Khu Đông nhiều dự án treo

(ĐTTCO) - Những năm gần đây cửa ngõ phía Đông TPHCM được xem là một trong những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất TP, hàng loạt công trình hạ tầng được đầu tư đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, qua báo cáo của quận 9 với UBND TPHCM mới vỡ lẽ: hàng loạt dự án được giao đất nhưng không triển khai, gây tình trạng hoang hóa, lãng phí.

(ĐTTCO) - Những năm gần đây cửa ngõ phía Đông TPHCM được xem là một trong những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất TP, hàng loạt công trình hạ tầng được đầu tư đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, qua báo cáo của quận 9 với UBND TPHCM mới vỡ lẽ: hàng loạt dự án được giao đất nhưng không triển khai, gây tình trạng hoang hóa, lãng phí.

200ha treo nhiều năm

Báo cáo với Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, đại diện lãnh đạo UBND quận 9 cho biết, thời gian qua trên địa bàn có nhiều dự án được giao đất, trong đó có nhiều dự án nhà ở, nhưng chủ đầu tư triển khai rất ì ạch. Bà Đặng Thị Hồng Liên, Chủ tịch UBND quận 9, cho biết về quy hoạch quận có gần 200ha thuộc dự án của một số trường đại học, trường chuyên ngành và trường cao đẳng, ký túc xá dự kiến xây mới gồm: Trường Đại học Kiến trúc (quy mô 40ha), Trường Đại học Kinh tế (50ha), Trường Đại học Luật (30ha), Trường Đại học Marketing (15ha), Nhạc viện TP (20ha), Học viện Tư pháp (9ha), Trường Đào tạo cán bộ ngành giáo dục TP (5ha), Trường Cao đẳng-Đại học Nguyễn Tất Thành (14ha), Trường Cao đẳng Tài chính hải quan (21ha), ký túc xá Trường Bưu chính viễn thông…  

Thời gian qua TP đã kiên quyết xử lý các dự án treo và thực tế hàng trăm dự án với hơn 6.000ha đã bị hủy bỏ chủ trương đầu tư, nhưng người dân vẫn chưa hết khổ vì treo. UBND TPHCM đang tập trung phát triển về hướng Đông, tuy nhiên nêu không làm rốt ráo tình trạng treo như hiện nay, khu Đông sẽ bị cản ngại rất nhiều trong quá trình phát triển.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM

Đến nay chỉ có Trường Đại học Luật đang lập hồ sơ triển khai dự án, còn những trường khác chưa triển khai dù đã được TP giao đất. Theo bà Liên, các dự án trên đều có quy mô lớn, do đó ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân nếu dự án kéo dài không thực hiện. “UBND quận 9 kiến nghị TP chỉ đạo các sở, ngành rà soát nhu cầu đầu tư và quy mô đầu tư để có sự điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án và đảm bảo cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án nêu trên” - bà Liên đề xuất. Trước kiến nghị này, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ nghe lại các sở, ngành báo cáo và sớm chỉ đạo ngay. Nếu dự án được giao lâu vẫn chưa thực hiện phải thu hồi theo quy định. Theo ông Phong, tổng diện tích gần 200ha là không ít, nếu cứ để treo lâu đời sống người dân càng khó khăn hơn và dễ dẫn đến bức xúc. Người đứng đầu chính quyền TP yêu cầu quận 9 phải quan tâm, theo sát để kịp thời báo cáo TP xử lý, tháo gỡ.

 Theo ghi nhận của ĐTTC, ngoài các dự án thuộc dạng các công trình phúc lợi trên, có hàng loạt dự án nhà ở trên địa bàn được giao đất nhưng không triển khai hoặc triển khai rất chậm. Cụ thể, dự án nhà ở Đông Tăng Long được triển khai hơn 10 năm nay nhưng hiện nay vẫn còn ngổn ngang, chỉ có một số ít nhà được xây dựng, còn lại vẫn trong tình trang hoang hóa. Hay dự án nhà ở của Công ty Phát triển nhà Phú Nhuận cũng chỉ có một vài nhà xây dựng, còn lại bỏ không.

Một dự án nhà ở tại quận 9 bị hoang hóa từ nhiều năm nay.

Một dự án nhà ở tại quận 9 bị hoang hóa từ nhiều năm nay.

Dân chờ, cơ quan chức năng đủng đỉnh

Ngoài quận 9, một số khu vực lân cận như Thủ Đức, quận 2 cũng còn hàng loạt dự án trong tình trạng quy hoạch xong để đó. Khu dân cư Tam Bình 2 (khu phố 2, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) được kiến trúc sư trưởng TP phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa rục rịch triển khai. Hàng trăm hộ dân nằm trong quy hoạch “dài cổ” chờ ngày dự án thực hiện. Sau 10 năm, dự án mới chỉ nằm trên giấy. Tháng 12-2013, UBND TP đã ban hành Quyết định 7224/QĐ-UBND về duyệt quy hoạch phát triển bến bãi vận tải hàng hóa đường bộ liên tỉnh đến năm 2025. Một người dân sống tại đây cho biết khi cần làm nhà đi xin giấy phép xây dựng qua nhiều thủ tục khác nhau, đến khi hoàn thiện hồ sơ mới biết nhà được xây dựng với điều kiện… tự nguyện phá dỡ nếu khi dự án thực hiện. Tháng 4-2016, Viện Quy hoạch xây dựng TP đã nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phân khu Tam Bình 2. Theo đó, lý do điều chỉnh vì đồ án cũ đã được phê duyệt 10 năm, quá trình phát triển có nhiều biến động cần rà soát. Bên cạnh đó, 2 tuyến đường Ngô Chí Quốc và Tỉnh lộ 43 kết nối các khu vực cần cập nhật và định hướng lại phân khu chức năng dọc tuyến đường này cho phù hợp với thị trường nhằm thu hút đầu tư. Như vậy, phải đợi đến 13 năm, dự án này mới được quy hoạch lại và cũng chưa biết khi nào thực hiện.

Tương tự, nhà của nhiều người dân ở khu phố 7, phường Linh Đông, quận Thủ Đức cũng bị quy hoạch treo từ hơn 10 năm nay. “Thấy trong sổ ghi chú nhà thuộc đất thương mại, dịch vụ, khi Nhà nước thực hiện quy hoạch phải nghiêm túc thực hiện. Do đó ai đến đây muốn mua cũng sợ, bán phải bán rẻ. Cứ để vậy hàng chục năm không thấy ai thực hiện quy hoạch” - anh Mẫn, một người dân khu phố 7, phường Linh Đông, bức xúc. Một dự án khác cũng gây nhiều bức xúc cho người dân nằm trong khu quy hoạch là dự án ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) được phê duyệt từ năm 2002 nhưng đến giữa năm 2016 cơ quan có thẩm quyền mới cho biết vẫn đang bố trí vốn để cắm mốc. Dự án này chạy dài qua 3 khu phố: 2, 6 và 7 và đang trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng chục ngàn người dân. Do không được làm đường nên các hộ dân tự đổ đất, đá hình thành con đường mòn ngay trên đất của ga Bình Triệu. Tại khoảng trống giữa các làn đường ray xe lửa, nhiều người tận dụng và cải tạo để trồng rau. Những khu đất trống gần nhà người dân cây cỏ um tùm do không được cắt thường xuyên. Khác với sự náo nhiệt của Quốc lộ 13 cách đó chừng 100m, khu vực quy hoạch treo bên trong ga khá ảm đạm, heo hút như ở nông thôn.

Các tin khác