Khu Nam TPHCM: Treo 22 năm... tiếp tục bàn

(ĐTTCO) - 125ha đất khu E  với hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng nằm trong quy hoạch khu đô thị Nam TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 1994, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện quy hoạch, do TP chưa xác định được nguồn vốn bồi thường cho người dân. Trong khi đó các hộ dân vẫn mòn mỏi chờ Nhà nước giải tỏa, bồi thường để ổn định cuộc sống và tính toán cho tương lai.

(ĐTTCO) - 125ha đất khu E  với hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng nằm trong quy hoạch khu đô thị Nam TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 1994, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện quy hoạch, do TP chưa xác định được nguồn vốn bồi thường cho người dân. Trong khi đó các hộ dân vẫn mòn mỏi chờ Nhà nước giải tỏa, bồi thường để ổn định cuộc sống và tính toán cho tương lai.

Người dân khốn khổ

Năm 1994, Nhà nước công bố quy hoạch 125ha khu E (nằm trên địa bàn quận 8 và huyện Bình Chánh) xây dựng khu đô thị Nam TP. Tuy nhiên công tác đền bù, giải tỏa thực hiện quá chậm khiến nhà cửa người dân xuống cấp  nghiêm trọng do khó khăn trong việc sửa chữa, việc xây mới cũng không được… Con đường Hoàng Đạo Thúy nối phường 7, quận 8 và xã An Phú Tây (Bình Chánh) xuống cấp, không ít vụ tai nạn dẫn đến tử vong diễn ra trên con đường này. Một người dân cho biết chính quyền địa phương đã nhiều lần xuống đo đạc rồi thông tin về việc giải tỏa, nhưng chờ mãi hết năm này qua tháng khác vẫn không thấy thông tin gì mới. Mọi thứ  trong khu vực này đếu “đứng im” vì không làm gì được với nhà cửa. Muốn dọn đi cũng không xong, mua bán cũng không được vì vướng quy hoạch. 

Cũng trên đường Hoàng Đạo Thúy, gia đình ông Nguyễn Văn Đạo hàng chục năm qua phải sống trong căn nhà không ra nhà vì phải chờ thực hiện quy hoạch. Ông Đạo cho hay, nghe thông tin phía quận 7 chi trả bồi thường cho dân đã nhiều lần khấp khởi mừng vì sắp được thoát khỏi cảnh ăn ở tăm tối. Tuy nhiên, sau đó việc bồi thường im bặt cho đến nay và không biết khi nào mới được hiệp thương để bồi thường. Trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh Vân, xã An Phú Tây, cũng có 5.000m2 đất nằm trong quy hoạch khu Nam TP, một phần nằm trong ranh lộ giới mở rộng Quốc lộ 1A. Mua đất về đây từ khi bà mới 35 tuổi, đến nay bà Vân đã ngoài 60 tuổi nhưng không thể làm gì được trên mảnh đất của mình. Đất rộng, bà Vân nhiều lần muốn chuyển mục đích sử dụng đất để khai thác quỹ đất của chính mình nhưng do nằm trong quy hoạch đã có quyết định thu hồi đất nên không làm gì được và cứ bỏ hoang hóa hàng chục năm qua vô cùng lãng phí.

Các cơ quan lần lữa

Tại buổi làm việc với Ban quản lý khu đô thị Nam TP cùng các sở, ngành và đơn vị có liên quan, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng Ban Kinh tế ngân sách, HĐND TP, cho rằng người dân sống tại khu vực này hiện nay chịu rất nhiều thiệt thòi và cuộc sống cũng hết sức khó khăn vì quyền lợi hợp pháp về nhà đất của họ bị hạn chế. Ông Lâm khẳng định các dự án tại khu E triển khai càng chậm người dân càng khổ. Theo ông Hà Phước Thắng, Trưởng Ban quản lý khu đô thị Nam TP, một trong những vướng mắc lớn nhất của khu vực này là hiện nay chưa xác định được rõ nguồn vốn để bồi thường cho các dự án. Trong 125ha đất của khu E , hiện mới chỉ bồi thường được khoảng 37%. Trong đó, tại phường 7, quận 8 mới bồi thường được một nửa, phía Bình Chánh chỉ đạt khoảng 25% trên tổng số 81,5ha đất nằm trong quy hoạch khu E trên địa bàn.

Ông Thắng cũng cho hay, khu E được quy hoạch chức năng là trung tâm lưu thông hàng hóa,  nằm trong quy hoạch khu đô thị mới Nam TP. Cuối năm 2015, UBND TP quyết định, giao 20ha trên tổng số 125ha cho Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) để đầu tư xây dựng Bến xe Miền Tây mới. Ngoài ra, trong khu này còn có thêm các dự án xây dựng depot và ga đầu của tuyến xe buýt nhanh phía Tây TP. Trong các dự án này, hiện mới chỉ có dự án Bến xe Miền Tây mới là xác định được nguồn vốn đầu tư và chi trả bồi thường là Công ty Samco.

Đường sá xuống cấp trầm trọng vì bị bỏ mặc suốt 22 năm qua. Ảnh: TRÀ GIANG

Đường sá xuống cấp trầm trọng vì bị bỏ mặc suốt 22 năm qua. Ảnh: TRÀ GIANG

Bao giờ cho đến bao giờ?

Các dự án còn lại và khu E hiện đang phải dẫm chân tại chỗ vì chưa xác định được nguồn vốn đầu tư. Nguyên nhân là do hiện nay TP đàm phán tỷ lệ góp vốn giữa phía Việt Nam và đối tác Đài Loan (liên doanh Phú Mỹ Hưng). Do đó, hiện nay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phải tạm ngưng, chỉ thực hiện đối với các hộ dân đã có hiệp thương trên địa bàn quận 7. Ông Thắng cho hay, liên quan đến việc đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả Bến xe Miền Tây mới, Samco kiến nghị TP giao thêm 5ha đất trong ranh lộ giới mở rộng Quốc lộ 1A để giải tỏa. Việc này hiện nay vẫn chưa có quyết định chính thức. 

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đề nghị TP cần thực hiện một lần các dự án nêu trên  thay vì làm lẻ tẻ từng dự án để tránh trường hợp nhà dân bị giải tỏa 2 lần. Dự án đã quá lâu, người dân bức xúc phản ánh lên nhiều “đời” lãnh đạo TP nhưng vẫn chưa được giải quyết, trong khi đó  nhà cửa ngày một xuống cấp, cuộc sống bất an, không ổn định. Theo quy hoạch, khu E dự án thành phần đã có, vấn đề là cần nhanh chóng xác định nguồn vốn cũng như chủ đầu tư của các dự án có liên quan và TP thông qua được tỷ lệ góp vốn giữa các bên là có thể bắt tay vào thực hiện. Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, Ban Kinh tế-Ngân sách sẽ báo cáo với thường trực HĐND TP và sẽ nêu ra tại kỳ họp HĐND TP ngày 19-4 tới đây. Trong khi đó, đại diện Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), đơn vị chịu trách nhiệm bồi thường cho toàn khu E, cho biết hiện nay TP đã đồng ý kinh phí hơn 104 tỷ đồng để tiếp tục chi trả bồi thường cho các hộ dân đã hiệp thương trên địa bàn quận 8.

Các tin khác