Luật Đất đai (sửa đổi): Cơ quan cũng thuê đất, trả tiền

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội hôm qua (31-10), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang (ảnh) cho biết Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ không giải quyết được hết những tồn tại, nhưng việc thu hồi, sử dụng đất sẽ hiệu quả hơn, giảm khiếu kiện, tham nhũng.

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội hôm qua (31-10), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang (ảnh) cho biết Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ không giải quyết được hết những tồn tại, nhưng việc thu hồi, sử dụng đất sẽ hiệu quả hơn, giảm khiếu kiện, tham nhũng.

PHÓNG VIÊN: -  Thưa Bộ trưởng, trong dự thảo có nhiều ý kiến thắc mắc tại sao chúng ta không thực hiện việc thu mua trưng dụng?

-

Bộ trưởng NGUYỄN MINH QUANG: - Tôi có báo cáo với Tổng Bí thư là Hiến pháp có quy định trưng dụng đất đai khi Nhà nước có nhu cầu nhằm phục vụ chiến tranh… Nhưng sau này chúng ta xây dựng Luật lại liên quan tới thu hồi đất.

Đây là khác biệt mang tính lịch sử giữa Hiến pháp và Luật. Nhưng tôi nghĩ, vấn đề trưng mua không đơn giản cho các nhu cầu về quốc phòng, an ninh, công cộng vì rất khó. Nếu đất của chúng ta tư nhân hóa sẽ khác.

Ở một số nước như Nhật Bản, Italia, khi đã tư nhân hóa, việc sử dụng đất vào công trình công cộng rất khó khăn. Vì khi mua lại họ không bán, Nhà nước không thể làm gì được.

Chẳng hạn, ở Italia khi làm đường sắt cao tốc qua một số vùng, dân kéo lên thủ đô kiện. Trong điều kiện nước ta đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nếu vấn đề đất đai không được xử lý thì rất khó khăn. Đất đai có nhiều lịch sử rất phức tạp chứ không đơn giản.

- Nếu vậy có thể đề nghị sửa nội dung về đất đai trong Hiến pháp không?

- Điều này phải bàn xem cách làm thế nào để Luật phải phù hợp với Hiến pháp. Còn bây giờ chính sách về đất đai là “thu hồi” nghe hơi nặng nề, nên điều quan trọng là giải quyết chính sách thế nào cho thỏa đáng.

Vì trong thời gian qua chúng ta thu hồi đất của nông dân để công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhưng còn nhiều vấn đề xã hội đặt ra. Chẳng hạn, nhiều diện tích thu hồi nhưng không sử dụng, trong khi người dân không có đất trồng. Cần phải xử lý vấn đề này.

- Bộ trưởng có lo ngại Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch của cấp huyện dẫn tới việc thu hồi tràn lan? Việc phân định ranh giới dự án công cộng, dự án kinh doanh như thế nào? Có giải pháp nào để tránh tình trạng kéo dài khiếu kiện như hiện nay không?

- Đất đai liên quan đến tỉnh, huyện đều là đất nông nghiệp cả. Hiện đã có Nghị định 42 quy định việc sử dụng đất nông nghiệp, đất lúa đều phải thông qua Chính phủ. Địa phương không được phép làm, khi anh muốn sử dụng đất lúa phải xin phép. Đối với phân định ranh giới giữa dự án công cộng và kinh doanh, chúng ta sẽ có quy định cụ thể danh mục.

Sau này trong nghị định Chính phủ sẽ đề cập, chứ trong Luật quy định thì không thể nói hết được, như thế nào là dự án về kinh tế (trong đó có kinh tế lớn, kinh tế nhỏ như thế nào). Về khiếu kiện, người dân kiện chủ yếu là về giá khi tiến hành giải phóng mặt bằng.

Trước đây chúng ta có cơ chế tự thỏa thuận nên có sự chênh lệch giữa tự thỏa thuận. Nếu chúng ta xử lý được vấn đề đấy tôi cho rằng mọi việc sẽ ổn.

- Thưa Bộ trưởng, trong các văn bản thu hồi đất vẫn luôn luôn có câu khẩu hiệu “không để người dân bị ảnh hưởng, có nơi ở ổn định, cuộc sống tốt hơn”. Nhưng thực tế nhiều khi khác. Giải pháp cho vấn đề này như thế nào?

- Quả thực chúng ta có khẩu hiệu đó và đấy là mong muốn của chúng ta, mong muốn của Nhà nước. Nhưng thực tế, chúng ta phải có trách nhiệm với người dân vì họ phải rời bỏ mảnh đất mình đã gắn bó, trách nhiệm đó phải được thể hiện trong những người thực thi công vụ, đặc biệt là chính sách.

Cách duy nhất là phải tính toán lại giá đất, chẳng hạn giá 1m2 đất ruộng chỉ vài ngàn đồng là không còn phù hợp. Đáng lưu ý, giá đất hiện nay ở nước ta do đầu cơ nên đã bị đẩy lên quá cao, không phải là giá thực. Trước đây chúng ta nói đến phải sát giá thị trường nhưng không hề đơn giản chút nào.

Thế nào là sát giá thị trường, trong trường hợp nào thì áp dụng giá thị trường? Ở đây chúng ta chỉ nói lấy giá thị trường để tham khảo thì được chứ nói áp dụng sát giá thì không thể được.

Về nguyên tắc, đất phải được sử dụng hiệu quả hơn. Chúng ta không nên để đất trống như hiện nay, điều này phải xử lý dứt khoát. Thứ hai, làm thế nào để đảm bảo bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân tốt hơn; phải hài hòa được 3 lợi ích: lợi ích của người có đất, của Nhà nước và của doanh nghiệp; giảm khiếu kiện, giảm tham nhũng...

Luật sửa đổi lần này phải giải quyết được những yêu cầu đó. Tất nhiên chúng ta không thể nói là giải quyết được tất cả khi Luật Đất đai sửa đổi ban hành. Có nhiều người nói giờ chúng ta tư nhân hóa là xong hết, nhưng như vậy sẽ không còn gì phải bàn nữa bởi đất của ai người ta giữ khư khư thì chúng ta cũng không làm gì được.

- Hiện nay tài sản đất công để hoang hóa rất lãng phí, chúng ta có biện pháp nào để xử lý không?

- Có nhiều loại đất, đất công cộng, đất được phân cho cơ quan, tới đây sẽ quy định là phải cho thuê hoặc kiểm tra thu hồi. Chúng tôi đang đề nghị các cơ quan cũng phải thuê đất, không thể giao không mà không thu tiền là rất tùy tiện.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Các tin khác