Khu phức hợp EVNLand Saigon: Liệu có khả thi?

Dự án “đất vàng”

Dự án có quy mô hàng chục ngàn m2 nằm ngay mặt tiền Đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 5, TPHCM) nguyên là mặt bằng của Nhà máy điện Chợ Quán do Công ty Điện lực TPHCM (nay là Tổng công ty Điện lực TPHCM) quản lý, được quy hoạch thành Khu phức hợp văn phòng - trung tâm thương mại - khách sạn - căn hộ (gọi tắt là khu phức hợp). CTCP BĐS Sài Gòn VINA (EVNLand Saigon) là đơn vị làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng.

Dự án “đất vàng”

Ngày 17-11-2007, EVNLand Saigon được thành lập bởi 4 cổ đông sáng lập, gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC), Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) và Công ty Đầu tư và Xây dựng Thanh niên xung phong (TNXP).

EVNLand Saigon có tổng vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn: các cổ đông sáng lập cam kết đăng ký mua 33 triệu cổ phiếu tương đương 330 tỷ đồng theo tỷ lệ EVN 135 tỷ đồng, EVN HCMC 135 tỷ đồng, EVN SPC 37,5 tỷ đồng, TNXP 22,5 tỷ đồng; 117 triệu cổ phiếu còn lại tương đương 1.170 tỷ đồng được chào bán ra ngoài. EVNLand Saigon được thành lập chủ yếu để đầu tư dự án Khu phức hợp tại số 8-8Bis Hàm Tử, nay là số 628-630 Đại lộ Võ Văn Kiệt, có diện tích hơn 40.000m2.

“Mượn đầu heo nấu cháo”?

Mặc dù dự án đang còn ẩn số về vốn, nhưng Công ty truyền thông Newlink (đơn vị tổ chức sự kiện và truyền thông cho khu phức hợp) không tiếc lời tung hô: “EVNLand Saigon ra đời với các cổ đông có tiềm lực trong ngành điện Việt Nam như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Điện lực TPHCM, Công ty Điện lực 2, Công ty Đầu tư và Xây dựng Thanh niên xung phong và các công ty con trong ngành điện từ Bắc đến Nam cùng hơn 38.000 CBCNV trong ngành điện lực. Vì vậy, chiến lược phát triển ổn định, bền vững là sự lựa chọn tất yếu của EVNLand Saigon. Bên cạnh đó, đội ngũ quản lý có năng lực chuyên môn, có tâm và tinh thần trách nhiệm cao; đội ngũ thi công có trình độ tay nghề nhất định, có kinh nghiệm trong ngành xây dựng hứa hẹn sẽ hoàn thành dự án đúng tiến độ, sớm mang đến cho người dân quận 5 không gian sống trong lành và môi trường làm việc hiện đại. Là dự án mang tính biểu tượng của EVN với tổ hợp kiến trúc cao cấp bao gồm khối văn phòng hạng A, trung tâm thương mại và khách sạn 5 sao với quy mô xây dựng dự kiến 53 tầng. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 6.000 tỷ đồng”.

Được biết sau khi Nhà máy điện Chợ Quán di dời, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo việc xử lý mặt bằng nhà máy, theo đó đồng ý việc chuyển giao 5.000m2 do EVN HCMC quản lý để xây dựng trụ sở Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM.

Đối với phần diện tích 36.464m2 còn lại, EVN phối hợp với các cơ quan chức năng của TPHCM và Bộ Tài chính bố trí sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng của TPHCM.

Sau khi có phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 của UBND quận 5, ngày 17-11-2010, UBND TPHCM có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Ngày 26-11-2011, EVNLand Saigon tổ chức khởi công dự án khu phức hợp.

3/4 cổ đông sáng lập tuyên bố thoái vốn

Tuy nhiên, ngay sau khi dự án khởi công, nhiều ý kiến cho rằng việc EVNLand Saigon khởi công dự án là trái với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “không cho ngành điện đầu tư trái ngành”. Thực tế trong bối cảnh thị trường BĐS còn đầy khó khăn, việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán không dễ, liệu EVNLand Saigon có đủ năng lực tài chính để đầu tư một dự án 6.000 tỷ đồng?

Được biết, ông Võ Hữu Thiện, Chủ tịch HĐQT EVNLand Saigon và ông Nguyễn Quang Hiển, Tổng giám đốc EVNLand Saigon là người đại diện phần vốn nhà nước của EVN HCMC tại EVNLand Saigon. 

ĐTTC đã liên lạc để tìm câu trả lời về vấn đề này nhưng bất thành. Theo nguồn tin của ĐTTC, sự kiện khởi công ngày 26-11 vừa qua không phải là lễ động thổ xây dựng dự án vì chưa đủ khả năng tài chính, mà chỉ là khởi công để làm một số hạng mục hạ tầng nhỏ của dự án.

Bởi TP đã có quyết định chủ trương đầu tư hơn 1 năm nhưng dự án vẫn “án binh bất động”. Phải chăng việc động thổ nhằm đối phó với dư luận và UBND TPHCM trong việc giữ “đất vàng”?

Khu "đất vàng" của dự án Khu phức hợp EVNLand Saigon. Ảnh: LÃ ANH

Khu "đất vàng" của dự án Khu phức hợp EVNLand Saigon. Ảnh: LÃ ANH

Về việc ngành điện không được đầu tư trái ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng, ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng ban Quan hệ cộng đồng EVN HCMC, cho biết công ty đang lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại EVNLand Saigon theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Tuy nhiên kế hoạch thoái vốn như thế nào, hiệu quả đầu tư phần vốn này trong thời gian vừa qua ra sao EVN HCMC cũng chưa biết được.

Ông Nguyễn Thành Duy, Tổng giám đốc EVN SHP, cũng cho biết tổng công ty đang lên kế hoạch thoái vốn khỏi EVNLand Saigon.

Hiện nay EVN SHP cũng chưa nộp hết số tiền đã cam kết như lúc thành lập công ty. Trong khi đó, EVN cũng đã có văn bản từ chối góp 108 tỷ đồng như cam kết ban đầu sau 3 năm thành lập công ty.

Hiện EVNLand Saigon đang chào bán toàn bộ 10,8 triệu cổ phiếu ra bên ngoài nhằm huy động vốn cho dự án Khu phức hợp.

Như vậy việc 3/4 cổ đông sáng lập tuyên bố thoái vốn khỏi EVNLand Saigon trong bối cảnh thị trường BĐS và thị trường chứng khoán gặp khó khăn, liệu một doanh nghiệp doanh thu năm 2010 chỉ đạt 57% kế hoạch đề ra với mức chia cổ tức 5,5%/năm như EVNLand Saigon có đủ sức thu hút nhà đầu tư?

Nhưng trước mắt hàng chục ngàn m2 “đất vàng” tiếp tục lãng phí do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính.

Các tin khác