM đi các tỉnh lân cận
vẫn vô tư đón trả khách tại các tuyến đường cấm ở trung tâm TP.

Theo Thanh tra Sở GTVT, hiện trên địa bàn TP có 57 đơn vị vận tải tham gia khai thác 200 tuyến vận tải hành khách với hơn 2.000 xe hoạt động. Trong đó, nhiều nhà xe ngoại tỉnh vào TP có 2-3 phù hiệu để vừa chạy tuyến cố định vừa chạy hợp đồng, nên lực lượng thanh tra giao thông rất khó xử lý. Cụ thể, khi xe chạy vào nội thành lại dán phù hiệu hợp đồng để đối phó với lực lượng chức năng, còn khi ra TP lại dán phù hiệu tuyến cố định. Việc cấp phù hiệu này đều được cơ quan chức năng các tỉnh cấp theo quy định, nhưng các DNVT thường lợi dụng kẽ hở quy định để lách luật.

Để chấn chỉnh kịp thời những bất cập trên, UBND TPHCM đã có Văn bản 5386/UBND-ĐT do Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa ký và gửi đến các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn, yêu cầu kiên quyết xóa bỏ và không để tái diễn tình trạng xe dù, xe khách trá hình. Cụ thể, UBND TP giao Giám đốc Sở GTVT chỉ đạo Chánh thanh tra sở chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng thuộc quận, huyện có liên quan khẩn trương kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe không theo quy hoạch hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo Điều 14, Nghị định 46/2016/NĐ-CP; yêu cầu tập trung chấn chỉnh và làm chuyển biến ngay tình hình.

Các tin khác