Lãng phí đầu tư nhà ở sinh viên (B1): Đìu hiu các dự án

(ĐTTCO) - Trong giai đoạn 2011-2013 cả nước có 95 dự án nhà ở cho sinh viên (SV) được xây dựng, kỳ vọng đáp ứng chỗ ở cho 330.000 SV. Nguồn vốn đầu tư từ trái phiếu chính phủ khoảng 13.000 tỷ đồng, còn lại được huy động từ ngân sách địa phương; giá trị quỹ đất tại các địa phương lên đến 10.000 tỷ đồng. Nhưng những bất cập trong công tác dự báo nhu cầu nhà ở, quy hoạch, lựa chọn địa điểm xây dựng không tiện ích cho sinh hoạt… đã đẩy nhiều dự án có quy mô từ chục tỷ, đến trăm tỷ, thậm chí ngàn tỷ đồng rơi vào tình trạng bỏ hoang, dang dở…

(ĐTTCO) - Trong giai đoạn 2011-2013 cả nước có 95 dự án nhà ở cho sinh viên (SV) được xây dựng, kỳ vọng đáp ứng chỗ ở cho 330.000 SV. Nguồn vốn đầu tư từ trái phiếu chính phủ khoảng 13.000 tỷ đồng, còn lại được huy động từ ngân sách địa phương; giá trị quỹ đất tại các địa phương lên đến 10.000 tỷ đồng. Nhưng những bất cập trong công tác dự báo nhu cầu nhà ở, quy hoạch, lựa chọn địa điểm xây dựng không tiện ích cho sinh hoạt… đã đẩy nhiều dự án có quy mô từ chục tỷ, đến trăm tỷ, thậm chí ngàn tỷ đồng rơi vào tình trạng bỏ hoang, dang dở…

Khu nhà ngàn tỷ đồng vắng vẻ

Tại Hà Nội, 1 trong 2 trung tâm tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng nhất cả nước có đại dự án khu nhà ở cho SV Pháp Vân - Tứ Hiệp, vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng, quy mô xây dựng gồm 6 tòa nhà cao 19 tầng, với hơn 1.400 phòng, cung cấp nhu cầu nhà ở cho khoảng 10.800 SV. So với những ký túc xá cũ của nhiều trường đại học lớn quanh khu vực Pháp Vân, như Trường Đại học Xây dựng, Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế quốc dân… cơ sở vật chất tại khu nhà ở SV này vượt trội về nhiều mặt.

Thực trạng SV không mặn mà đến ở cho thấy sự bất hợp lý và thiếu hiệu quả của đại dự án khu nhà ở SV Pháp Vân - Tứ Hiệp, do Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng các công trình từ nguồn vốn ngân sách (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội) làm chủ đầu tư. Dù đây được coi là một trong những dự án nhà ở SV tập trung lớn nhất cả nước hiện nay.

Có thang máy di chuyển lên các tầng, hành lang đi lại rộng, có không gian sinh hoạt, học tập chung, có phòng tắm nóng lạnh. Thế nhưng hàng chục ngàn SV đang học tập quanh khu vực Pháp Vân lại không lựa chọn khu nhà ở này. Nguyên nhân chính do khu nhà ở này nằm cách khá xa các trường đại học, thiếu xe buýt đi lại, thiếu thư viện học tập, không tiện ích cho sinh hoạt, học tập hàng ngày của SV.

Theo thiết kế ban đầu, tầng 1 của các đơn nguyên bố trí phòng trực quản lý SV, phòng kỹ thuật điện, phòng y tế, cửa hàng thuốc, khu dịch vụ thương mại tổng hợp với các bếp ăn tập thể, quầy giải khát, bưu điện, tín dụng, bách hóa văn phòng phẩm, quầy sách báo thể thao… Tuy nhiên do có quá ít SV đến ở nên các dịch vụ tầng 1 hầu như chưa có gì. Có mặt tại tòa nhà A1 Pháp Vân - Tứ Hiệp, chúng tôi chứng kiến chỉ có vài SV của các trường Đại học Mở, Kinh tế, Bách Khoa đến đăng ký thuê nhà, dù giá thuê nhà khá rẻ, chỉ 205.000 đồng/SV/tháng áp dụng với phòng ở 8 người, 400.000 đồng/SV/tháng áp dụng với phòng ở 4 người. Theo chị Linh, một cán bộ tiếp nhận SV vào thuê nhà, nếu SV có nhu cầu riêng có thể thuê riêng 1 phòng với giá 1.600.000 đồng/tháng. Khi  ký hợp đồng thuê nhà với ban quản lý, SV phải thanh toán đầy đủ tiền thuê nhà trong 5 tháng. Ngoài tiền thuê nhà, SV phải đóng hơn 50.000 tiền điện nước sinh hoạt hàng tháng.

Thực tế khi khảo sát nhà A1, hầu hết phòng đều bỏ không, bàn ghế, giường tủ được trang bị phục vụ cho nhu cầu ở và học tập của SV vứt chỏng chơ, bám bụi. Mỗi tầng của nhà A1 thường bố trí 20-30 phòng ở có diện tích từ 45-56,9m2, nhưng đến nay chỉ từ tầng 2 đến tầng 5 của tòa nhà có SV ở, từ tầng 6 đến tầng 9 lác đác vài phòng có SV thuê, từ tầng 10 đến tầng 19 đang để hoang sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng. SV Nguyễn Bảo Quyên ở tầng 5 nhà A1, đang học năm cuối Khoa Dệt may, Trường Đại học Bách Khoa, cho biết lý do chuyển đến ở do ký túc xá của trường chỉ cho SV ở đến năm học thứ 3 và ưu tiên chỗ ở cho SV khóa mới vừa nhập học, nên cả nhóm rủ nhau về đây ở. Một số bạn không có phương tiện cá nhân như xe máy, xe đạp thì kiếm khu nhà trọ gần trường để tiện cho việc đi học, lên giảng đường, lên thư viện của trường. Hơn nữa một số bạn thường xuyên đi xe buýt ngại đến ở đây vì chỉ có 2 tuyến xe buýt 21B và 60A chạy qua khu nhà ở này. Mặt khác, ban quản lý tòa nhà quy định SV không được nấu ăn tại phòng, trong khi căng tin ở tầng 1 không có, SV phải đi ra ngoài để ăn uống nên rất bất tiện.

Đến nay, trong số 6 tòa nhà A1, A2, A3, A4, A5, A6 trong khu nhà ở học sinh, SV Pháp Vân - Tứ Hiệp mới có 3 tòa A1, A5 và A6 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tỷ lệ lấp đầy của 3 tòa nhà này chỉ đạt khoảng 15% tổng số phòng được xây dựng, số phòng ở còn lại dù đã được đầu tư đầy đủ trang thiết bị nhưng vẫn đang để hoang trong nhiều năm qua. 3 tòa nhà cao tầng còn lại là A2, A3, A4 mới hoàn tất phần thô và đang nằm phơi mưa nắng.

Trao đổi với ĐTTC, một cán bộ ban quản lý khu nhà ở SV Pháp Vân - Tứ Hiệp than vãn: “Tình trạng đầu tư lãng phí đã có từ lâu, người đầu tư nay cũng nghỉ hưu hết rồi. Các khu nhà để không sau khi hoàn thiện đang có dấu hiệu xuống cấp, kinh phí cho thuê nhà hiện nay không đủ bù cho chi phí hoạt động của ban quản lý và bảo dưỡng vận hành thiết bị trong tòa nhà”.

Cảnh vắng vẻ tại dự án nhà ở SV Pháp Vân - Tứ Hiệp trong ngày nhập học.

Cảnh vắng vẻ tại dự án nhà ở SV Pháp Vân - Tứ Hiệp trong ngày nhập học.

Hàng loạt ký túc xá bỏ hoang

Tình trạng các khu nhà ở cho SV, các khu ký túc xá bỏ hoang sau khi xây dựng không hiếm. Không chỉ tại Hà Nội, một số địa phương khác như Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bạc Liêu… cũng đang có hàng loạt khu ký túc xá bỏ hoang sau khi xây dựng. Trong đó, dự án cụm nhà ở phía Nam TP Thanh Hóa được phê duyệt đầu tư từ năm 2010, gồm 3 khối nhà 15 tầng có tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Đơn vị thi công xây dựng là Tổng CTCP Miền Trung, nhưng sau 1 năm triển khai xây dựng khối nhà SV3, đơn vị này đã dừng thi công, tòa nhà SV3 đang dở dang ở tầng thứ 9 bị bỏ hoang do nguồn vốn cho dự án bị cắt giữa chừng. Cùng phải dừng giữa chừng khi đang triển khai dự  án là trường hợp khu ký túc xá tập trung tại đường Nguyễn Hoàng, phường 7, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.081 tỷ đồng, nhưng phải dừng giữa chừng khi xây dựng được 2 tòa nhà B2 và B3, với tổng kinh phí lên đến 232 tỷ đồng. 2 tòa nhà này được đưa vào sử dụng trong năm học 2014-2015 nhưng chỉ có 1 SV vào ở. Trong khi để vận hành 2 tòa nhà này tỉnh Lâm Đồng phải bỏ ra khoảng 310 triệu đồng/năm.

Một trường hợp khác là khu nhà ở SV tỉnh Bạc Liêu sau khi đầu tư xong cũng chỉ có vài SV vào ở. Với tổng vốn đầu tư khoảng 260 tỷ đồng, nhưng mới xây dựng 2 khu nhà cao 5 tầng, với 150 phòng ở có sức chứa khoảng 1.200 SV. Chi phí xây dựng 2 khu nhà lên đến trên 80 tỷ đồng, nhưng đến nay ban quản lý khu nhà này đang phải chật vật tìm SV vào ở. Việc dự báo sai nhu cầu nhà ở thực của SV là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng các dự án nhà ở SV xây dựng dở dang rồi bỏ hoang, hay xây dựng giữa chừng buộc phải dừng, thu hẹp quy mô dự án… đã cho thấy nhiều bất cập trong công tác phát triển nhà ở SV tại các địa phương trong những năm qua. Và đã đến lúc các địa phương cần đưa ra các giải pháp để sớm đưa các dự án này vào sử dụng nhằm hạn chế thất thoát và lãng phí trong đầu tư công.

-----------------------

Bài 2: Đổi mục đích sử dụng 

Các tin khác