Kinh doanh bất động sản: Cho phép lấy lãi bù lỗ

(ĐTTCO) - Bộ Tài chính vừa đưa ra dự kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế tài nguyên. 
Kinh doanh bất động sản: Cho phép lấy lãi bù lỗ
Dự kiến dự luật sẽ trình Chính phủ trong tháng 9 tới.
Chuyển nhượng vốn chịu thuế 1%

Theo Khoản 1 Điều 13 Luật Thuế TNCN, “Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, thu nhập chịu thuế được xác định là giá chuyển nhượng từng lần”.
Khoản 2 Điều 23 Luật Thuế TNCN quy định thu nhập từ chuyển nhượng vốn nộp thuế theo mức thuế suất 20%, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo mức thuế suất 0,1%. Điều 28 Luật Thuế TNCN quy định thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú nộp thuế với thuế suất 0,1% trên số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn.

Theo Bộ Tài chính, hoạt động chuyển nhượng vốn của cá nhân rất khó kiểm soát giá chuyển nhượng và chi phí liên quan. Đại đa số trường hợp đều khai chênh lệch bằng 0 dẫn đến thất thu thuế, không công bằng với chuyển nhượng vốn dưới dạng chứng khoán. Thống nhất với nội dung sửa đổi bổ sung tỷ lệ % thuế TNDN trên doanh thu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài 1% nêu trên, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho sửa đổi quy định sửa đổi mức thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân (cư trú và không cư trú) ở mức 1% trên giá chuyển nhượng.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, nhìn nhận cách tính thuế hiện hành cũng tạo những khó khăn cho nhà đầu tư trong việc hạch toán chi phí, trong khi có những loại chi phí cơ quan thuế không chấp nhận. Do đó, cách tính thuế mới là 1% là hợp lý.

Bù trừ thu nhập từ lãi - lỗ

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, trước năm 2004, tổ chức, cá nhân có hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện kê khai, nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Thuế chuyển quyền sử dụng đất.
Từ 1-1-2004, tổ chức có thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền thuê đất thực hiện kê khai, nộp thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền thuê đất nhưng phải kê khai, nộp thuế riêng, không được bù trừ với thu nhập từ sản xuất kinh doanh; đặc biệt trong giai đoạn 2004-2008, thu nhập từ chuyển nhượng này còn áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Giai đoạn lĩnh vực BĐS đang phát triển, lợi nhuận thu được từ BĐS thường lớn nên quy định thuế như vậy là phù hợp nhằm thu ngân sách và hạn chế việc đầu cơ BĐS.

Từ năm 2012 đến nay, thị trường BĐS trầm lắng, thậm chí có lúc rơi vào tình trạng đóng băng, do đó đầu tư vào BĐS không còn được hưởng lợi nhuận, thậm chí bị lỗ. Do đó, Luật Thuế TNDN số 32/2013/QH13 (áp dụng từ 1-1-2014) đã cho phép DN được bù trừ lỗ từ hoạt động chuyển nhượng BĐS với lãi từ hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chưa quy định trường hợp ngược lại (bù trừ một chiều). Tuy nhiên, Luật Thuế TNDN hiện hành cũng quy định DN phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được ưu đãi thuế với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh không được ưu đãi thuế để làm căn cứ xác định số thuế ưu đãi. 

Chính vì vậy, để phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành theo hướng DN được bù trừ lãi từ chuyển nhượng BĐS, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư (trừ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản) với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh (trừ trường hợp thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN). 

Tỷ lệ vay vượt vốn chủ sở hữu

Nhiều DN có khoản vay vốn sản xuất kinh doanh vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu (vốn mỏng, hoạt động chủ yếu dựa vào vay) đã dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính và cũng là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến thu ngân sách. Nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động trong lĩnh vực BĐS, thương mại, dịch vụ báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ trong khi doanh thu luôn tăng trưởng qua các năm và không ngừng mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh.
Qua xem xét báo cáo tài chính của DN cho thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng lỗ của DN một phần do chi phí tài chính (chi phí trả lãi tiền vay vốn cho công ty mẹ ở nước ngoài) quá lớn, thậm chí có công ty chi phí trả lãi tiền vay vốn lên đến vài ngàn tỷ đồng/năm).

Thống kê sơ bộ của 57/85 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước thuộc bộ, UBND tỉnh về tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu, cho thấy tình hình dư nợ vay bình quân trên vốn chủ sở hữu tính đến hết năm 2014, có 2 DN có hệ số lớn hơn 5, có 6 DN có hệ số từ 3-5 (chủ yếu là DN xây dựng) và 49 DN có hệ số nhỏ hơn 3.
Đối với DN FDI, theo số liệu tổng hợp 9.400 DN FDI cả nước (tỷ trọng 70% DN FDI cả nước còn hoạt động), cho thấy hệ số nợ/vốn chủ sở hữu chung tất cả các ngành là 1,23 lần; của ngành thương mại là 3,44 lần. Nếu xét trên chỉ tiêu vốn vay/vốn chủ sở hữu, hệ số này của tất cả các ngành là 0,57 lần, của ngành thương mại 1,8 lần. Riêng đối với lĩnh vực tài chính, tín dụng, theo quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (vốn tự có/tổng tài sản có rủi ro tối thiểu phải đạt 9%).

Do đó, theo Bộ Tài chính, để đảm bảo lành mạnh hóa tài chính của DN và nền kinh tế, góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu kinh tế, chống chuyển giá, cần bổ sung quy định không tính vào chi phí được trừ đối với phần chi trả lãi vay của khoản vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1) đối với lĩnh vực sản xuất, vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (4:1) đối với các lĩnh vực còn lại. Riêng một số lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng được áp dụng tỷ lệ cao hơn: không quá 12 lần vốn chủ sở hữu.

Các tin khác