Lận đận đề án di dân phố cổ

UBND TP Hà Nội vừa tiếp tục có văn bản “thúc” các sở, ngành khẩn trương bổ sung, hoàn thiện đề án di dân phố cổ trình UBND TP phê duyệt. Như vậy, sau 12 năm “thai nghén”, một đề án hàng đầu của thủ đô vẫn nằm trên giấy. Chưa kể dự án xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng cũng chưa khởi công và còn dính đến lừa đảo.

UBND TP Hà Nội vừa tiếp tục có văn bản “thúc” các sở, ngành khẩn trương bổ sung, hoàn thiện đề án di dân phố cổ trình UBND TP phê duyệt. Như vậy, sau 12 năm “thai nghén”, một đề án hàng đầu của thủ đô vẫn nằm trên giấy. Chưa kể dự án xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng cũng chưa khởi công và còn dính đến lừa đảo.

Vẫn khó muôn bề

Kế hoạch giãn dân khu phố cổ Hà Nội là một chủ trương lớn của TP nhằm giảm mật độ dân số ở đây từ 823 người/ha xuống còn 500 người/ha vào năm 2020. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của vị trí, các chuyên gia về đô thị đều nhận định rằng kế hoạch này chưa bao giờ là việc dễ dàng. Khoảng thời gian kỷ lục 12 năm đã phần nào nói lên tính phức tạp của đề án.

Từ năm 1999, Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho quận Hoàn Kiếm nghiên cứu lập dự án giãn dân phố cổ với 28ha đất xây dựng khu giãn dân ở Khu đô thị Việt Hưng, khoảng 14ha ở Ngọc Thụy và một vài vị trí khác trên đường Nguyễn Văn Cừ.

Khi đó, TP đã đặt vấn đề phải giãn 26.000 dân trong số 86.000 dân nằm trong khu vực 100ha của phố cổ. Ngoài sự phức tạp chung của bất kỳ dự án giãn dân nào là vướng cả nơi đi lẫn nơi đến, đề án giãn dân phố cổ còn vấp phải những khó khăn vô hình về giá trị truyền thống, tâm linh, tinh thần… của cư dân.

Chưa kể không người dân nào có thể đồng lòng rời bỏ một nơi ở có giá trị kinh tế, khả năng sinh lời cao như phố cổ Hà Nội.

Một góc phố cổ Hà Nội.

Một góc phố cổ Hà Nội.

Theo báo cáo của chủ đầu tư (UBND quận Hoàn Kiếm), giai đoạn chuẩn bị đầu tư được tính từ năm 2009-2011; giai đoạn đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ và di dời dân 2012-2015. Việc bàn giao căn hộ giãn dân giai đoạn 1 sẽ chia làm 3 đợt, đợt đầu tiên vào quý IV-2013, đợt thứ hai vào quý III-2014 và đợt cuối vào quý III-2015.

Tuy nhiên, tiến độ đề án đã chậm trễ rất nhiều so với dự kiến và chắc chắn sẽ còn chậm do người dân không mặn mà. Và cho đến thời điểm này, dù việc triển khai đề án đã đi vào giai đoạn 3, nhiều người dân phố cổ thực sự vẫn rất mơ hồ về việc đi/ở của mình.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, 10 năm trước, TP thất bại trong việc di dân phố cổ do không tạo được sự hấp dẫn cho khu giãn dân, từ điều kiện về hạ tầng xã hội, diện tích nhà ở đến thiếu cơ chế để tạo ra các dịch vụ, hạ tầng xã hội tốt...

Thêm vào đó, đề án cũng chưa phân loại được các đối tượng giãn dân cũng như giải pháp vận động để họ tự nguyện di dời... Tuy nhiên, cho đến nay, dù đã có hơn 12 năm chuẩn bị, những vấn đề cốt tử trên vẫn chưa được TP Hà Nội giải quyết triệt để.

“Nếu chỉ dùng tư duy hành chính để làm việc sẽ rất khó khả thi. Bởi lẽ điều cần thiết là đưa ra những lợi ích để những người hiện nay đang ở phố cổ thấy rằng ra đi có lợi hơn ở lại, nhưng hiện nay Hà Nội chưa làm được” - GS. Đặng Hùng Võ nhận định

“Làm mồi” cho lừa đảo

Trong khi việc ở/đi của hàng ngàn cư dân phố cổ còn rất phức tạp, các vụ lừa đảo liên quan đến dự án xây dựng nhà giãn dân phố cổ đã khiến cho không ít cư dân - số lượng ít ỏi tự nguyện di dời - nản lòng. Theo đó, để thực hiện các bước ban đầu của dự án nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng, UBND quận Hoàn Kiếm đã giao Công ty Hồng Hà thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị dự án đầu tư.

Tuy nhiên, khi UBND TP Hà Nội chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết khu nhà ở giãn dân phố cổ, UBND quận Hoàn Kiếm còn chưa ký kết hợp đồng thực hiện dự án, trên các trang mạng đã có tin rao bán căn hộ trong dự án nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng với mức giá rẻ, chỉ từ 14,5-15 triệu đồng/m2, thu hút nhiều người nộp tiền góp vốn vào dự án.

Thậm chí khi bị phát hiện, UBND quận Hoàn Kiếm thông báo hủy nguyên tắc cho phép kinh doanh một phần căn hộ dự án nhưng Công ty Hồng Hà vẫn “lờ” đi và tiếp tục huy động vốn. Vụ việc vỡ lở khi hàng chục hộ dân kéo đến trụ sở công ty để đòi lại tiền. Đến thời điểm này, lãnh đạo của Công ty Hồng Hà đã bị bắt nhưng số tiền vốn đã huy động được của cư dân đã lên tới trên 200 tỷ đồng.

Vụ việc này, một lần nữa đẩy việc di dân phố cổ vào tình thế đã khó càng thêm khó. Không chỉ chưa có nhà để có thể di dân như kế hoạch, niềm tin của người dân vào chủ đầu tư cũng giảm sút khiến việc vận động di dời càng trở nên phức tạp.

Bên cạnh đó, việc người dân bị ngay đơn vị được chính quyền giao xây dựng khu ở mới cho mình lừa đảo trắng trợn, đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc kiểm soát, quản lý. Khi lòng tin của người dân đã bị mất, chắc chắn công việc di dời sẽ càng trở nên bế tắc và mục tiêu đến năm 2020 giảm mật độ dân số phố cổ càng trở nên xa vời.

Các tin khác