Kiến nghị lùi tiếp thời gian thu quỹ bảo trì đường bộ

Theo các doanh nghiệp, dự thảo hướng dẫn chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ vẫn còn nhiều vấn đề cần được sửa đổi.

Theo các doanh nghiệp, dự thảo hướng dẫn chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ vẫn còn nhiều vấn đề cần được sửa đổi.


Tại hội nghị góp ‎ sửa đổi bổ sung bản dự thảo thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện được tổ chức ngày 22-11 tại TPHCM, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đã đưa ra ý kiến về việc thu phí bảo trì đường bộ.

Dự thảo còn nhiều điểm bất hợp lý

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội và các doanh nghiệp không đồng tình với một số điểm được đưa ra trong dự thảo thông tư hướng dẫn về chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ.

Ông Trần Viết Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Đà Nẵng đưa ra dẫn chứng, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, doanh nghiệp có thể nộp quỹ theo chu kỳ đăng kiểm 3 hoặc 6 tháng. Tuy nhiên, trong dự thảo lại bắt doanh nghiệp phải đóng quỹ trước, khi có giấy chứng nhận mới được hoạt động. Việc doanh nghiệp phải nộp quỹ mà vẫn chưa được sử dụng dịch vụ là không hợp lý.

Ông Hòe dẫn một ví dụ, 10 năm nay, phải mất 3 giờ đồng hồ để đi qua tuyến đường tránh thành phố Huế chỉ hơn 30 km. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận chịu nộp phạt để đi vào thành phố vì chi phí nộp phạt còn rẻ hơn là chi phí vượt qua quãng đường này.

"Vấn đề thứ hai là số phí thu được để lại cho bộ máy hoạt động là quá lớn, đối với Cục Đăng kiểm là 3%, đối với cấp xã là 30%, cấp phường là 15%. Như vậy, số phí dùng để bảo trì đường chẳng được là bao mà lại phải nuôi thêm bộ máy hoạt động. Phương án thu qua xăng dầu sẽ giảm được chi phí cho bộ máy này", ông nói.

Còn theo ông Trần Huy Hiền, Tổng thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận TPHCM, thông tư đã nêu ra rất cụ thể về mức thu và cách thu mà không nêu cụ thể về việc quản l‎ý quỹ và chất lượng đường sẽ được cải thiện như thế nào khi có quỹ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng rất bức xúc về việc đóng phí đối với rơ moóc, sơ mi rơ moóc. Bởi bản thân rơ moóc, sơ mi rơ moóc không thể hoạt động khi không có đầu kéo. Việc bắt buộc phải đóng phí thêm cả tổ hợp này sẽ khiến số phí phải nộp của doanh nghiệp rất lớn. Do vậy để đảm bảo công bà cho rằng Nhà nước nên thu qua xăng dầu là hợp l‎ý đảm bảo xe đi nhiều trả phí nhiều.

Nên lùi thời gian thu

Khi quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước sẽ bị xóa bỏ. Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Thọ, Giám đốc Công ty Vận tải Trung Việt băn khoăn, trên thực tế trạm thu phí nộp ngân sách rất ít mà chủ yếu là trạm BOT. Trong khi trạm BOT vẫn được thu, thậm chí là còn tăng phí gấp đôi. Như vậy là doanh nghiệp sẽ phải đóng phí chồng phí.

Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị nên lùi thời gian thu phí để tránh tăng thêm áp lực về chi phí cho doanh nghiệp trong tình hình kinh tế khó khăn, đơn hàng giảm.

Ngoài ra, khi tham gia vào các hiệp định vận tải song phương và đa phương, nhất là Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam – Trung Quốc được thực hiện trong thời gian tới đây, trong khi doanh nghiệp vận tải trong nước phá sản, thì vận tải hàng hóa bằng ô tô sẽ mất đi thị phần trên sân nhà.

Ông Trần Trí Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho biết, theo tính toán của Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng, có đến 40% doanh nghiệp vận tải phá sản hoặc chuyển đổi phương tiện trong thời gian tới, khi đóng thêm quỹ bảo trì đường bộ thì con số này còn gia tăng.

Các tin khác