Khuyến cáo tình trạng kinh doanh BĐS “đa cấp”

(ĐTTCO)- Đó là ý kiến của ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc CTCP bất động sản Đại Quang Minh tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản TPHCM diễn ra sáng nay 6-6. Tham dự còn còn có ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP cùng lãnh đạo các sở ngành, NHNN Chi nhánh TPHCM…

(ĐTTCO)- Đó là ý kiến của ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc CTCP bất động sản Đại Quang Minh tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản TPHCM diễn ra sáng nay 6-6. Tham dự còn còn có ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP cùng lãnh đạo các sở ngành, NHNN Chi nhánh TPHCM…

 

Ông Trần Bá Dương cho rằng, hiện nay trên thị trường bất động sản có hiện tượng giao dịch không lành mạnh, nhiều công ty kinh doanh kiểu “bán hàng đa cấp” cam kết lợi nhuận theo từng năm. Trong khi đó người mua không nắm kỹ cứ nghe lời là mua (?). Ông Dương đề nghị các dự án căn hộ nên tách bạch giữa căn hộ để ở và căn hộ làm việc (office-tel) vì hiện nay có nhiều dự án lẫn lộn giữa căn hộ ở và căn hộ office-tel gây khó khăn trong công tác quản lý.

Tại buổi làm việc ông lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cũng đã đưa ra hàng loạt bất cập trong thủ tục hành chính và đề xuất TP và các bộ ngành tháo gỡ. Cụ thể hiện nay việc giao thẩm định giá đất cho 2 sở: TN-MT và Tài chính thực hiện dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian. Ông Châu đề nghị nên giao về một đầu mối như trước kia bởi có doanh nghiệp phản ánh, nộp hồ sơ 18 tháng mà chưa có kết quả.

Sau khi nghe kiến nghị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chỉ đạo ngay, không biết thủ tục như thế nào nhưng giao cho ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT khi doanh nghiệp nộp hồ sơ trong vòng 1 tháng phải có kết quả.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, đề nghị sau sự việc tại dự án chung cư Bảy Hiền Tower và Harmona, TP nên tổng rà soát lại các dự án chung cư được cấp phép vào thời điểm 2007, thời điểm bất động sản sốt. Vì thời điểm đó thị trường nóng nên hàng loạt dự án được bung ra, sau đó đóng băng nên nhiều doanh nghiệp khó khăn dẫn đến làm ảnh hưởng đến quyền lời của khách hàng.

Ngoài ra, Hiệp hội Bất động sản còn đưa ra hàng loạt kiến nghị như  hiện nay tiền sử dụng đất tuy không phải là một sắc thuế, cũng không phải là phí, nhưng lại là một khoản thu ngân sách rất lớn theo quy định của Luật Đất đai và Luật Ngân sách Nhà nước. Nhưng theo cách thu hiện nay, tiền sử dụng đất là "gánh nặng" của doanh nghiệp và người tiêu dùng, là "ẩn số", không minh bạch mà nhà đầu tư không thể tiên lượng trước khi quyết định đầu tư, và đã tạo ra cơ chế "xin - cho".

Để thị trường bất động sản vận hành thực sự theo cơ chế thị trường, về trung hạn, dài hạn phải thay đổi quan điểm về tiền sử dụng đất, cần coi đây là một sắc thuế: "Thuế chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, đất chuyên dụng sang đất ở", có thuế suất, như vậy mới đảm bảo tính minh bạch và loại trừ cơ chế xin - cho, như Báo cáo 196/BC-UBND ngày 8-11-2013 của UBND TPHCM đã gửi Thủ tướng Chính phủ. Nhưng đây là vấn đề cực khó, lâu dài chỉ có thể được giải quyết trong trung hạn, dài hạn vì cần phải được Quốc hội xem xét, phê chuẩn. 

Tiền sử dụng đất là nguồn thu ngân sách rất lớn của TP, trong thời gian qua có nhiều chủ đầu tư phải xếp hàng chờ đợi được nộp tiền sử dụng đất, trong lúc ngân sách TP rất cần bổ sung nguồn vốn này. Vấn đề cấp bách hiện nay là cần cải tiến quy trình, thủ tục thu tiền sử dụng đất với mức thu hợp lý, rút ngắn thời gian (hiện nay phải trên dưới 1 năm), và loại trừ tệ nạn nhũng nhiễu do cơ chế xin – cho.

Các tin khác