Khu Nam người đông, cầu nhỏ

(ĐTTCO) - Đường Nguyễn Hữu Thọ và đường Lê Văn Lương (quận 7, Nhà Bè) được xem là một trong những tuyến giao thông chính yếu tại khu Nam TPHCM, nối TP với Long An. Tuy nhiên đường Nguyễn Hữu Thọ mới đưa vào sử dụng đã quá tải do quy hoạch bất cập, trong khi đường Lê Văn Lương lại quá chật hẹp, nhiều cây cầu sắt có tuổi thọ hơn 50 năm trên tuyến đường này đã xuống cấp trầm trọng. Vụ sập cầu Ghềnh mới đây làm người dân qua lại khu vực này càng lo lắng hơn.

(ĐTTCO) - Đường Nguyễn Hữu Thọ và đường Lê Văn Lương (quận 7, Nhà Bè) được xem là một trong những tuyến giao thông chính yếu tại khu Nam TPHCM, nối TP với Long An. Tuy nhiên đường Nguyễn Hữu Thọ mới đưa vào sử dụng đã quá tải do quy hoạch bất cập, trong khi đường Lê Văn Lương lại quá chật hẹp, nhiều cây cầu sắt có tuổi thọ hơn 50 năm trên tuyến đường này đã xuống cấp trầm trọng. Vụ sập cầu Ghềnh mới đây làm người dân qua lại khu vực này càng lo lắng hơn.

Cầu cứu Bí thư

Một người dân xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) cho biết mấy chục năm qua khu vực này gần như trở thành ốc đảo khi tuyến đường Lê Văn Lương cách đây không lâu vẫn là đường đất, ổ trâu, ổ voi. Mới đây Nhà nước đã nâng cấp, trải nhựa tuyến đường này giúp người dân đi lại dễ dàng hơn. Tuy nhiên 4 cây cầu sắt chạy dọc tuyến đường này, từ đầu đường Nguyễn Văn Linh đến hết địa phận TP giáp ranh với tỉnh Long An, có tuổi thọ gần 60 năm đã xuống cấp trầm trọng. Không những vậy, cầu khá nhỏ, chỉ lọt khoảng 3 xe máy đi qua và tải trọng có cây cầu dưới 1 tấn, nên đã ảnh hưởng việc lưu thông của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn 2 xã Phước Kiển và Nhơn Đức.

Đầu tư cho hệ thống giao thông lẽ ra phải là khâu đầu tiên của quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên vấn đề này dường như luôn đi sau tại khu Nam TP, trong kkhi đó TP lại xác định chiến lược “tiến ra biển” tại khu Nam. Do đó để thực hiện được mục tiêu trên, TP cần phải nhanh chóng đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông tại khu vực này.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM

Theo ghi nhận của ĐTTC, các cây cầu này hiện rất cũ kỹ, hoen gỉ, lòng cầu chừng hơn 2m, mỗi khi có một chiếc xe tải nhẹ chạy qua là mọi phương tiện khác phải dừng lại. Một nhân viên gác cầu tại cầu Rạch Tôm (thuộc Công ty Cầu Phà TPHCM) cho biết do lòng cầu quá hẹp nên giờ cao điểm luôn xảy ra ùn ứ. Bên dưới lòng sông tàu thuyền khai thác cát, vận chuyển hàng hóa chạy ầm ầm làm ai cũng thót tim. Tại đầu đường Lê Văn Lương thuộc phường Tân Phong (quận 7), nhiều hộ dân buôn bán chiếm cả lòng đường làm cho con đường vốn chật càng trở nên chật chội hơn. Chính vì những cây cầu sắt tải trọng quá thấp và hẹp nên việc di chuyển của các phương tiện vận tải lớn trên đoạn đường này gần như không có. Đây cũng là nguyên nhân vì sao kinh tế khu vực này kém phát triển, rất ít nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh lớn mọc lên vì xe lớn không thể nào tiếp cận được.

 “Bà con chúng tôi vừa có đơn kêu cứu gửi Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng và các cơ quan chức năng quan tâm đến tình trạng mấy cây cầu này trước khi quá muộn” - ông Bảy Bỉnh ở xã Phước Kiểng nói. Những cây cầu này là nỗi ám ảnh đối với người dân nơi đây bởi chỉ cần xảy ra một sự cố nhỏ là xem như kẹt cứng trong nhiều giờ liền. Điều đáng nói, đây cũng gần như là con đường độc đạo để người dân xã Nhơn Đức, Phước Kiển và Long An di chuyển lên khu trung tâm TP, nên càng gây ra bức xúc đối với người dân.

Nguy hiểm rình rập

Tốc độ đô thị hóa khu Nam TP diễn ra ngày càng nhanh, nhiều cao ốc, dự án nhà ở được đầu tư xây dựng kéo một lượng dân khá lớn về đây ở. Do đó 2 trục đường chính tại khu Nam là Nguyễn Hữu Thọ và Lê Văn Lương luôn quá tải. Đặc biệt trục đường Nguyễn Hữu Thọ là con đường mới được quy hoạch nhưng xem ra đã lỗi thời khi có quá nhiều dự án BĐS chen chúc sát con đường. Do đó người ta chỉ còn trông chờ vào con đường Lê Văn Lương sẽ được quy hoạch, đầu tư bài bản hơn để kết nối khu Nam với trung tâm TP và TP với Long An. Có mặt tại cầu Rạch Dơi, chúng tôi chứng kiến tình trạng kẹt xe nghiêm trọng dù cầu chỉ cho phép xe 2 bánh và người đi bộ qua theo hướng từ xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè về trung tâm TPHCM. Không những vậy, cầu dốc, khó đi, các xe đều phải để số nhỏ, rồ ga để không bị tắt máy. Do người, xe san sát nhau, không có khoảng cách an toàn nên nếu không may xảy ra sự cố sẽ gây tác động dây chuyền vô cùng nguy hiểm. Ngoài việc gánh lượng người và xe lớn mỗi ngày, cầu Long Kiểng còn phải cõng hàng loạt dây cáp và đường ống nước sinh hoạt. Ông Võ Hùng Minh (nhà sát cầu Long Kiểng, xã Nhơn Đức) cho biết người dân muốn vào trung tâm TP phải đi qua cầu này vì đường vòng xa hơn 5-10km. Cầu cũ, đường hẹp và quá tải, do đó nơi đây luôn rình rập hiểm nguy.

Cầu Rạch Dơi vừa hẹp vừa xuống cấp trầm trọng trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: TR.GIANG

 Cầu Rạch Dơi vừa hẹp vừa xuống cấp trầm trọng trên đường Lê Văn Lương.  Ảnh: TR.GIANG

Ông Dương Công Thứ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, cho biết chính quyền địa phương đã nhiều lần có văn bản kiến nghị nhưng việc xây dựng cầu Long Kiểng mới vẫn không thấy động tĩnh gì. “Dân cư ngày càng đông, cầu Long Kiểng yếu nhưng ngày nào cũng ùn tắc vào giờ cao điểm. Sắp tới, trên địa bàn còn có 2 trường học được xây mới, không biết sẽ còn kẹt xe và nguy hiểm đến đâu. Cầu này nằm ở vị trí cửa ngõ vào xã Nhơn Đức nhưng tải trọng dưới 1 tấn nên việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, kinh tế - xã hội trên địa bàn cũng không phát triển nổi. Ngoài ra, cầu yếu cũng ảnh hưởng đến công tác PCCC trên địa bàn. Trước Tết, một vụ cháy đã xảy ra gần cầu phía Nhơn Đức nhưng xe chữa cháy phải dừng bên kia cầu vì không thể qua được. UBND xã phải huy động lực lượng tại chỗ mới dập tắt được đám cháy” - ông Thứ lo lắng.

Các tin khác